Tất cả chuyên mục

Trong căn nhà ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) CCB Vũ Phí Định (71 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về trận chiến đấu ác liệt tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, cùng đồng đội dũng cảm bắn cháy máy bay địch, vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay...
Khi đang học lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) tại Trường THPT Hòn Gai, trong đợt tuyển quân tại trường để bổ sung cho các đơn vị lái xe và hải quân, nhưng Vũ Phí Định cùng 2 bạn học sót được bổ sung vào đơn vị bộ binh. Sau thời gian huấn luyện, tháng 8/1972 ông được biên chế vào C21, E27, Mặt trận B5, đánh địch tại chiến trường Quảng Trị.
Ông kể: Đơn vị tôi phụ trách hỏa lực phòng không 12,7mm của trung đoàn, nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ bộ phận quân y và ban tham mưu của trung đoàn đóng tại làng Bố Liêu và Hà My, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Khi đơn vị tôi vừa bổ sung vào địa bàn đã phải hứng những trận ném bom dủy diệt của pháo đài bay B52 cùng các máy bay khác nhau của hải quân Mỹ. Có những thời điểm địch ném bom nhiều ngày nhằm xóa sổ các đơn vị quân giải phóng đóng tại huyện Triệu Phong.
Đơn vị súng máy phụ trách phòng không, các khẩu đội bố trí các lô cốt kiên cố ở trận địa, kiên quyết đánh trả địch. Mỗi khẩu đội 3 người, mỗi người nhiệm vụ khác nhau, hiệp đồng lấy mục tiêu đảm bảo tiêu diệt địch hiệu quả cao nhất. Trong một trận đánh cuối năm 1972, 3 chiếc máy bay F4 từ biển bay vào đánh phá ban tham mưu trung đoàn đóng tại làng Bố Liêu, xã Triệu Long. Khi chúng bổ nhào cắt bom, các trận địa phòng không đồng loạt đánh trả. Khẩu đội tôi bám sát, chọn mục tiêu, khi một chiếc F4 bổ nhào, tôi siết cò một loạt dài. Chiếc F4 vọt lên, khối đen bốc lên phía sau, chao đảo bay ra hướng biển. Sau đó tôi được đơn vị thông báo máy bay bị bắn rơi. Tôi cùng các đồng đội trong khẩu đội được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay đầu năm 1973.
Trong thời gian chiến đấu, ông cùng đồng đội đã đánh địch hàng chục trận đánh, bắn rơi hàng chục máy bay địch, chứng kiến nhiều đồng đội chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Ông rơm rớm nước mắt: "Tôi không quên được ngày 15/1/1973, trong trận ném bom của địch, 1 quả bom đã rơi trúng lô cốt của khẩu đội 12,7mm đặt tại làng Phương Ngạn, xã Triệu Long, toàn bộ 5 đồng chí hy sinh...".
Giữa năm 1973, ông được điều động ra Thanh Hóa học hạ sĩ quan, biên chế vào đại đội 5, trung đoàn 27, Sư đoàn 320B. Đầu năm 1975 trong quá trình đơn vị tham gia đắp đê tại tỉnh Ninh Bình, ông nhận được lệnh chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ông kể: Tháng 3/1975 nhận được tin giải phóng Tây Nguyên, CBCS đơn vị hứng khởi, vui mừng lắm, chỉ muốn vào ngay trong đó. Đơn vị tôi được lệnh vào giải phóng TP Đà Nẵng, di chuyển bằng xe cơ giới theo đường mòn Hồ Chí Minh với tốc độ nhanh nhất. Khi đơn vị hành quân đến chân đèo Hải Vân thì được tin Đà Nẵng được giải phóng. Đơn vị được lệnh tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn.
Khi đến vị trí tập kết tại Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) ngày 10/4/1975, đơn vị nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều ngày vượt qua các tuyến phòng thủ bên ngoài của địch, đến ngày 29 và rạng sáng 30/4/1975, trung đoàn 27 đã tiêu diệt, làm tan giã toàn bộ tuyến phòng thủ của địch khu vực phía bắc Sài Gòn ở Lái Thiêu; sau đó chiếm các vị trí trọng yếu của địch ở Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975 bộ đội ta tiến vào Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. CBCS ôm nhau khóc mừng vui trong hạnh phúc.
Sau khi thống nhất đất nước, đơn vị rút ra Bắc huấn luyện, đến tháng 4/1977 ông xuất ngũ, về làm công nhân tại mỏ than Hà Tu, đến năm 2007 nghỉ chế độ. Trở về cuộc sống đời thường, CCB Vũ Phí Định nhiều năm tham gia Tổ tự quản ANTT do CCB làm nòng cốt tại khu phố. Ông cùng các đồng đội nhiều năm về lại chiến trường xưa tham gia tìm mộ liệt sĩ. Tròn 50 năm đất nước thống nhất, nhưng ký ức hào hùng chiến đấu và chiến thắng của CCB Vũ Phí Định vẫn còn vẹn nguyên.
Ý kiến ()