Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:37 (GMT +7)
Kỳ vọng phát triển du lịch gắn với Thương cảng cổ Vân Đồn ở Quan Lạn
Thứ 2, 25/05/2020 | 16:26:22 [GMT +7] A A
Sử liệu và những dấu tích để lại đến ngày nay cho thấy xã Quan Lạn (Vân Đồn) là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Đây là thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam, do vua Lý Anh Tông lập năm 1149, được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 2003.
Đình Quan lạn, ngôi đình thiêng của người dân biển Quan Lạn đồng thời là điển di tích thu hút du khách. |
Thương cảng cổ Vân Đồn nằm trọn trên đất Quảng Ninh với hơn 200km2, trải dài từ Quảng Yên đến Móng Cái. Trong đó Quan Lạn có bến Cái Làng đã được chứng minh là bến bãi chính giao thương, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa với các thương lái trong và ngoài nước. Các dấu tích bến phụ, bãi tập kết, hệ thống công trình đình, chùa, nghè, miếu, các lễ hội, giếng Hệu, nghệ thuật diễn xướng, nghi lễ tín ngưỡng… cho phép hình dung bức tranh hệ thống dịch vụ phụ trợ cảng sôi động ở Quan Lạn; tái hiện đời sống sinh hoạt của người dân Quan Lạn cũng như các thương lái làm ăn tại Quan Lạn đa sắc màu song vẫn rõ nét, đậm đặc văn hóa tín ngưỡng, tập tục, thói quen…
Nắm tài sản quý giá của cha ông để lại trong tay, người dân Quan Lạn bao đời nay trân trọng, giữ gìn di tích Thương cảng cổ Vân Đồn. Là vùng đất đang trên đà phát triển về du lịch, ngay từ sớm, Quan Lạn đã có những đề xuất phù hợp để khoanh vùng, bảo vệ, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân hình thành các công trình dịch vụ du lịch trong ranh giới di tích.100% các vị trí khảo cổ trước đây thuộc di tích đều được vùi lấp trở lại và đánh dấu vị trí để tránh xáo trộn. Xã Quan Lạn thành lập đội xung kích quản lý, bảo vệ các điểm di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, dành một phần kinh phí cho công tác bảo vệ di tích, đồng thời thường xuyên cập nhật, báo cáo tình trạng về di tích cho các đơn vị cấp trên.
Vào dịp lễ hội Quan Lạn hàng năm, trai tráng trong xã đều hào hứng tham gia các hoạt động của hội. |
Dịp hội đình, những người con Quan Lạn không ra khỏi làng, người con xa xứ thì trở về quê. |
Đình Quan Lạn, hạng mục tiêu biểu thuộc di tích Thương cảng cổ Vân Đồn được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thờ vua Lý Anh Tông. Đây có thể nói là kiến trúc đình làng vùng biển đẹp của Quảng Ninh và là ngôi đình thiêng của người dân Quan Lạn. Lễ hội đình Quan Lạn diễn ra trong khoảng tháng 6 âm lịch hàng năm, là một nghi lễ tích hợp, vừa tưởng nhớ và tri ân vua Lý Anh Tông, các vị thần biển và các thành hoàng làng, vừa kỷ niệm chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1288 của nhà Trần, kỷ niệm chiến thắng đánh tan đoàn quân lương Trương Văn Hổ của tướng quân Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa biển…
Thời gian hội làng, Quan Lạn có tục “khóa làng” tức người dân không ra khỏi làng, còn những người con Quan Lạn xa xứ luôn thu xếp công việc để về quê. Hội đình Quan Lạn xưa kéo dài đến cả chục ngày với các hoạt động phần lễ trang trọng, thành kính, phần hội đặc sắc, rộn ràng. Riêng phần hội có hội đua thuyền được trai tráng toàn xã chuẩn bị trong cả 1 năm để tham gia. 2 đội đua là Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ diễu hành trên biển trên những con tàu khai thác thủy sản của mình. Tướng quân của mỗi đội đứng trước mũi thuyền lớn đi những bài quyền, múa đao, kiếm đẹp mắt. Tiếng reo hò, cổ vũ của người dân, du khách âm vang cả một khúc sông Mang lịch sử…
Một hiện vật thời Trần nguyên vẹn mà ngư dân tìm thấy bên bờ sông Mang. Ảnh Hoàng Văn Khương (CTV) |
Giếng Hệu, nơi được cho là cấp nguồn nước ngọt phục vụ các hoạt động tại Thương cảng cổ Vân Đồn. |
Từ vốn tài sản di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, xã Quan Lạn lâu nay luôn kỳ vọng thực hiện chiến lược phát triển du lịch gắn với các điểm di tích Thương cảng cổ Vân Đồn. Ông Nguyễn Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quan Lạn, cho biết: Ý tưởng của xã là kết nối các điểm di tích Thương cảng cổ Vân Đồn trên địa bàn thành các điểm, tour, tuyến du lịch; hình thành tour du lịch như Đi thuyền trên dòng sông Mang; trải nghiệm Thương cảng cổ Vân Đồn… Từ đây thêm phần quảng bá di tích Thương cảng cổ Vân Đồn ra bên ngoài đồng thời thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn.
Mặc dù có ý tưởng phát triển du lịch gắn với các điểm di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, tuy nhiên cái khó hiện nay của Quan Lạn là hầu hết các điểm di tích thuộc Thương cảng cổ Vân Đồn vẫn còn nằm trong lòng đất, đáy sông, chưa có các công trình, hoạt động thiết thực nhằm tái hiện thương cảng cổ này.
Mới đây một số tín hiệu vui đã đến với Quan Lạn, là UBND tỉnh đã đồng ý cấp kinh phí gần 25 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại đình Quan Lạn. Các đơn vị chuyên môn tỉnh cũng đang đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ công nhận di tích Thương cảng cổ Vân Đồn là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó mới đây, Tổ chức JICA (Nhật Bản) và Sở Du lịch cũng đã có những khảo sát thực tế để nghiên cứu hình thành các tour du lịch phù hợp, nhằm đưa du khách đến trải nghiệm… Điều này khiến cho kỳ vọng về việc phát triển du lịch gắn với di tích Thương cảng cổ Vân Đồn của Quan Lạn sẽ ngày càng được củng cố.
Việt Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()