Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 05:54 (GMT +7)
Lại nói về việc bảo tồn vốn cổ...
Chủ nhật, 23/03/2014 | 07:38:25 [GMT +7] A A
Trên chuyên mục “Cùng bàn luận” của Báo Quảng Ninh ngày 16-2-2014, chúng tôi có đưa ra một vấn đề; đó là việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống là cần thiết, rất đáng hoan nghênh, khích lệ; nhưng bảo tồn, phát huy như thế nào thì lại là chuyện cần phải bàn! Lý do mà chúng tôi đưa vấn đề này ra để trao đổi, bàn thảo là bởi trên thực tế, bên cạnh những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong việc tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, vẫn còn hiện tượng mang tính “tuỳ hứng”, thiếu sự cân nhắc cho thật thấu đáo; như chuyện Hội VHNT tỉnh tổ chức “Lễ khai ấn Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức lần thứ nhất” dịp đầu năm Giáp Ngọ 2014 vừa qua chẳng hạn. Đành rằng đây là “chuyện chẳng chết ai”, nhưng nếu thực sự tôn trọng lịch sử, hiểu chân giá trị lịch sử, vẫn cứ thấy... cồm cộm!
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, cái sự “tuỳ hứng” ấy không phải chỉ bây giờ, mà nó đã diễn ra khá lâu rồi; chỉ có điều dường như ít người để ý mà thôi. Chẳng nói đâu xa, như việc lấy ngày 29-3 làm Ngày thơ Quảng Ninh chẳng hạn! Cứ cho đó đúng là ngày mà Thi sĩ - Hoàng đế Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Bài Thơ, thì liệu việc chọn ngày này làm Ngày thơ Quảng Ninh đã hợp lý chưa cũng rất đáng để bàn. Bởi một điều mà ai cũng biết, đó là giá trị lịch sử của một di tích, cho dù rất quý, rất thiêng liêng, nhưng không phải với bất cứ di tích nào thì giá trị của nó cũng là biểu trưng cho bản sắc truyền thống văn hoá của cả một vùng đất. Với di tích Bài thơ của Lê Thánh Tông trên núi Bài Thơ cũng vậy; không ai phủ nhận giá trị về mặt lịch sử của nó, nhưng bảo rằng đó là biểu trưng cho sự hiếu học, cho truyền thống thi ca của tỉnh nhà v.v.. thì e là hơi “vơ vào”... (về một góc độ nào đó, Thi xã Bích Động của Trần Quang Triều ở Đông Triều thời nhà Trần còn có lý hơn). Ấy thế nhưng, lâu nay mỗi khi nói đến truyền thống văn hoá của Quảng Ninh, người ta vẫn coi Thi sĩ - Hoàng đế Lê Thánh Tông như “một niềm tự hào” của tỉnh nhà! Từ việc chọn ngày 29-3 làm Ngày thơ đến việc lấy tên Lê Thánh Tông làm tên gọi cho một giải thưởng thơ mang tính phong trào chung cả tỉnh v.v.. Thậm chí ai đó còn đề xuất nên đổi tên Khu văn hoá núi Bài Thơ thành Văn miếu Bài Thơ nữa thì quả là...
Tôn vinh nét đẹp văn hoá truyền thống là cần thiết, nhất là trong thời đại hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay. Nhưng tôn vinh ai, tôn vinh thế nào v.v.. cũng phải cho đúng với lịch sử. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, ý nghĩa giá trị của di tích Bài thơ trên núi Bài Thơ chưa hẳn là về mặt văn học - nghệ thuật, mà chủ yếu là giá trị về mặt lịch sử (hoặc giả dụ có cả giá trị về mặt VHNT thì cũng không phải đó là “thể hiện bản sắc văn hoá truyền thống” của vùng đất Quảng Ninh...).
Nếu không phân định rạch ròi điều này, rất dễ dẫn tới sự tôn vinh thái quá, tôn vinh “oan” cho tiền nhân...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()