Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:33 (GMT +7)
Làm báo - dễ và khó
Chủ nhật, 21/06/2015 | 05:37:13 [GMT +7] A A
Khi muốn tôn vinh một nghề nghiệp nào đấy, người ta thường nói đó là một nghề cao quý, một nghề mang “sứ mệnh cao cả” v.v.. Nghề làm báo cũng vậy, cũng là một nghề đáng để tôn vinh. Nhưng ở đây, tôi muốn nhìn công việc làm báo một cách giản dị hơn; hay nói cách khác, nó là một nghề làm ra sản phẩm để phục vụ xã hội một cách bình dị như bao nghề khác.
Duy chỉ có điều, cho dù công nghệ làm báo có phát triển hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì sản phẩm mà người làm báo sản xuất ra vẫn “mang tính thủ công”, in đậm dấu ấn cá nhân của người làm ra nó. Chẳng thế mà có người đã nói, mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm được “gắn mác” bằng cái tên của chính người làm ra nó, nó là “con đẻ” của người đó! Nhưng cũng chính vì thế mà công việc của người làm báo, về một mức độ nào đó, chịu nhiều áp lực hơn một số nghề khác. Và đây là cái khó, đòi hỏi tự thân mỗi nhà báo phải nỗ lực cố gắng cao nhất trong công việc nếu không muốn bị mang tiếng là sản xuất “hàng giả”, hàng “kém phẩm chất”.
Mà thực tế những sản phẩm báo chí là “hàng giả”, hàng “kém phẩm chất” được “lưu thông” trên thị trường cũng không phải là ít. Nguyên nhân đầu tiên tất nhiên là thuộc về người làm ra nó - tác giả của tác phẩm báo chí. Nhưng cũng phải thấy rằng, người làm báo trong quá trình tác nghiệp còn phải chịu không ít những áp lực, áp lực khi phải hoàn thành sản phẩm đúng thời gian, đúng thời điểm, đủ số lượng v.v.. mà Toà soạn giao, áp lực do phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Chưa kể còn cả áp lực từ phía cơ quan chủ quản của tờ báo nữa (!). Chính từ những áp lực ấy nên mới có tình trạng một số nhà báo, thay vì bỏ công tìm kiếm phát hiện những vấn đề, những sự kiện mới mẻ, có ý nghĩa quan trọng và cố gắng phản ánh nó một cách tốt nhất, đã chọn “lối đi bằng phẳng”, dễ dàng, mà kết quả là cho ra đời những sản phẩm báo chí nhợt nhạt, vô thưởng vô phạt… Điều trớ trêu là vì nhiều lý do khác nhau, những sản phẩm “vô thưởng vô phạt” ấy thường vẫn được “ra lò”, đến tay “người tiêu dùng” là các độc giả. Từ đó càng tạo cho những người làm ra các loại sản phẩm “kém phẩm chất” trong làng báo chí một tâm lý dễ dãi, thấy làm báo cũng… đơn giản, chẳng cần phải nỗ lực cố gắng làm gì…
Nói vậy để thấy nghề báo là một nghề “vừa dễ, vừa khó”; dễ nếu anh tự bằng lòng với “thói quen dễ dãi” và khó nếu anh luôn trăn trở để phát hiện, tìm ra những điều đáng nói, những chuyện đáng nói trong cuộc sống mà bạn đọc đang mong đợi. Lại thấy cái nghề này chẳng dễ một chút nào.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, xin có đôi điều lạm bàn, nếu có gì chưa tới, mong bạn đọc và đồng nghiệp thể tất!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()