Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:10 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh: Thông qua 5 Nghị quyết quan trọng
Thứ 7, 13/11/2021 | 14:55:25 [GMT +7] A A
Sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 5 - kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc và quyết nghị thông qua 5 Nghị quyết quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp.
Sau phiên khai mạc, HĐND tỉnh đã nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt 3 tờ trình: Tờ trình về điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021; Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án có sử dụng vốn ngân sách; Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trình bày tóm tắt Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Giám đốc Sở Tài chính trình bày tóm tắt Tờ trình về phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020. Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra các tờ trình.
Thảo luận về các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tham gia nhiều ý kiến tham gia sâu sắc, chất lượng, thể hiện sự nghiên cứu kỹ các tờ trình, dự thảo nghị quyết, tài liệu kỳ họp. Trong đó, nội dung tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh về nội dung này nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu.
Đa số các đại biểu đồng tình với việc phải kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực giữa chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện thực chất, hiệu quả bền vững cả về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản phẩm lợi thế của từng vùng miền để phát triển nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Với tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là tối thiểu 4.200 tỷ đồng, đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến quan tâm đến việc điều chỉnh Nghị quyết số 303 của HĐND tỉnh, trong đó có nội dung liên quan đến phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho cấp huyện, cấp xã; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020... Trước các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo địa phương đã báo cáo, giải trình làm rõ.
Thống nhất với các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và các báo cáo trình tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết, thống nhất 100% thông qua 5 Nghị quyết. Đây đều là những nội dung cấp thiết, trực tiếp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đã đề ra trong điều kiện thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Để các Nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi UBND tỉnh phải tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt; các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu: Trước tình hình dịch bệnh dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp, các ngành, địa phương, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu sâu sát cụ thể; phải tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh vùng, cách ly, điều trị hiệu quả; kiên quyết không để dịch ngấm sâu vào trường học, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ… để ca bệnh thành ổ dịch, lan rộng nhất là tại các khu đô thị, các địa bàn trọng điểm.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp, khả thi đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; chủ động, sẵn sàng vừa phòng, chống dịch hiệu quả, xử lý nhanh, gọn mọi tình huống nảy sinh, vừa ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tận dụng mọi cơ hội an toàn và thời gian còn lại của năm 2021 phục hồi ngành du lịch; nâng cao tỷ lệ, chất lượng, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu; duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ngành Than và các ngành sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo. Kiên trì, nhất quán, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% vốn kế hoạch điều hành. Đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành 3 công trình trọng điểm: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển nối thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 vào cuối năm 2021.
Từ cấp xã đến cấp tỉnh phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; chăm lo bảo vệ sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong đối thoại, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, phản ánh chính đáng của Nhân dân.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai ba khâu đột phá giai đoạn 2020 – 2025; tích cực, chuẩn bị tốt các nội dung Kỳ họp thường lệ cuối năm 2021.
“Thời gian còn lại của năm 2021 có ý nghĩa quyết định hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, giữ vững địa bàn “an toàn - ổn định - phát triển trong trạng thái bình thường mới” trong khi có nhiều việc trọng tâm, cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải triển khai. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, nhất là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và làm gương; theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh Covid-19 hằng ngày; trăn trở suy nghĩ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá phát triển; hành động quyết liệt, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm đến cùng, dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép”. Tất cả vì sự an toàn, hạnh phúc của Nhân dân” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
5 Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 (1) Nghị quyết điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp tỉnh năm 2021. (2) Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. (3) Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. (4) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh. (5) Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020. |
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()