Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 18:43 (GMT +7)
Ký ức một mùa hoa trẩu trên biên cương
Thứ 3, 05/07/2022 | 14:51:22 [GMT +7] A A
Giữa tháng 4 vừa qua, mùa hoa trẩu trên biên cương nở, mấy anh em cựu binh biên phòng trước đây đã ở Đồn 207 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô) và Đồn 213 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh đóng trên xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Đồn được thành lập trong thời kỳ chiến tranh biên giới) cùng hẹn đi đến huyện Bình Liêu xem hội hát soóng cọ và ngắm hoa trẩu.
Ông Nguyễn Tiến Vỹ, sinh năm 1958, ở khu Trại Hà, phường Yên Thọ (Đông Triều), thương binh, cựu binh Biên phòng Đồn 207 tâm sự: “Tôi muốn đi Bình Liêu để ngắm hoa trẩu nở trên biên cương, bởi 43 năm trước tôi bị lỡ hẹn một mùa hoa”.
Ông Vỹ nhập ngũ tháng 11/1977, huấn luyện tại Tiểu đoàn 19, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh ở Quang Hanh (Cẩm Phả) ngày ấy, đến tháng 5/1978, được điều động lên Đồn 207 Cửa khẩu Hoành Mô. Ở Đồn ngày ấy, đã được ăn dầu sở, cuối năm cũng đã được ngắm hoa sở nở trắng đồi quanh đơn vị và cả quả đồi bên Pắc Pộc, trận địa của Đại đội 6 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh. Ở Bình Liêu, không chỉ có cây sở mà còn cả cây trẩu, cây hồi, cây quế. Những cây trẩu to quanh đồn xưa được anh em khoe là sẽ nở vào dịp sau mùa xuân khi có nắng lên. Ông Vỹ là thương binh trong trận chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ Đồn 207 sáng ngày 1/3/1979. Ông khoe cuối năm 2021, đã được các cựu binh biên phòng đưa lên tham dự Hội hoa sở Bình Liêu.
Sau trận chiến ngày 1/3/1979 hơn một tháng, ông Vỹ cùng một số chiến sĩ khác được Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh rút về làm cán bộ khung để thành lập Tiểu đoàn 1 cơ động Công an nhân dân vũ trang, đóng tại xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) thế là ông không được ngắm hoa trẩu ở Bình Liêu nở. Ông tiếp tục được cử đi học nghiệp vụ trinh sát 6 tháng ở T8 do Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tổ chức. Sau khi quay về Tiểu đoàn 1, trung đội trinh sát của ông đã được điều động về tăng cường khu vực biên giới do Đồn 212 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Hải Hòa) quản lý và đóng chốt tại mũi Sủi, xã Hải Hòa, huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái). Là thương binh, đến năm 1981 thì ông Vỹ được hưởng chế độ phục viên. Về quê ông tham gia công tác địa phương và làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Yên Thọ nhiều khóa.
Hoa sở nở dịp tháng 11 âm lịch, còn hoa trẩu thì nở cuối mùa xuân sang hè. Trẩu là cây ưa ẩm, ưa ánh sáng, đến mùa là nở rộ màu trắng rạng rỡ, bất chấp mọi khắc nghiệt thời tiết. Hoa trẩu có màu trắng tuyệt đẹp với vẻ tinh khôi của núi rừng, khi hoa già, thân nhụy sẽ ngả màu đỏ tía, thoang thoảng hương thơm. Trẩu được trồng như một cây công nghiệp để lấy gỗ và lấy hạt. Hạt trẩu đem ép lấy dầu, dầu trẩu dùng trong công nghiệp chế biến sơn, keo. Nhân hạt trẩu còn được người dân dùng làm thuốc trong y học cổ truyền. Còn vỏ cây trẩu sắc với nước dùng ngậm chữa đau và sâu răng.
43 năm đã qua sau khi rời mảnh đất biên cương Hoành Mô, rồi về địa phương với biết bao công việc, vì điều kiện công việc xã hội, của gia đình cộng với sức khỏe nên ông Vỹ chưa một lần được trở lại Bình Liêu, song trong ký ức của ông vẫn in đậm hình ảnh hoa sở, quả sở và những nụ hoa trẩu sắp nở bên Đồn 207 xưa.
Ông kể, từ ngày về phục viên, những ngày cuối năm khi được nghe ca khúc “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung có đoạn “Em ơi có nơi nào đẹp hơn/ Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở/ Khi mùa sở ra cây/ Lúa lượn bậc thang mây/ Mùi tỏa ngát hương bay...” lòng ông càng bồi hồi, nhớ về mảnh đất biên cương Bình Liêu của thời trai trẻ. Trong ký ức của cựu binh biên phòng Nguyễn Tiến Vỹ thì khi những quả sở năm ấy đã to và tròn như những quả ổi găng ở quê cùng với những cây trẩu quanh đồn chuẩn bị đơm hoa, các ông đã không được ngắm hoa trẩu nở bởi đạn pháo của quân Trung Quốc đã phá nát tận gốc những cây sở, cây trẩu quanh Đồn 207. Mùa sở và cả mùa trẩu năm 1979, đồng bào đã không thu hoạch quả được nữa.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979, đã có những người đồng đội của ông Vỹ ngã xuống. Bản thân ông cùng nhiều đồng đội đã để lại một phần xương máu trên mảnh đất Hoành Mô vì biên cương Tổ quốc thiêng liêng. Song ông cùng những người đồng đội của ông rất đỗi tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của lực lượng công an nhân dân vũ trang ngày ấy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ông Vỹ và các cựu binh biên phòng đã có được một ngày ngắm hoa trẩu nở trên biên giới bình yên, hòa bình và hữu nghị hôm nay. Hương sắc của hoa rừng nơi biên viễn luôn trong ký ức của họ - những cựu chiến binh biên phòng đã một thời gắn bó với biên cương.
Nguyễn Xuân
Liên kết website
Ý kiến ()