Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:35 (GMT +7)
Kinh tế - xã hội quý I/2024 khởi sắc với nhiều điểm sáng
Thứ 5, 21/03/2024 | 18:05:06 [GMT +7] A A
Ngày 21/3, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình, kết quả công tác quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Bước vào quý đầu tiên của năm 2024, bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực. Nổi bật là lĩnh vực du lịch. Tổng lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 5,3 triệu lượt, tăng 11% so cùng kỳ, đạt 105% kịch bản tăng trưởng. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 616.000 lượt, tăng 310% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 10.200 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Những con số tích cực này có được từ việc tỉnh không ngừng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách; chuẩn bị và triển khai tốt các hoạt động du lịch đầu năm, hoạt động lễ hội; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư du lịch nhân dịp Đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023 - 2024 đến Hạ Long. Đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế.
Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng với mức tăng ước đạt 19,5%, tăng 9,71 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 6,52 điểm % so với kịch bản quý I và đóng góp 2,57 điểm % tăng trưởng GRDP. Nhiều sản phẩm chế biến, chế tạo đạt và vượt kịch bản như: Sợi bông cotton, tấm silic, tấm sàn, tấm quang năng, dầu thực vật, loa, tai nghe, quần áo, vòng tay thông minh…
Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt gần 600 triệu USD, đạt 20% kế hoạch năm. 9 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 500 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn tăng thêm 48 triệu USD. Các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn đều được thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Từ những kết quả khởi sắc đạt được trong lĩnh vực trên đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế GRDP quý I của tỉnh, ước đạt 8,51%, tăng 0,04 điểm % so với kịch bản. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.160 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 9.160 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu ước đạt 4.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.172 tỷ đồng
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, con người được quan tâm, chăm lo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người già. Tỉnh và các địa phương đã tổ chức thăm, tặng quà Tết Nguyên đán, chúc mừng thọ cho các đối tượng chính sách có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền trên 186 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm tăng thêm cho trên 7.000 lượt lao động.
Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2023-2024 tại tỉnh Quảng Ninh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả cao, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi, tăng 5 bậc so với năm trước. Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới. Các địa phương Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu tổ chức đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Huyện Đầm Hà là địa phương cấp huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Cũng trong Quý I, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển của địa phương gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng phân tích một số tồn tại, hạn chế liên quan đến một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt mục tiêu, còn thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tăng trưởng 3 khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, nông lâm nghiệp và thủy sản đều thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, xu hướng tăng trưởng yếu của ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tăng trưởng chung. Số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tăng so cùng kỳ năm 2023 do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường vốn, tài chính, bất động sản. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách… của một số địa phương, sở, ngành có mặt còn hạn chế. 7/16 khoản thu dự kiến không đạt tốc độ bình quân. Tỷ lệ giải ngân quý I ước đạt 5,3% kế hoạch vốn, tương đương cùng kỳ, nhưng thấp hơn so với bình quân chung cả nước (8%); vẫn còn 5 địa phương chưa phân khai chi tiết kế hoạch vốn. Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế; công tác GPMB một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra; chưa chủ động nguồn vật liệu san lấp…
Thống nhất với các ý kiến thảo luận, BTV Tỉnh ủy yêu cầu làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc và trách nhiệm của các ngành, địa phương. Đồng thời đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 và chỉ tiêu của năm. Phấn đấu trong Quý II đạt mức tăng trưởng 9,15%, cả năm đạt trên 2 con số. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ “5 thật 6 dám”. Cùng với lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, phải thực hiện tốt Nghị quyết 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó tạo chuyển biến từ trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và mỗi cơ quan, doanh nghiệp.
Cùng ngày, BTV Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kết quả triển khai mô hình hoạt động Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện. Năm 2014, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh được chính thức đi vào hoạt động - đây là một trong những mô hình thực hiện đầu tiên trong cả nước trực thuộc UBND cùng cấp; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Qua 10 năm hoạt động cho thấy, mô hình Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã tạo ra bước chuyển căn bản trong kiểm soát toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời đã giúp thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, của đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong hệ thống chính trị trong việc phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Cùng với Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, Trung tâm HCC ở tất cả các địa phương đã được thành lập và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đồng thời, chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã cũng không ngừng được nâng cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình và kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của tỉnh Quảng Ninh đã được những kết quả quan trọng, dấu ấn nổi bật, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội.
Qua thảo luận, BTV Tỉnh ủy thống nhất một số nội dung, trong đó, duy trì mô hình Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh trực thuộc UBND tỉnh như hiện nay trên cơ sở đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thí điểm chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh về thực hiện tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh.
BTV Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục xây dựng đề án, hoàn thiện mô hình Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phát huy hiệu lực hiệu quả trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ để trở thành mô hình mẫu về bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công trực tuyến, áp dụng chuyển đổi số và là một trung tâm chủ lực việc thực hiện chuyển đổi số của địa phương.
Gắn kết Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với việc tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong chuyển đổi số Quốc gia, để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp theo mô hình kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn mà phù hợp với chức năng nhiệm vụ.
Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, cán bộ thực sự có phẩm chất năng lực uy tín, đạo đức nghề nghiệp, tận tâm, tận lực phục vụ người dân và doanh nghiệp, vô tư, trong sáng.
Nghe và cho ý kiến về báo cáo tổng kết 5 năm công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2020 - 2025; báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao nỗ lực của các tổ biên tập hoàn thiện các báo cáo với nhiều nội dung quan trọng. Để đảm bảo toàn diện, khách quan, đầy đủ, khoa học, BTV Tỉnh ủy yêu cầu phải củng cố, bổ sung thêm dữ liệu trong các báo cáo, có sự so sánh giữa các nhiệm kỳ và có nhận diện, đánh giá cụ thể và dự báo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến đóng góp tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo, trong đó cần làm rõ về kiến nghị của Quảng Ninh.
Cũng trong ngày, BTV Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về đề xuất danh mục dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()