Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 15/12/2024 12:01 (GMT +7)
Các quy hoạch là cơ sở để Móng Cái phát triển nhanh, bền vững
Thứ 3, 18/11/2014 | 06:21:15 [GMT +7] A A
Hôm nay 18-11, HĐND tỉnh khoá XII tiến hành kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề, để thông qua các quy hoạch của TP Móng Cái; ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016; thông qua Đề án thành lập thị xã Đông Triều và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Tại kỳ họp chuyên đề lần này, HĐND tỉnh khoá XII sẽ thảo luận và thông qua 2 quy hoạch quan trọng của TP Móng Cái, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Việc thông qua và thực hiện các quy hoạch này là cơ sở để TP Móng Cái phát triển nhanh, bền vững.
Cầu Ka Long (TP Móng Cái) về đêm. |
Trong các văn bản của Đảng, Chính phủ và của tỉnh, nhất là Thông báo số 108-TB/TW ngày 1-10-2012 của Bộ Chính trị về Đề án phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc QP-AN và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái; Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg ngày 10-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập KKTCK Móng Cái; Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020... đã xác định rõ chủ trương phát triển TP Móng Cái. Theo đó thì đến năm 2020, xây dựng KKTCK Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trung tâm phát triển kinh tế trên vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đến năm 2030, KKTCK Móng Cái là một Khu kinh tế tự do có dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là phòng tuyến vững chắc về kinh tế, đảm bảo QP-AN và chủ quyền biên giới quốc gia. Định hướng phát triển KKTCK này đã rất rõ ràng. Để cụ thể hoá chủ trương, định hướng này, việc lập các quy hoạch theo quy định của pháp luật là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP Móng Cái.
Trong văn bản gửi đến HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhấn mạnh: Lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg, ngày 10-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập KKTCK Móng Cái. Đồng thời nhằm hài hoà quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của KKTCK Móng Cái với việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chính phủ, trong đó có những chiến lược mới ban hành như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững địa phương vào quy hoạch. Do đó, xác định rõ quan điểm và mục tiêu, các định hướng phát triển cùng những nhiệm vụ, giải pháp, danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong khi nguồn lực có hạn là rất cần thiết.
Phương tiện tàu thuyền vào làm thủ tục XNK tại cửa khẩu Ka Long (Móng Cái). |
Để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu như trên, Bản quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH KKTCK Móng Cái đã xác định rõ những mục tiêu cụ thể; định hướng phát triển các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, kết cấu hạ tầng, không gian lãnh thổ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các hoạt động đối ngoại và nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ QP-AN, cùng các chương trình và dự án quan trọng đầu tư. Bản quy hoạch cũng đã nêu rõ các giải pháp thực hiện quy hoạch và các kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành; danh mục 79 dự án, công trình ưu tiên đầu tư.
Còn Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái thì đã xác định rõ phạm vi, ranh giới, thời hạn quy hoạch; tính chất, chức năng của KKTCK; mục tiêu; quy mô dân số và đất đai; định hướng phát triển không gian; định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đánh giá tác động môi trường và danh mục 22 công trình, dự án ưu tiên đầu tư.
Như vậy, nhiệm vụ để phát triển KT-XH và quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái là rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao cùng nguồn lực lớn để thực hiện. Vì thế, trong các giải pháp về vốn đầu tư, bản quy hoạch nhấn mạnh phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để đảm bảo huy động vốn cho các mục tiêu phát triển đến năm 2020 (ước tính khoảng 120.000 đến 125.000 tỷ đồng); tăng tỉ lệ huy động vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 58% tổng đầu tư; vay ngân hàng cho các lĩnh vực công khoảng 17%, ngân sách nhà nước khoảng 10%, phần còn lại huy động từ các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và các nguồn khác (ODA, vay từ các tổ chức phi chính phủ). Đồng thời phải khai thác tối đa nguồn vốn tư nhân để đầu tư các dự án công trình hạ tầng KT-XH trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa nguồn lực công và nguồn lực tư (các dự án PPP).
Về cơ chế chính sách, bản quy hoạch xác định 3 giải pháp. Thứ nhất là thực hiện mô hình tổ chức hành chính chính quyền đô thị trên toàn bộ địa giới KKTCK Móng Cái (gồm TP Móng Cái và 9 xã, thị trấn thuộc huyện Hải Hà). Thứ hai là thành lập Ban xúc tiến đầu tư ở KKTCK Móng Cái để triển khai các hoạt động phát triển kinh doanh, hành chính và quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong các ngành dệt may, thực phẩm và đồ uống, linh kiện ô tô. Thứ ba là kiến nghị với Chính phủ cho phép thành lập “đơn vị triển khai” gồm khoảng 20 cán bộ chuyên trách từ khu vực công, trực tiếp báo cáo lên cấp chính quyền cao nhất của Khu. Đơn vị triển khai cần được trao quyền quyết định thực sự, cho phép đơn vị hành động nhanh và tự chủ - như trong khu vực tư; chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc triển khai các giải pháp và chương trình hành động đã thống nhất; trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình về tất cả những thành công hay thất bại trong thực hiện quy hoạch trước công chúng.
Ngọc Hà
Liên kết website
Ý kiến ()