Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:00 (GMT +7)
Ký ức hào hùng về ngày thống nhất
Thứ 3, 30/04/2024 | 07:30:13 [GMT +7] A A
Mỗi dịp 30/4 hằng năm, âm hưởng tự hào của ngày toàn thắng lại vang lên trên dải đất hình chữ S. Gần nửa thế kỷ đi qua nhưng thời khắc non sông đất nước liền một dải vẫn không thể nào quên, nhất là với những người con Vùng mỏ tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Họ đã làm nên mùa xuân đất nước
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hàng nghìn người con Vùng mỏ đã xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Họ đã xả thân trong những trận đánh khốc liệt nơi chiến trường. Đặc biệt trong trận quyết đấu cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều chiến sĩ đã tham gia lực lượng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trưa 30/4/1975 có 50 chiến sĩ thuộc Binh đoàn Than được bổ sung cho Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, theo mũi tấn công đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy, chứng kiến thời điểm lịch sử khi cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 húc đổ. Tổng thống Ngụy là Dương Văn Minh buộc phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân giải phóng. Cùng với đó là rất nhiều cánh quân khác từ khắp các ngả tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Cùng với Trung đoàn 28 còn có Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B) nhận nhiệm vụ là đơn vị đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy và cắm cờ trên nóc sở chỉ huy. CCB Lê Thanh Nhật (hiện ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long) khi đó là chiến sĩ Trung đoàn 27, nhớ lại: “Thời điểm đó ở tất cả các mũi tấn công, địch hầu hết đầu hàng, nên hầu như không phải nổ súng, riêng hướng của Trung đoàn 27 chúng tôi đánh vào Lái Thiêu có một cứ điểm của địch không nhận được thông tin đầu hàng, nên vẫn tiếp tục nổ súng rất ác liệt vào lực lượng của ta. Vì vậy khi đến giáp cầu Vĩnh Bình, Trung đoàn 27 bị lực lượng địch phòng thủ ở đây chặn đánh quyết liệt, không thể sớm tiến vào giải phóng Sài Gòn như kế hoạch ban đầu. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong ngày giải phóng".
CCB Ngô Đức Nghĩa (hiện ở TP Uông Bí), khi đó là chiến sĩ của Lữ đoàn 22 Tăng - Thiết giáp, Quân đoàn 4, đảm nhận hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh. Ông nhớ nhất là trận ở Hố Nai (tỉnh Đồng Nai), phá vỡ khu vực phòng thủ của địch để tiến quân vào Sài Gòn. Ông kể: "Thời điểm đó địch co cụm trong nhà dân, thậm chí trong các nhà thờ để chống trả, đồng thời gọi máy bay, pháo kích đánh trả vào đội hình của quân ta. Chúng tôi phải nép vào nhà dân, vào các tán cây để giữ vững thế trận, vừa đánh vừa chốt giữ. Đến tối 28, rạng sáng 29/4/1975 chúng tôi đã làm chủ được toàn bộ Hố Nai. Khi chúng tôi vào Dinh Độc Lập thì biết là giải phóng hoàn toàn Sài Gòn, thống nhất đất nước rồi, ai nấy đều òa lên vui sướng, hạnh phúc vì từ nay đất nước không còn chiến tranh nữa. Chúng tôi khi đó chỉ mong một ngày được trở về quê hương, đó là một niềm vui tột đỉnh".
Sáng 30/4/1975 không khí tưng bừng, nô nức mừng ngày chiến thắng. Bộ đội hành quân vào tiếp quản Sài Gòn, nhân dân đứng hai bên đường tung cờ hoa vẫy chào, dường như ai cũng muốn được chạm tay vào các chiến sĩ giải phóng quân.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở TX Đông Triều, CCB Nguyễn Quốc Chiến (hiện ở phường Mạo Khê, TX Đông Triều) đã dành cả thời tuổi trẻ xông pha trên chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi dịp 30/4 ông lại cùng các đồng đội gặp gỡ, ôn lại ký ức về những ngày tháng hào hùng ấy.
Ông kể: "Năm 1975 ta và địch giằng co nhau từng căn nhà, từng góc phố, từng tuyến đường. Quyết tâm của chúng ta là bằng mọi giá phải giải quyết nhanh để mở đường cho quân ta tiến quân đánh vào sào huyệt của địch là Sài Gòn - Gia Định. Khi nghe tin chiến thắng, chúng tôi cảm giác tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tất cả anh em ôm nhau nhảy múa, hát ca, khóc rồi cười. Một giấc mơ đã thành sự thật. Chúng tôi là những người hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội khác vì còn được trở về, được sống trong thời bình".
Quảng Ninh trong ngày vui đại thắng
30/4/1975 là ngày lịch sử trọng đại đối với mỗi người dân Việt Nam. Quảng Ninh cùng với các địa phương khác của miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Bính, Chủ nhiệm CLB Hưu trí TP Hạ Long, vẫn còn nhớ rất rõ không khí vui mừng phấn khởi của Đảng bộ chính quyền, nhân dân Quảng Ninh trong ngày vui đại thắng: “Thời điểm đó, tỉnh Quảng Ninh đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng bay phấp phới; sân vận động Hòn Gai chật kín người dân đến tham dự mít tinh mừng Chiến thắng 30/4. Chúng tôi tất cả cán bộ, đoàn viên thanh niên và công chức, những ai có ở nhà là đến hết sân vận động để dự mít tinh. Từ mấy hôm trước khi nghe tin quân ta chuẩn bị giành thắng lợi, nhân dân đã treo cờ ăn mừng rồi. Người dân Quảng Ninh vui mừng khôn xiết vì có một lượng lớn con em Vùng mỏ đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Hết chiến tranh đồng nghĩa với các gia đình sắp được đoàn tụ”.
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của một dân tộc anh hùng và tri ân máu xương các thế hệ cha anh trong thời đại Hồ Chí Minh đã chiến đấu quên mình vì độc lập hôm nay.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()