Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:45 (GMT +7)
Kỷ niệm nghề báo
Thứ 7, 20/06/2015 | 14:18:01 [GMT +7] A A
Ân hận vì một bài báo chưa hoàn thành
Cuối năm 2013 trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Quảng Ninh, tôi được lãnh đạo Báo Quảng Ninh mời đi với đoàn cán bộ trẻ của Báo về thăm lại những cơ sở sơ tán trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Báo Quảng Ninh. Về khu vực Cẩm Phả, điểm thăm đầu tiên của đoàn là di tích nơi hoạt động của Báo Than - tờ báo đầu tiên xuất bản ở Vùng mỏ thời kỳ Pháp đô hộ. Di tích nơi hoạt động của Báo Than đến nay vẫn được Đảng bộ, chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân TP Cẩm Phả bảo tồn, gìn giữ chu đáo. Tên chủ bút của Báo Than năm xưa là đồng chí Đặng Châu Tuệ đã được đặt cho con đường lớn của thành phố (đường 18, đoạn Quang Hanh). Đứng cạnh tấm biển đề tên đường Đặng Châu Tuệ, tôi xúc động nhớ lại. Dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Vùng mỏ tôi được Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng giao tiếp đón, làm việc và đưa dẫn các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai - hai đồng chí được Đảng phân công chuyên trách biên tập, in ấn tờ báo Than năm xưa, đi thăm lại một số cơ sở ở vùng Cẩm Phả, Cửa Ông, nơi các đồng chí của ta đã ở và hoạt động cách mạng từ thời kỳ Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1928-1929), tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc sống cơ cực, đồng lương rẻ mạt, bị đánh đập, cúp phạt, ức hiếp hàng ngày; “Sống làm phu mỏ, chết bỏ gốc sim”, vất vả làm việc từ nửa đêm, gà gáy đến tối mịt mới được về nơi ở là những lán trại ở ven đồi, nên “con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ nhà”, được các đồng chí kể lại, tạo cho tôi nhiều cảm xúc. Báo Than ra đời trong hoàn cảnh đó đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thợ mỏ được thợ mỏ truyền tay nhau đọc, giữ gìn, bảo vệ…
Nhà báo Nguyễn Huy Trợ. |
Thợ mỏ Cẩm Phả rất nhiệt tình, gắn bó với báo chí cách mạng của Đảng. Năm vừa qua, HĐND TP Cẩm Phả đã đặt tên đường Đặng Châu Tuệ - một con đường mang tên một nhà báo cách mạng đầu tiên ở Vùng mỏ. Thợ mỏ Cẩm Phả gắn bó với báo Than từ những ngày trứng nước của cách mạng, trải qua biết bao gian khó, hiểm nghèo con đường Đặng Châu Tuệ chính là con đường tình nghĩa, con đường của lý trí và tình cảm cách mạng cao quý. Nhưng rất đáng tiếc cho tôi, ở cái tuổi 90 không đủ sức khoẻ, phương tiện, điều kiện hành nghề để có được một bài báo, tấm ảnh về con đường yêu quý trên.
Nguyễn Huy Trợ (Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh)
Người thầy tận tâm đầu tiên
Ở tuổi “xưa nay hiếm” do không lưu giữ được đầy đủ những tờ báo biếu ngay từ ngày đầu, nên tôi không nhớ nổi số báo và ngày, tháng phát hành đối với bài báo đầu tiên của mình được đăng trên báo Quảng Ninh. Song, năm đăng nó và toàn bộ nội dung của bài báo ấy tôi không quên. Đó là năm 1968, báo Quảng Ninh có đăng bài thơ tựa đề “Sao không thấy xót” của tôi: “Chênh vênh trên một sườn đồi/Bãi than hòn đứng, hòn ngồi khóc than/Hỡi ai hẹn ngọc thề vàng/Mang than đi khắp nẻo đàng ngược xuôi/ Mà nay đã bốn năm rồi/Than còn nằm đó núi đồi chẳng thương/Mưa nguồn đã bấy nhiêu niên/Mỗi trận trút nước than liền trút đi/Hỏi ai còn mải việc gì/Sao không thấy xót mỗi khi mưa ngàn/Cuốn đi hàng chục tấn than!”.
Nhận báo biếu, tôi trào dâng một niềm vui tựa như tuổi thơ ở làng quê đón nhận tấm bánh từ tay mẹ mỗi buổi chợ về. Nguồn cổ vũ ấy khiến tôi tiếp tục tập viết những mẩu tin, những dòng ngắn, rồi vươn lên đưa tin, viết bài gửi về tòa soạn đều đều. Người giữ trọng trách Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh lâu nhất có lẽ là nhà báo Nguyễn Huy Trợ. Anh Trợ thường quan tâm đội ngũ CTV chúng tôi. Một lần, nhân chuyến được đơn vị cử về Ban TĐKT tỉnh báo cáo phong trào của thợ mỏ Vàng Danh, tôi tranh thủ qua tòa soạn (đặt tại Bến Đoan), đưa bài. Anh Trợ tiếp tôi, đưa cho tôi tập giấy nháp đã úa vàng (giấy viết báo thời ấy) ân cần: “Em viết báo bằng giấy này, chỉ viết một mặt, mặt còn lại để sửa bài!”. Từ đó, tôi mới hay bản thảo cho bài báo chỉ viết một mặt giấy. Cử chỉ ân cần từ một việc nhỏ như thế của người đứng đầu tờ báo thời chiến tranh đối với CTV khiến tôi xúc động. Sau anh Trợ, những lần khác mỗi khi được tiếp xúc với anh chị em trong tòa soạn, tôi đều bắt gặp những ánh mắt trìu mến, lời nói gần gũi của họ. Trong số đó có các anh Vũ Tiến Thức, Hà Văn Phàn, Công Vượng, Mạnh Trử, Nguyễn Chí Thiết, Vũ Điều… cùng với thư trao đổi, còn gặp trực tiếp, đôi khi mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho CTV.
Báo đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ chân tình, cặn kẽ. Báo Quảng Ninh là nơi đã tạo cơ hội giúp tôi cộng tác rồi trở thành CTV của nhiều tờ báo, tạp chí, nguyệt san khác. Nhưng với tôi, Báo Quảng Ninh là người thầy tận tâm đầu tiên, đã giúp tôi từ chỗ chưa biết gì về nghề báo đến chỗ không chỉ cộng tác với Báo Quảng Ninh mà còn tham gia cộng tác thêm với nhiều tờ báo khác đến nay.
Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin được cảm ơn các anh, các chị ở Báo Quảng Ninh các thế hệ, tôi sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ, thường xuyên, có chất lượng với tờ báo tỉnh nhà để đền đáp lại những gì Báo Quảng Ninh đã dành cho tôi những năm tháng đầy ý nghĩa.
Đinh Quang Huy (CTV Báo Quảng Ninh)
Chuyện nhỏ và gánh nặng trên vai nhà báo
Vào một buổi sáng dưới tán bàng xanh trước cửa nhà, dân phố tôi xúm lại đọc tin: Trao giấy phép đầu tư đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đăng trên báo Quảng Ninh số ra ngày 19-5-2015. Đọc tin trên báo mà mặt ai cũng rạng rỡ như vớ được vàng. Có người bình luận: Ảnh đăng kèm đẹp. Bí thư, Chủ tịch vét tông cà vạt đỏ, trao quyết định, tặng hoa cho 2 cô gái trẻ - 2 Tổng giám đốc của liên danh nhà thầu. Lại có người reo:
Nhà báo Vũ Điều |
- Thế là sướng rồi, vài năm nữa đường cao tốc từ Hà Nội xuống Vân Đồn xe vù vài giờ là tới.
Nhìn ngắm những người đọc báo tôi nhận ra, tin kinh tế có sức hút riêng, nhất là tin tạo ra nhịp điệu đầu tư, phát triển.
Buổi tối cùng ngày, cũng tin về đường cao tốc Hạ Long Vân Đồn, mấy người cùng phố nguyên là lãnh đạo lại kéo đến gốc bàng. Họ hỏi:
Đường chạy từ đâu, đến đâu? Báo nói, từ Km nọ đến Km kia làm sao dân biết được? Liệu đường có chạy qua nhà chúng tôi đang ở? Tháng trước, thấy mấy ông trắc địa cứ đến đo đo, vẽ vẽ, có phải là chuyện làm đường? Rồi có người còn hỏi, Công Thành, Phương Thành là ai? Sao Tổng giám đốc mà trẻ tuổi thế? Tại sao không đấu thầu mà lại giao thầu...?
Người hỏi cứ dồn dập hỏi, tôi bí chẳng thể trả lời. Cầm tờ báo đọc lại tin cũng không thấy nói những điều này.
Ngẫm ra bạn đọc bây giờ khác lắm. Người đọc cần thông tin, nhưng thông tin phải chính xác, rõ ràng. Càng chính xác, càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn đọc càng quý báo bấy nhiêu. Các cụ nói: - Phải hỏi cho rõ ngọn ngành, bởi đã có những công trình, dự án - ngay ở giữa TP Hạ Long - Báo, Đài đưa tin, khởi công rầm rộ, nhưng đã mươi, mười lăm năm nay mà vẫn dở dang, loang lổ. Có công trình đã hoàn thành, tiền dân đổ vào lớn mà dân chẳng được hưởng, chỉ thấy đá mòn và tiếng đời vẫn rì rầm lan toả!
Tháo gỡ những chuyện này thì báo không làm nổi, bạn đọc cũng không đòi hỏi nhà báo phải làm. Nhưng bạn đọc yêu cầu tòa báo và những người viết báo phải làm tròn vai, theo đến tận cùng, hỏi cho ra lẽ những tin, bài mình đã viết. Điều này thật khó, ngoài việc dấn thân, ngoài ngón nghề giỏi, phải cần sự đồng lòng, dũng cảm, nói cái đúng, cái sai với tấm lòng trong sáng của người làm báo Đảng địa phương. Đó chính là gánh nặng trên vai các nhà báo.
Vũ Điều (Nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Báo Quảng Ninh)
Được lòng bố vợ qua bài báo
Bố vợ tôi là thương binh, năm nay 70 tuổi, ở khu 1, phường Đông Triều (TX Đông Triều). Khi còn trong quân ngũ, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Khe Sanh - Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu ác liệt với quân địch, một mảnh đạn pháo găm vào người, khiến ông bị thương rất nặng. Trong lúc đang tuyệt vọng nằm một mình ở bìa rừng, ông đã được một đồng đội nhường cáng chuyển ông về trạm quân y, cấp cứu kịp thời. Sau này về với đời thường, ông đã nhiều lần đi tìm, nhưng vẫn chưa biết được tên, tuổi, địa chỉ của ân nhân đã cứu mình. Hơn 40 năm qua, lúc nào ông cũng canh cánh trong lòng mong ước được gặp lại người đồng đội đã nhường cáng cho mình trong chiến trường xưa. Ông bảo: “Nếu không có người đồng đội ấy đã không có tôi của ngày hôm nay. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cuộc chiến khốc liệt ấy với đồng đội chưa biết đã cứu mạng tôi…”.
Sau khi nghe được câu chuyện của ông, tôi đã viết bài báo “Ước nguyện của một thương binh” gửi Báo Quảng Ninh. Ngay sau khi báo đăng, có rất nhiều đồng chí, đồng đội cũ trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn TX Đông Triều đã đến thăm hỏi, chúc mừng ông. Đặc biệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn đang có chuyến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, chính là người đã nhường cáng cho ông năm xưa, đã đọc được bài báo đó. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn TX Đông Triều đã xin ý kiến và liên hệ cho ông gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cuộc gặp gỡ diễn ra tuy ngắn ngủi, nhưng đầy ý nghĩa và xúc động…
Sau sự kiện đó, bố vợ tôi rất vui và hạnh phúc; đi đâu ông cũng nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhất từ mọi người. Nhân dịp tôi nghỉ phép, ông đã tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ trong gia đình. Trong bữa cơm thân mật, tràn ngập tiếng cười của các thành viên trong gia đình, ông vui vẻ nói: “Nhờ bài báo của con mà bố đã thỏa được ước nguyện luôn canh cánh trong lòng hơn 40 năm qua. Bố rất vui và hạnh phúc. Cảm ơn con - Nhà báo chiến sĩ!”
Cao Thanh Đông (CTV Báo Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()