Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 06:06 (GMT +7)
Lái xe điện trong lúc trời mưa, đường ngập nước liệu có an toàn?
Chủ nhật, 09/06/2024 | 15:36:32 [GMT +7] A A
Nhiều thành phố lớn trên cả nước đang bắt đầu vào mùa mưa. Tình trạng ngập úng tại một số nút giao thông, tuyến đường vẫn xảy ra khi lưu lượng mưa quá lớn. Với những người sử dụng xe điện, cần lưu ý các rủi ro sau.
Hiện tại, Việt Nam bắt đầu bước vào mùa mưa bão, không chỉ Hà Nội mà ngay cả TP.HCM liên tục có những ngày mưa lớn, nhiều nơi xuất hiện tình trạng ngập úng khiến các phương tiện giao thông khó khăn trong việc di chuyển.
Nếu như xe sử dụng động cơ đốt trong đi vào các vùng ngập quá sâu, nguy cơ bị thuỷ kích là rất cao nhưng với xe điện, người dùng không lo ngại vấn đề bị thuỷ kích nhưng vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vận hành trong điều kiện trời mưa lớn gây ngập đường.
Những rủi ro khi sử dụng xe điện trong trời mưa, đường ngập nước
Khác biệt so với xe sử dụng động cơ đốt trong khi nước có thể xâm nhập vào cổ hút dẫn đến nguy cơ thuỷ kích, hư hỏng động cơ, xe ô tô điện chỉ sử dụng bộ pin và mô tơ điện thường đặt dưới gầm xe. Hai bộ phận quan trọng này đều có tiêu chuẩn kháng nước để giúp xe an toàn khi đi vào khu vực ngập nước sâu.
Mặc dù ô tô điện có khả năng chống nước tốt, việc tiếp xúc với nước trong thời gian dài vẫn có thể gây ra hư hỏng cho các chi tiết điện và điện tử như hệ thống điều khiển động cơ, hệ thống phanh, hệ thống đèn,... Nước có thể làm ướt các điện cực của pin hoặc các giắc kết nối ở bộ điều khiển, gây hiện tượng đoản mạch hoặc mất điện, làm giảm tuổi thọ của pin và các bộ phận quan trọng khác.
Các dòng xe điện hiện đại ngày nay đều có tiêu chuẩn kháng bụi và nước đạt IP65, IP67,... trở lên cho các bộ phận quan trọng như mô tơ điện, nguồn pin,... Về lý thuyết, các chuẩn kháng bụi, nước này vẫn không thể chống nước hoàn toàn nên người lái xe cần lưu ý không để "ngâm" xe trong nước quá lâu. Dù vậy, khối pin bên trong xe điện vẫn được thiết kế với nhiều lớp bảo vệ, có khả năng cách điện nên phần nào giảm thiểu nguy cơ rò rỉ điện.
Tương tự như khối pin, dù động cơ điện cũng được thiết kế để kháng nước nhưng việc ngâm nước quá lâu cũng dẫn đến tình trạng nước ngấm vào động cơ, gây hư hỏng và mất rất nhiều chi phí để sửa chữa.
Hơn nữa, sử dụng ô tô điện trong điều kiện mưa lớn, đường ngập sâu còn khiến nước ngấm vào các chi tiết thân vỏ, nhiều tạp chất, cặn bẩn sẽ bám vào các chi tiết kim loại gây rỉ sét và giảm tuổi thọ các ron cao su quanh cửa, cốp xe,... Điều này không chỉ gây mất an toàn cho người sử dụng mà còn khiến xe mất giá trị khi muốn bán lại.
Nhìn chung, khi sử dụng xe điện trong điều kiện mưa lớn, ngập sâu,... những hư hỏng có thể sẽ không xuất hiện ngay lập tức nhưng sẽ đến một cách chậm rãi, người sử dụng sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cho việc kiểm tra và sửa chữa.
Lái và bảo dưỡng xe điện thế nào sau khi gặp mưa lớn, đi vào đường ngập sâu?
Quan trọng hàng đầu của người sử dụng xe điện là nên tìm hiểu khả năng lội nước của xe đạt ở mức bao nhiêu. Thông thường, các loại xe điện hiện nay đều có khả năng lội nước từ 300mm trở lên. Việc biết được khả năng lội nước sẽ giúp người lái phán đoán và cân nhắc về cung đường di chuyển.
Khi đi qua khu vực ngập nước, nên lái xe thật chậm để tránh tạo ra những con sóng lớn làm chao đảo và bắn nước lên các phương tiện xung quanh, nhất là người điều khiển xe máy. Ngoài ra, người lái xe cũng nên giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác, tránh xảy ra va chạm và dễ dàng hơn trong việc điều khiển xe.
Vì như đã nêu, các chuẩn kháng bụi, nước hiện nay không thể chống nước hoàn toàn, nếu xe điện bị ngập sâu trong nước quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến các chi tiết, linh kiện điện tử bên trong. Chẳng hạn như với chuẩn kháng bụi, nước IP67 chỉ có thể kháng nước hiệu quả ở độ sâu 1m trong thời gian khoảng 30 phút. Chính vì vậy, việc thoát khỏi khu vực ngập sâu là ưu tiên hàng đầu.
Sau khi di chuyển qua vùng mưa lớn và ngập nước sâu, việc kiểm tra và bảo dưỡng ô tô điện là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và duy trì hiệu suất của xe. Trước tiên, hãy đưa xe đến các garage uy tín hoặc xưởng dịch vụ để kiểm tra toàn diện, đặc biệt là các bộ phận điện và khối pin. Kỹ thuật viên sẽ đánh giá xem có hiện tượng nước thấm vào bên trong hay không, đồng thời kiểm tra hệ thống điều khiển động cơ, hệ thống phanh và hệ thống đèn để phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần làm khô ngay lập tức các bộ phận bị ướt để tránh tình trạng rỉ sét và hư hỏng các linh kiện quan trọng. Việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ sau khi xe tiếp xúc với nước sẽ giúp ngăn ngừa những hư hỏng lâu dài, giảm chi phí sửa chữa và đảm bảo xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt nhất.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()