Dải đất miền Trung một thời từng được gọi là “vùng đất lửa” ấy đã đi vào lịch sử như là biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí bất khuất trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam; dải đất với những địa danh đã trở thành huyền thoại, như ngã ba Đồng Lộc, địa đạo Vịnh Mốc, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn v.v... chính là điểm đến trong chuyến đi lần này của anh em chúng tôi. Một chuyến đi đã để lại những,ấn tượng thật sâu đậm trong lòng mỗi người...

Đoàn CBPV Báo Quảng Ninh thắp hương trước phần mộ mười cô giá ở ngã ba Đồng Lộc.
Khởi hành từ TP Hạ Long vào lúc sáng sớm, tầm giữa chiều thì đoàn chúng tôi tới ngã ba đồng Lộc. Đây có thể coi là chuyến du khảo về nguồn đầu tiên mà Hội Cựu chiến binh và Chi đoàn Báo Quảng Ninh phối hợp tổ chức cho anh em hội viên, đoàn viên tới thăm những di tích lịch sử cách mạng để tri ân các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đoàn gồm hơn 20 người, đều là những cán bộ, phóng viên của Bao Quảng Ninh, nhưng thuộc hai thế hệ khác nhau; một là những cựu chiến binh, trong đó có những người từng sống và chiến đấu, hoặc chí ít, trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam cũng đã đi qua vùng đất lửa này; hai là những đoàn viên thanh niên, những người chỉ biết về chiến tranh qua những trang sách lịch sử học trong nhà trường! Tuy thế nhưng tâm trạng của mọi người lại rất giống nhau, đều bồi hồi, rạo rực...
Theo kế hoạch đã định, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là ngã ba Đồng Lộc, nơi đã được nhà thơ Huy Cận nhắc đến một cách rất xúc động: “Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc...” (Ngã ba Đồng Lộc-Huy Cận).
“Trái tim ngã ba Đồng Lộc” năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy đã từng tới đây nhưng vì đã nhiều năm về trước, nên tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của khu di tích. Cùng đi với chúng tôi, những người bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh kể rất nhiều về mảnh đất này, rằng: Nếu những năm tháng cả nước dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Lộc là một “địa chỉ đỏ”, một dấu son chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với hàng ngàn, hàng vạn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an... đã gửi lại đây tuổi thanh xuân của mình cho những chuyến xe thông suốt ra tiền tuyến, thì hôm nay, Đồng Lộc lại đang là “địa chỉ xanh” tràn đầy sức sống, với những huyền thoại thiêng liêng, thu hút hàng ngàn, hàng vạn,khách tới thăm viếng, thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ những người đã khuất...

Hướng dẫn viên Đào Anh Tuân (ngoài cùng bên phải) đang kể về sự hy sinh anh dũng của mười cô gái ngã ba đồng Lộc ngay tại di tích hố bom, nơi các cô hy sinh 39 năm về trước.Quả vậy, Đồng Lộc hôm nay đang trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn khách thập phương. Toàn bộ khu di tích nằm trên một diện tích khoảng hơn nửa ha. Ngoài những hạng mục đã được xây dựng từ nhiều năm trước, như Cột biểu tượng lưu niệm, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, của ngành GTVT, nay còn có thêm Tượng đài Chiến Thắng, Nhà truyền thống TNXP, Phòng trưng bày tư liệu lịch sử về Ngã ba Đồng Lộc v.v... Và đặc biệt là khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc mà tên tuổi và những, c
âu chuyện của các o giờ đã thành huyền thoại. Trước đây, hồi chúng tôi đến, khu mộ các còn đặt trên đồi Bãi Dịa, cách đây chừng non một km; còn bây giờ, nó nằm ngay ngắn như đang tập hợp trên núi Trọ Voi, dưới những rặng thông xanh, cách không xa chiếc hố bom nơi ngày xưa các o đã hy sinh. Người dân ở Đồng Lộc kể rằng: mấy o thiêng lắm! Đêm đêm, vẫn nghe tiếng các o khi thì cười, nói, trêu chọc nhau, khi lại thút thít khóc...(!). Ngay việc đưa phần mộ về đây cũng là theo “ý nguyện mấy o”, chuyện là vào đêm trước ngày giỗ của mình, cả mấy o đã về báo mộng, xin được mai táng bên nhau, tại đúng nơi ngày xưa họ đã hy sinh! Tất cả những câu chuyện nửa hư nửa thực ấy khiến cho khu di tích vốn đã tôn nghiêm, lại thêm sự linh thiêng, huyền ảo của một chốn tâm linh... Cũng thật tình cờ, khi chúng tôi vào dâng hương tại khu mộ mấy o thì đoàn các nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào (trong đó có chị Phan Bích Hằng, người đã được báo chí nhắc đến khá nhiều về khả năng dùng ngoại cảm để tìm mộ liệt sỹ) cũng có mặt. Họ đang chuẩn bị cho lễ cầu hồn mấy o vào tối nay. Trên phần mộ mỗi o là những chiếc nón bài thơ, những đôi dép cao su, những bộ quần áo TNXP và cả những chùm bồ kết nữa... Nhìn những đồ sắm lễ toàn là vật dụng thân thuộc của mấy o hồi còn sống đặt bên cạnh những bó hoa trắng tinh khiết, nhất là khi nhìn những chùm bồ kết, tôi thấy nao nao trong lòng! Chúng khiến tôi nhớ tới bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng viết 12 năm về trước: “Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi, tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...”. Dường như họ, những cô gái mà nếu còn sống thì giờ đã trở thành những bà, những mẹ cao niên, nhưng đã vĩnh viễn nằm xuống ở độ tuổi hai mươi ấy, vẫn đang ở đâu đây, ngay bên cạnh chúng tôi. Tôi đã từng thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ ở nhiều nghĩa trang từ Bắc vào Nam, nhưng đứng trước phần mộ của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, vẫn thấy một cái gì đó rất lạ, rất khác! Cứ như mọi chuyện mới xảy ra chứ không phải đã 39 năm trôi qua. Đặc biệt là khi nghe Đào Anh Tuân, một hướng dẫn viên của Ban Quản lý khu di tích, nhắc lại quá khứ với một giọng xúc động đến nghẹn ngào.. Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi nghe anh đọc lại những dòng thư của o Tần, tiểu đội trưởng và cũng là chị cả của mười o, gửi cho mẹ trước ngày hy sinh; không cầm nổi nước mắt khi anh nói về cái buổi chiều ngày 21-7 năm 1968 nghiệt ngã ấy, chuyện đi tìm xác chị Hồ Thị Cúc... “Tiểu đội đã xếp hàng ngang/ Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hơi-Rạng-Xuân- Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ (Chín bỏ làm mười răng được)...”.
Từ giọng nới đến ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, Đào Anh Tuân quả là có sức hút kỳ lạ đối với người nghe. Anh như là một phần “không thể thiếu” của khu di tích này. Tôi đã hỏi và được biết anh từng tốt nghiệp hai trường đại học, nhưng rồi như là “duyên số”, anh đến với khu di tích và làm công việc thuyết minh như hiện tại... Năm nay anh 30 tuổi; gặp anh, nghe anh thuyết minh, các bạn trẻ có thể cảm nhận được thế nào là lòng yêu nghề, là sự gắn bó máu thịt với công việc mình chọn - Tôi nghĩ vậy?
Nhưng rồi buổi chiều cũng đã mãn! Chúng tôi đành phải chia tay mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, chia tay mảnh đất một thời máu lửa này, để tiếp tục hành trình vào phía Nam, nơi cũng thấm đẫm biết bao sự tích anh hùng mà giờ đây đã thành huyền thoại. Tạm biệt“Ngã ba bất tử” Đồng Lộc, tôi tin trong hành trang của mỗi người, sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về con người, về cuộc đời, về lẽ sống của tuổi trẻ... Những bài học không bao giờ cũ!(Còn nữa)
Kỳ sau: Từ địa đạo Vĩnh Mốc đến thành cổ Quảng Trị.
Ý kiến (0)