Tất cả chuyên mục

Để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với nhiều tỉnh, thành trong nước, Quảng Ninh đã và đang xây dựng nhiều công trình tượng đài anh hùng liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
![]() |
Chi bộ Phòng Báo Điện tử, Đảng bộ cơ quan Báo Quảng Ninh, tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu. Ảnh: HÙNG SƠN |
Công trình Tượng đài liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh, được xây dựng trên khuôn viên rộng 8.536m2, tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), khánh thành ngày 5-11-2016. Chân dung đồng chí Vũ Văn Hiếu được tạc bán thân bằng đồng đỏ nguyên chất nặng 1,7 tấn, đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối cao 6m, tứ diện trạm khắc hoạ tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh Vịnh Hạ Long. Khuôn viên khu vực đặt tượng còn có các hạng mục phụ trợ: Sân hành lễ, cây xanh, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng... Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu nằm trong khối các công trình văn hoá lịch sử, du lịch của tỉnh, như: Công viên hoa Lán Bè; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; Cung Văn hoá thiếu nhi tỉnh; Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hoá tỉnh... Hằng ngày, nhiều người dân TP Hạ Long đến đây dạo mát, hít thở không khí trong lành. Không ít du khách và các bạn trẻ đến đây viếng thăm và chụp hình lưu niệm. Mới đây (ngày 11-11-2016), Chi bộ Phòng Báo Điện tử, Đảng bộ cơ quan Báo Quảng Ninh đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu. Việc tổ chức kết nạp đảng viên tại đây là dịp để Đảng bộ cơ quan Báo Quảng Ninh giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên; khích lệ, động viên tuổi trẻ không ngừng phấn đấu, học hỏi, góp sức mình xây dựng quê hương. Đồng thời, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ tới công lao của đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đã trở thành biểu tượng sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng.
Công trình Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc được xây dựng tại trung tâm thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà). Tượng bằng chất liệu xi măng, cao 2,2m, đứng trên bệ cao 2,8m làm bằng đá hoa cương. Tượng có thế đứng hiên ngang, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, mình mặc quân phục đặc công, đầu đội mũ tai bèo, lưng đeo ba lô, tay phải giữ bộc phá đeo bên hông phải, tay trái cầm lựu đạn để trước bụng. Đồng chí Hà Quang Vóc (1947-1974) sinh ra trong gia đình làm nghề nông tại thôn Yên Định, xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Hà Quang Vóc cùng đồng đội làm nên nhiều trận đánh lịch sử, tiêu diệt nhiều tàu và kho tàng địch, vang dội nhất là trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973. Trong một trận đánh vào chiếc tàu lớn chở đầy xăng của Mỹ đậu trên sông Lòng Tàu năm 1974, đồng chí đã hy sinh để cho đồng đội bảo toàn tính mạng, hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị. Đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bằng ngân sách nhà nước và xã hội hoá, tỉnh đã xây dựng nhiều tượng đài anh hùng liệt sĩ tại các trường học, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ trẻ. Tri ân tấm gương người cộng sản trung kiên, TX Quảng Yên và Trường THPT Minh Hà đã xây dựng Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Đỗ Thị Sinh (bí danh Minh Hà) tại khuôn viên nhà trường. Từ năm 1941 đến năm 1947, đồng chí Minh Hà được phân công về Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) hoạt động, xây dựng cơ sở. Tháng 7-1947, đồng chí bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh. Công trình khánh thành năm 2013, kinh phí 1,2 tỷ đồng. Tượng được làm bằng chất liệu đá trắng nguyên khối, đứng toàn thân, cao 2,7m, bệ tượng 1,3m, khắc hoạ hình ảnh của đồng chí năm 22 tuổi.
Công trình Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) nhân kỷ niệm 72 năm ngày mất của đồng chí 28-8 (1941-2013). Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đúc bán thân bằng đồng theo nguyên mẫu tượng đặt tại Bắc Ninh, quê hương đồng chí, đặt trên bục cao tại vị trí trang trọng trong nhà trường. Từ tháng 9-1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử về công tác tại mỏ Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh của công nhân, nhưng đang bị địch tăng cường khủng bố đàn áp. Ngày 23-2-1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Mạo Khê và mở đầu cho thời kỳ thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản ở Vùng mỏ. Trước sự phát triển của các cơ sở đảng ở Vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có sáng kiến thành lập Đặc khu mỏ, được Trung ương đồng ý và đồng chí được cử làm đại diện của Xứ uỷ Bắc kỳ phụ trách Đặc khu mỏ. Tượng đài cố Tổng Bí thư đặt tại nhà trường là nơi để các thế hệ học sinh, nhân dân và cán bộ địa phương đến tưởng niệm, tri ân, báo công và học tập đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và cách mạng.
Nguyễn Hoa
Ý kiến ()