Tất cả chuyên mục

Ngày 8-6-1945, sau hàng loạt thắng lợi của lực lượng vũ trang cách mạng cùng nhân dân lao động Đông Triều và một số huyện của Hải Dương khi đánh chiếm các đồn của binh lính Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, Đệ tứ Chiến khu Đông Triều - Chiến khu Trần Hưng Đạo đã được thành lập. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Đệ tứ Chiến khu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tham gia trong những ngày tháng sôi nổi ấy, các cựu nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu nay nhiều người đã mất, người còn sống cũng đã tuổi cao, sức yếu. Tuy nhiên, qua trò chuyện với 3 gia đình cựu nghĩa quân năm xưa đều ở phường Mạo Khê (TX Đông Triều) cho chúng tôi cảm nhận chung là ký ức của họ về thời tuổi trẻ tươi đẹp gắn bó với cách mạng vẫn vẹn nguyên, là niềm tự hào sống của mỗi người và thế hệ con cháu sau này.
![]() |
Bí thư Thị uỷ Đông Triều Vũ Văn Học thăm và tặng quà ông Phạm Duy Năng, nhân kỷ niệm 71 Ngày thành lập Đệ tứ Chiến khu 8-6 (1945-2016). |
Ký ức không quên
Còn khá minh mẫn, ông Phạm Duy Năng, 93 tuổi, ở khu phố Vĩnh Trung nhớ mãi ấn tượng lần đầu tiên được sống trong không khí tự do, với tâm thế của người chiến thắng tại căn cứ Hổ Lao cách đây 71 năm.
Nhớ lại cuộc khởi nghĩa tại mỏ Mạo Khê (nay là Công ty Than Mạo Khê) năm xưa, ông kể: Năm 1940, tôi vào làm tại mỏ Mạo Khê do chủ Tây quản lý và trả lương với việc chính là vận chuyển mìn vào các lò để bắn phá đá khai thác than. Đời sống thợ mỏ lúc ấy vô cùng cực nhọc, chỉ đến sau ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp thì bọn chủ mỏ tỏ ra lo sợ và ra vẻ tử tế với phu mỏ. Tại ngã tư phố Mạo Khê, Cống Trắng và khu mỏ, những lá cờ ba sọc của Pháp treo trước đây đã bị tháo xuống. Hàng ngày, chúng tôi được nghe chuyện Việt Minh sẽ đánh Nhật, Nguyễn Ái Quốc đã từ hải ngoại về... lan truyền trong các lán thợ. Chúng tôi tham gia đội tự vệ trị an, mà sau này mới biết đó là các tổ Việt Minh ở mỏ. Nạn đói xảy ra, các tổ Việt Minh được phân công đi quyên góp tiền, gạo của các nhà giàu, chủ thầu và cả của chủ Tây ở mỏ để cứu đói. Tôi được giao một việc là mỗi ngày khi lĩnh mìn mang vào lò bắn phá đá mở vỉa than thì lấy 3-5 thỏi thuốc, kíp và cả dây mìn giấu đi; đủ 1 hộp thì mang sang giao cho anh Vũ Đình Đa, anh Hiểu, anh Tạ Văn Ngân và Hoàng Văn Ngọ.
Chiều ngày 7-6-1945, lúc đi làm về, tôi được dặn: Không đi đâu xa, sáng mai báo anh em chuẩn bị choòng, búa đến nhà giấy (văn phòng mỏ lúc đó) để nhận việc. Sáng 8-6-1945, tôi đến đó thì thấy rất đông anh em đã tập trung về đứng bao vây trước cửa, nhiều người mang theo cơm nắm, muối vừng gói sẵn. Đúng 7 giờ, chủ nhất Ri-chard, chủ nhì Fet cùng chủ ba, chủ tư và chủ năm sang nhà giấy giao ban. Thấy đông người, các chủ mỏ ngờ ngợ như sẽ có điều gì đó hệ trọng lắm sẽ xảy ra, song vẫn cứ đi vào nhà giấy. Lúc ấy, 1 lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện và 1 phát súng nổ vang, tôi thấy chỉ có một số người lạ còn toàn là người quen ở mỏ đến. Ông Nguyễn Đình Thụy, giáo Kha cùng 1 người lạ đi thẳng vào phòng chủ nhất, chúng tôi vào theo. Ông Thụy giới thiệu: Ông Bách là quan tư Việt Minh đến yêu cầu chủ mỏ giao nộp toàn bộ số súng đạn của mỏ cho cách mạng ủng hộ đồng minh đánh phát xít Nhật. Chủ mỏ ngoan ngoãn làm theo, chỉ huy lính gác mỏ xếp gọn gàng 25 khẩu súng, đạn và đi sang cả kho mìn để giao cho Việt Minh.
Sau đó không lâu, các cánh quân ở những nơi khác cũng thu về, mang theo vũ khí, đạn dược thu được đi về căn cứ Hổ Lao (xã Tân Việt). Nhiều binh lính của các đồn ta chiếm được cũng theo nghĩa quân về đây. Đêm hôm đó, tại đình Hổ Lao, khí thế chiến thắng của nghĩa quân cách mạng và nhân dân cao lắm. Lần đầu tiên trong cuộc đời, chúng tôi được sống trong không khí tự do của những người chiến thắng tại căn cứ cách mạng...
![]() |
Ông Đỗ Đức Quang (bên phải) và con trai ôn lại quãng thời gian tham gia cách mạng năm xưa. |
Khác với ông Năng, bà Trần Thị Nghĩa (bí danh Bé), 90 tuổi, ở khu phố Dân Chủ lại nhớ mãi cái ngày bà đã hoà mình vào không khí cách mạng chung năm ấy. Hồi tưởng lại, bà kể giản dị: Ngày ấy, tôi mới 18, 19 tuổi sống cùng gia đình ở chân Đồn Cao (nay là phường Đông Triều - PV). Sáng sớm ngày 8-6-1945, người dân quanh đó đổ ra đường cái hoan hô cách mạng. Chúng tôi thấy đoàn quân mang cờ đỏ sao vàng tiến lên phía Đồn Cao thì cùng chạy theo, khi xông vào đồn đã thấy binh lính bỏ súng đầu hàng. Ngay lúc đó, chúng tôi được phân công vào phá kho lấy thóc để đưa đi cứu đói cho nhân dân quanh vùng. Những ngày sau đó, chúng tôi được phân công phục vụ nghĩa quân cách mạng đã chiếm được Đồn Cao, được đi tham gia các cuộc mít tinh tại phố Đông Triều.
Chúng tôi phục vụ nghĩa quân cách mạng ở Đồn Cao đến cuối năm 1945 thì chia tay một số anh em đi Nam tiến, còn chúng tôi ở lại tham gia đội du kích kháng Nhật. Những ngày sau đó, chúng tôi được đưa vào căn cứ cách mạng ở Tân Mộc, thuộc huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và tiếp tục phục vụ cách mạng trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp...
Niềm tin, niềm tự hào sống
Đến thăm nhà ông Đỗ Đức Quang ở khu Vĩnh Trung, chúng tôi khá bất ngờ vì dù đã 98 tuổi nhưng nước da của ông hồng hào, ánh mắt cương nghị.
Ông không trò chuyện được nhiều, anh Đỗ Đức Vinh, người con trai đang ở cùng ông bảo: Ông vừa bị ngã mấy hôm nay, sau khi ngã thì bắt đầu bị lẫn, lúc thì hát các ca khúc cách mạng, lúc còn hô: Các anh tập trung lại, bắn... Chứ mới đây, ông còn khoẻ lắm, đeo kính đọc báo, đi lại, dọn dẹp, làm cỏ trong khuôn viên gia đình, không ngồi yên đâu. Ông vẫn kể với con cái những kỷ niệm về thời gian tham gia cách mạng, lúc đưa anh em du kích sang sông, lúc gặp địch phục kích, lúc phải chui xuống huyệt nằm tránh địch, đợi đêm xuống để vào rừng... Hoà bình lập lại, ông bảo Bác Hồ kêu gọi phải có than cho Nhà máy điện Yên Phụ, nên ông vào mỏ làm việc và là một trong những thợ lò đầu tiên của mỏ Mạo Khê. Ông là thợ giỏi, được cử làm tới quản đốc cho tới lúc nghỉ hưu. Ông luôn răn dạy con cái ăn ở phải có đạo đức, bắt các con sống tự lập. Bản thân ông cũng sống rất giản dị, tiết kiệm, chăm chỉ lao động, không chịu nhờ vả ai dù con cháu khá thành đạt...
Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà nhỏ 3 gian cũ bên cạnh với các vật dụng còn khá nguyên vẹn, anh Vinh chia sẻ: Cả đời làm mỏ của ông cụ chỉ tích luỹ xây được căn nhà này thôi. Nhà xuống cấp, gia đình mấy thế hệ chung sống chật chội quá nên gần chục năm trước, chúng tôi xây ngôi nhà mới rộng rãi hơn, nhưng khi lên nhà mới phải thuyết phục mãi ông mới chịu dọn lên ở cùng. Căn nhà cũ ông bắt giữ nguyên, ngày nào ông cũng phải xuống một lúc, ngắm nghía các vật dụng kỷ niệm gắn với thời gian hoạt động cách mạng cũng như sinh hoạt của gia đình một thời gian khó...
Phan Hằng - Xuân Quảng (CTV)
Ý kiến ()