Khi ứng dụng Zenly đóng cửa, Bảo Ngọc sốt sắng tìm và dùng thử hàng loạt ứng dụng theo dõi vị trí khác để thay thế.
Bảo Ngọc, sinh viên 21 tuổi ở Hà Nội, cho biết cậu và nhóm bạn gần 20 người vốn là người dùng trung thành của ứng dụngZenlygần ba năm nay. Ngày 2/2, Zenly, thuộc sở hữu của Snap, chính thứcđóng cửasau gần một thập kỷ ra đời. "Sự kết thúc này khiến nhóm tôi hụt hẫng, nên cũng muốn tìm ra một giải pháp tương tự để tiếp tục sử dụng", Ngọc nói.
Thay thế cho ứng dụng của Snap, theo Ngọc, có thể kể đến như Whoo, BFF, iSharing... Mỗi ứng dụng có một đặc điểm khác nhau dù đều nhái sản phẩm nổi tiếng trước đó. Trong số này, Whoo đang được nhiều người dùng Việt Nam chọn nhất.
Theo thống kê của Google Trends, từ cuối tháng 1, lượng tìm kiếm với từ khóa "Whoo" tăng gấp ba so với trung bình trước đó. Trong một tuần qua, đây cũng là ứng dụng liên tục đứng đầu bảng xếp hạng tải nhiều trên App Store và Play Store tại Việt Nam. Từ 29/1, quản trị viên trang Whoo Việt Nam thông báo ứng dụng trên Android phải ngừng hoạt động vì lượng đăng ký quá tải.
Whoo do công ty LinQ của Nhật Bản phát triển. Ứng dụng mới ra mắt tháng 12 năm ngoái trên iOS và giữa tháng 1 trên Android, thu về hơn 100.000 lượt tải về trên Play Store sau 10 ngày. Giao diện và các tính năng tương tự ứng dụng theo dõi vị trí Zenly, gồm cả khả năng xem dung lượng pin điện thoại của bạn bè, xem người khác ở nguyên vị trí trong bao lâu hay di chuyển với tốc độ như thế nào, trò chuyện, kết bạn.
Theo Bảo Ngọc, Whoo sao chép nhiều tính năng theo dõi của Zenly nhất. Trong khi đó, ứng dụng BFF hấp dẫn ở khả năng đồng bộ với dữ liệu từ Zenly, nhưng giao diện còn thô. Các ứng dụng khác phần lớn thuần về theo dõi vị trí, không mang lại trải nghiệm mạng xã hội.
Lợi và hại của ứng dụng theo dõi vị trí
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, vị trí vốn là một trong những thông tin cá nhân nhạy cảm của mỗi người dùng, có thể gây nguy hiểm nếu lọt vào tay của người lạ. Những ứng dụng khuyến khích chia sẻ vị trí như trên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để theo dõi người khác. Ví dụ trước đây, cộng đồng Zenly từng chia sẻ cho nhau cách cài ứng dụng lên điện thoại của bố mẹ, người yêu, sau đó tắt hết thông báo và cho chạy ngầm để bí mật biết vị trí của họ. Trên một số cộng đồng, nhiều người còn chủ động chia sẻ mã QR để rủ người lạ kết bạn.
Ngoài yêu cầu bắt buộc cấp quyền truy cập vị trí liên tục, các ứng dụng này còn đòi hàng loạt quyền khác như truy cập danh bạ, camera... Phân tích ứng dụng Whoo, chuyên gia này cho biết phiên bản trên Android hiện yêu cầu 23 quyền truy cập, trong đó có những quyền được đánh giá là nguy hiểm như: vị trí, đọc ghi dữ liệu, nhận dạng hành động... của người dùng.
"Các nhà phát triển đều khẳng định không kinh doanh dữ liệu người dùng, tuy nhiên người dùng thực tế không thể biết dữ liệu của họ sẽ bị khai thác như thế nào, chưa kể nguy cơ nhà phát triển bị hacker tấn công và đánh cắp thông tin", ông Hiếu khuyến nghị và cho rằng hạn chế tối đa quyền truy cập là cách tốt nhất để bảo vệ thông tin của mình.
Trong khi đó, Bảo Ngọc nói nhóm bạn của cậu vốn thân nhau nên việc chia sẻ vị trí không phải vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có ích trong mỗi lần muốn hẹn hò vì không phải nhắn tin hỏi nhau đang ở đâu.
Hoàng Yến, một người dùng tại Bạc Liêu, cũng cho biết đã quen kết nối với bạn thân qua ứng dụng theo dõi vị trí, nên chúng đã trở thành phần mềm không thể thiếu của cả nhóm. "Chúng tôi cũng nhắc nhau không cho người lạ kết bạn và theo dõi mình, hoặc khi cần riêng tư có thể tắt định vị, vì vậy cũng yên tâm phần nào", Yến nói.
Ý kiến ()