Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:35 (GMT +7)
Kỳ vọng dòng khách du lịch Trung Quốc
Thứ 5, 19/01/2023 | 12:59:52 [GMT +7] A A
Ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã khôi phục hoạt động thông quan, tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho du lịch Quảng Ninh. Để đón bắt cơ hội, khai thác tối đa thị trường tiềm năng này, tỉnh đã có nhiều biện pháp, trong đó chú trọng nâng chất các sản phẩm dịch vụ, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Đón bắt cơ hội
Với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt, cũng đứng đầu danh sách khách outbound (hướng ngoại) của Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ninh xác định Trung Quốc là thị trường tiềm năng, lợi thế hàng đầu đối với ngành Du lịch. Lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng, từ 131.000 lượt (năm 2014) lên 750.000 lượt (năm 2019). Đối với khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh, bình quân chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh. Nhìn chung, khách du lịch Trung Quốc có tác động tích cực đến hoạt động du lịch của tỉnh và tạo ra nhiều việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động.
Tuy nhiên, gần 3 năm qua Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, ngành Du lịch Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới ảnh hưởng khá nặng nề. Do vậy, khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố khôi phục thông quan tại cửa khẩu từ ngày 8/1/2023 đã tạo hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu. Đặc biệt, với Việt Nam, khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, doanh nghiệp.
Để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm đón đầu lượng khách từ Trung Quốc, góp phần tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch như tỉnh Quảng Ninh. Kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Sau đại dịch Covid-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã thay đổi, trong đó khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Việt Nam rất cần những sản phẩm mới với chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, như: Cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch... cần được quan tâm, nhất là những cơ sở vật chất xuống cấp. Nguồn nhân lực du lịch cũng phải được đào tạo, bồi dưỡng để thông tin, hiểu biết về đặc thù của thị trường, khách hàng; xây dựng phương án tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Trung Quốc.
Để thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng cho rằng, cần khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ, charter (chuyến bay thuê riêng) có triển vọng thu hút khách đến các địa phương. Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho đối tác, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ đối tác như trước đây.
Đặc biệt, khâu kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá cần được đầu tư bài bản. Các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL (người có ảnh hưởng xã hội) từ thị trường Trung Quốc... Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như weibo, douyin, xigua... Phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.
Khai thác hiệu quả, an toàn và bền vững
Nhìn vào thực tế, hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn bộc lộ những tồn tại, như: Xuất hiện tình trạng tour giá rẻ, kinh doanh núp bóng, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh dịch vụ du lịch khiến du khách không hài lòng, gây thiệt hại cho ngành du lịch.
Vì vậy, việc thống nhất cách thức quản lý, khai thác thị trường này là cần thiết và cấp bách. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch đề xuất, cần xem xét cơ chế đặc thù với việc đón khách Trung Quốc tại các cửa khẩu; thống nhất giải pháp đón khách cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng những tour “0 đồng” chất lượng kém, tour trốn thuế. Nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Đặc biệt, cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ giữa các địa phương. Bởi khi một địa phương tập trung quản lý chặt chẽ đối với hoạt động lữ hành và các hoạt động đón khách Trung Quốc nhưng các địa phương khách lơi là thì dòng khách sẽ chuyển đến địa phương khác với các hình thức vi phạm tinh vi hơn.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ cũng cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thường xuyên có hoạt động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành về năng lực đón khách, ngăn chặn hoạt động của các doanh nghiệp trá hình, hoạt động chui. Các nhà cung cấp dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm cần ổn định lại nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng sẵn sàng phục vụ du khách Trung Quốc, đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, kiên quyết không cạnh tranh phá giá.
Vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân và du khách cũng được ngành Du lịch đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng, Trung Quốc mới mở cửa nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 với các biến thể mới, do đó cần có lộ trình mở cửa đón khách tăng dần, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Ngành Du lịch Quảng Ninh đã xây dựng các phương án, điều kiện vật chất, đảm bảo an toàn và chất lượng. Theo đó, các địa phương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, xây dựng các phương án đón khách phù hợp. Các đơn vị cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn; thông báo đến du khách nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần thông báo ngay cho doanh nghiệp và các đơn vị y tế để có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời.
UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các lực lượng liên ngành khối cửa khẩu, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Các ngành khối cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thông quan; tích cực trao đổi, hội đàm với lực lượng cửa khẩu tương ứng phía Đông Hưng (Trung Quốc) để thống nhất các giải pháp đảm bảo tính ổn định. Thành phố đã thông tin các chính sách mới của phía Trung Quốc đến toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, yêu cầu các đơn vị có phương án đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bổ sung nguồn hướng dẫn viên. Đến nay, trên 20 cơ sở lưu trú trên 3 sao trở lên đủ điều kiện đón khách quốc tế đã hoàn tất việc chỉnh trang và bố trí nhân lực. Thành phố cũng bố trí 26 xe điện sẵn sàng đón khách ngay tại cửa khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan trong khu vực TP Móng Cái của du khách.
Bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động đa dạng, đổi mới sản phẩm du lịch và xây dựng chương trình khuyến mãi đầy hấp dẫn đối với dòng khách Trung Quốc. Theo bà Đặng Thị Như Quỳnh, Giám đốc kinh doanh Cảng tàu khách quốc tế Vân Đồn, đơn vị có các chương trình giảm giá 50-70% cho các đơn vị lữ hành khi sử dụng dịch vụ thuê nguyên chuyến cất, hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Đi kèm với đó là những gói ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group tại Quảng Ninh.
Việc đẩy mạnh kết nối du lịch giữa Quảng Ninh và Trung Quốc, khai thác thị trường tiềm năng này cũng là mong muốn các doanh nghiệp lữ hành. Như Công ty CP Tập đoàn lữ hành Trung Quốc - Việt Nam thường xuyên đưa khách Trung Quốc đến Quảng Ninh, chiếm trên 50% lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Ông Cao Thể Toàn, Giám đốc Công ty cho biết: Quảng Ninh, trong đó Hạ Long là địa điểm vô cùng ưa thích của du khách Trung Quốc. Vì vậy, khi du lịch giữa hai nước được kết nối trở lại, chúng tôi tổ chức các tour tuyến đến Hạ Long. Dự kiến đến tháng 3, lượng khách sẽ tăng trở lại và khả năng bùng nổ vào dịp hè năm nay do thế mạnh du lịch biển đảo rất đa dạng của Quảng Ninh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()