Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:25 (GMT +7)
Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 Kỳ vọng những mục tiêu cao hơn
Thứ 3, 02/01/2024 | 06:47:22 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong năm 2023 để đạt được những thành quả rất đáng tự hào, lập nên những kỳ tích trong giai đoạn đổi mới, thể hiện qua kết quả tăng trưởng kinh tế đạt 11,03% và là năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) tăng trưởng 2 con số, hoàn thành toàn diện 15/15 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, kinh tế, xã hội, môi trường... Tiếp nối những thành quả đó, năm 2024 tỉnh xác định chủ đề công tác là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với mục tiêu cao nhất phát triển văn hoá - xã hội và đảm bảo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho tăng trưởng trong dài hạn của giai đoạn 2025-2030.
Giữ tăng trưởng trong dài hạn
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, Quảng Ninh phải triển khai khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, tồn đọng, hạn chế, yếu kém trước đây, song tỉnh đã kiên trì, nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành toàn diện 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm. Đặc biệt, tỉnh đã giữ vững sự ổn định, đoàn kết, tinh thần cải cách, đà tăng trưởng kinh tế 2 con số; niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên ngày càng được củng cố. Quảng Ninh đã thực sự vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Với sự phát triển vượt bậc, Quảng Ninh hiện là 1 trong những tỉnh, thành phố của cả nước có quy mô kinh tế lớn, năm 2023 đạt trên 315.000 tỷ đồng và theo đánh giá của Cục Thống kê, 5 năm tới quy mô kinh tế của tỉnh sẽ đạt hơn 600.000 tỷ đồng. GRDP của Quảng Ninh hiện đang ở vị thế rất cao của cả nước, đứng thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước (chỉ sau Bắc Giang và Hậu Giang). Quy mô nền kinh tế càng tăng lên thì việc đạt được 1% tăng trưởng, cũng như giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện tại cũng sẽ khó hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trên 10% trong năm 2024 và đến 2030, Quảng Ninh xác định phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và nội dung này đã được cụ thể hóa trong chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh.
Phát biểu tại buổi tổng kết khối ngành kế hoạch - tài chính - kinh tế (ngày 28/12/2023), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Chất lượng tăng trưởng kinh tế là thuộc tính bên trong của quá trình tăng trưởng kinh tế thể hiện ở trạng thái là hiệu quả tăng trưởng và khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Để giải bài toán về giữ vững tăng trưởng, cần phải tập trung vào thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó chú trọng hoàn thiện hạ tầng kinh tế số gắn với việc ứng dụng các thành tựu KHCN mới, hạ tầng các KKT, KCN; giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Đây vừa là nguồn lực, vừa là động lực là mục tiêu cho phát triển bền vững.
Sớm cụ thể hóa chủ đề năm 2024, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Năm 2024, sở sẽ tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, nhất là những KCN có hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, Hải Hà. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm, tạo đột phá hơn nữa trong thu hút đầu tư, trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Cùng với đó là giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện theo quy hoạch theo quy hoạch của tỉnh và theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2024 các sở, ngành, địa phương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu, gắn trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân của từng dự án. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; xử lý nghiêm tình trạng đầu năm ghi vốn - giữa năm điều vốn - cuối năm trả vốn của các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”, chạy theo các địa phương.
Cùng với 2 trụ cột trên, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN cũng là một trong những trụ cột quan trọng mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong năm 2024. Trong đó, sẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển mới sản phẩm, dịch vụ, nhất là sản phẩm về đêm, công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số bằng tư duy, quyết tâm, cách làm, bước đi bền vững.
Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc
Cùng với giữ vững đà tăng trưởng trong 9 năm liên tiếp, năm 2023 là năm Quảng Ninh tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm.
Từng bước định hình được hệ giá trị Quảng Ninh với 6 đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc. Cũng trong năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết riêng về phát triển văn hóa, con người.
Tiếp nối thành quả của năm 2023, năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục được tỉnh nhấn mạnh trong chủ đề công tác là “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Theo đó, mục tiêu cao nhất tập trung phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 1/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 17-NQ/TU gắn với Nghị quyết số 06, Đề án 409 của Tỉnh ủy, tạo chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực từ thôn, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn, đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng văn hóa Đảng trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương, đòi hỏi của nhân dân trong tình hình mới.
Với phương châm “lãnh đạo đi trước, đảng viên tiếp bước, làng nước theo sau”, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, tự học và sáng tạo, tận tụy phục vụ nhân dân. Người đứng đầu phải khiêm tốn, cầu thị, cẩn thận, gian khổ phấn đấu vì sự phát triển của địa phương, vì hạnh phúc nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc thông qua tăng cường giáo dục kỷ luật nghiêm minh, tăng cường chấp hành kỷ luật; dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên nhớ những điều cấm, giữ giới hạn.
Lịch sử đã lựa chọn trao gửi, đặt lên vai các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm lớn lao để tiếp nối vun đắp những giá trị cốt lõi của Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Như vậy, các ngành, địa phương phải cụ thể hóa đưa các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị địa phương vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong mỗi quyết sách phát triển địa phương; kết hợp hài hòa, tạo mối liên thông giữa đầu tư phát triển văn hóa với giáo dục đào tạo, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa.
Song song với đó, cần tổ chức xây dựng môi trường xã hội lành mạnh làm cơ sở cho các giá trị hình thành và phát triển; tạo điều kiện và khuyến khích hình thành các giá trị và hệ giá trị ở các cá nhân, tổ chức, tập thể; hiện thực hóa giá trị cốt lõi từ mỗi cộng đồng, thôn, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, ngành, địa phương, chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh sẽ được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Qua đó, tiếp tục khơi dậy khát vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về một địa phương phát triển, hạnh phúc, một vùng đất năng động, sáng tạo, hướng tới đích lâu dài là bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()