Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:16 (GMT +7)
Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thứ 3, 25/04/2023 | 11:30:09 [GMT +7] A A
Sáng 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã tích cực có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây nhất đã ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai Thông tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mặt thời gian.
Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng của quý I năm nay thấp hơn đà tăng trưởng của quý I/2022, đòi hỏi phải đánh giá lại, phân tích, trên cơ sở đó phải đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, chúng ta còn “những công cụ gì có trong tay” thì phải tận dụng cho hết để góp phần bảo đảm tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, khi tình hình cần thiết, các ngân hàng phải vào cuộc để cùng Chính phủ điều tiết chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thời cơ thuận lợi mới, hạn chế rủi ro, “biến nguy thành cơ”; không ngồi chờ mà phải hành động, nhưng muốn vậy phải thống nhất về nhận thức, ý chí, quan điểm. Lúc cộng đồng doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải sử dụng hết công cụ để tiếp tục khơi dậy sức mạnh, huy động nguồn lực cho phát triển nói chung. Trong lúc khó khăn này cần phải chung tay giúp sức, cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ mọi vướng mắc, phát triển đất nước.
Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, theo dõi, dự báo tình hình, đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để giải phóng, huy động mọi nguồn lực của xã hội, tạo động lực, tạo cảm hứng, xung lực cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, huy động mọi nguồn lực của xã hội.
Chú trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay; có đổi mới sáng tạo mới tạo ra động lực, nguồn lực, huy động sức mạnh của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Kinh nghiệm cho thấy khi chúng ta thay đổi cơ chế, một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn, phù hợp “Ý Đảng, lòng dân” thì sẽ cơ chế đó sẽ phát huy được sức mạnh, đi vào lòng người. Khi cơ chế phù hợp lòng dân, thực tiễn thì tạo ra sức mạnh, động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, chú trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay; có đổi mới sáng tạo mới tạo ra động lực, nguồn lực, huy động sức mạnh của người dân. Chúng ta tiếp tục các chuỗi công việc đã làm vừa qua như tinh thần các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ được ban hành, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, nhờ đó tình hình đã thay đổi rất rõ ràng. Do đó, phải “thừa thắng xông lên”, không lúc nào ngơi nghỉ; tập trung suy nghĩ, từ thực tiễn, tổng kết và đưa ra giải pháp hành động như giai đoạn chống dịch vừa qua.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm: chính sách tiền tệ phải chắc chắn, kịp thời, linh hoạt chủ động, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; hai chính sách này phải kết hợp hài hòa, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, những việc đã làm được thì phải tiếp tục, chưa làm được thì phải làm ngay, những chỗ còn khó khăn, vướng mắc thì phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua.
Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu phải hỗ trợ thêm một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách liên quan tín dụng, tiền tệ, tài khóa. Theo Thủ tướng, nhiều năm qua, chúng ta “bỏ rơi” phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, người nghèo, công nhân; sự bất cập này càng bộc lộ rõ nét qua đại dịch Covid-19. Chúng ta phải thay đổi chính sách cho phân khúc này, chính sách này, góp phần tạo thanh khoản cho thị trường.
Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Đây là chủ trương đúng và tốt, được dư luận và nhân dân đánh giá rất cao, nhưng điều quan trọng là gói tín dụng này phải được giải ngân thì mới mang lại hiệu quả, kết quả "cân, đong, đo, đếm" được, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()