Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:58 (GMT +7)
Lạm dụng thuốc an thần điều trị rối loạn giấc ngủ - Tiền mất tật mang
Thứ 5, 08/06/2023 | 15:00:40 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình trạng rối loạn giấc ngủ xuất hiện rất phổ biến ở các bạn trẻ. Thế nhưng thay vì thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế thì họ lại chọn cách tự mua thuốc an thần về uống để hỗ trợ giấc ngủ, đó là một trong những nguyên nhân gây hại đến sức khỏe người trẻ.
Thực trạng sử dụng thuốc an thần tràn lan của giới trẻ
Theo thống kê, có tới 35% dân số trên toàn thế giới mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Cùng với đó, số liệu của Viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, có khoảng 25% người trẻ (từ 18 - 30 tuổi) thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hoặc chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo. Có thể thấy, thực trạng giới trẻ mắc căn bệnh rối loạn chu kỳ giấc ngủ ngày càng nhiều. Nó cũng là nguyên do dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ sử dụng thuốc an thần để điều trị căn bệnh này càng trở nên phổ biến mà không nhận thấy được hệ lụy lâu dài của nó.
Thuốc an thần hay thuốc điều trị bệnh mất ngủ, dường như đã không còn xa lạ với người trẻ hiện nay. Thậm chí, nó còn là một vật bất ly thân để giúp họ có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh hơn mà không cần tốn quá nhiều công sức. Thực chất, thuốc an thần là loại thuốc hỗ trợ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ và giúp người dùng ngủ sâu, kéo dài thời gian ngủ hơn. Đây là một loại thuốc mà Bộ Y tế khuyến cáo không được tự do buôn bán tràn lan tại các hiệu thuốc nếu không được cấp phép hay kê đơn của bác sĩ. Thế nhưng, các hiệu thuốc vẫn ghi nhận số lượng đến hỏi mua thuốc an thần của các bạn trẻ tương đối nhiều. Chị C.T.Q - 40 tuổi, chủ tiệm thuốc Đ.T cho biết: “Mặc dù không có kê đơn của bác sĩ nhưng mình thấy rất nhiều bạn trẻ đến hỏi mua thuốc an thần hay thuốc trị bệnh mất ngủ. Trung bình mỗi ngày 2 - 3 người”.
Dù không được cấp phép tự do buôn bán nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tìm mua được những liều thuốc an thần này ở những cửa hàng không uy tín, các đối tượng bán thuốc “chui” trên mạng hay từ các sàn thương mại điện tử. Những loại thuốc này vừa không được kiểm định, vừa ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Không những thế, trong các hội nhóm tâm sự chuyện giới trẻ, khi được hỏi về cách làm sao để cải thiện tình trạng mất ngủ thì nhiều người trẻ đã không ngại ngần chia sẻ cho nhau về dùng thuốc an thần từ tên thuốc, cách mua và cách sử dụng.
Lạm dụng thuốc an thần trị rối loạn giấc ngủ - Những hệ lụy khôn lường
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thường xuyên bị thiếu ngủ cả về thời gian lẫn chất lượng của giấc ngủ. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất làm việc và sức khỏe của mỗi người. Đây là một hiện tượng khá phổ biến đối với nhiều bạn trẻ khi họ gặp phải những dấu hiệu như “ngủ rất nhiều nhưng vẫn không hết buồn ngủ”, hay “rất khó để có thể đi vào giấc ngủ”,...
Chứng rối loạn chu kỳ giấc ngủ này bắt nguồn từ việc thức khuya hay làm việc theo ca, khiến nhịp sinh học liên tục thay đổi. Điều này gây cho con người cảm giác mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, thiếu tập trung vào công việc và học tập. Ngoài ra, nguyên nhân gây nên chứng rối loạn giấc ngủ còn có thể do căng thẳng quá mức khiến người bệnh rơi vào tình trạng mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, khó có thể ngon giấc và thường hay mộng mị về đêm. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, cao huyết áp, hen phế quản,... cũng thường xuyên rơi vào tình trạng này.
Đây có lẽ là những dấu hiệu đã quen thuộc đối với nhiều bạn trẻ khi chính họ là những người thường xuyên phải chịu nhiều áp lực trong công việc, học tập, phải “ngủ ngày, cày đêm”. Bạn N.T.H.L. (20 tuổi, sinh viên) chia sẻ: “Một ngày của mình thường kéo dài từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm vừa đi học, vừa đi làm. Thời gian đêm khuya cũng là lúc mình hoàn thành ca dạy cuối cùng. Sau đó, mình mới làm bài tập, chạy deadlines và có các hoạt động giải trí khác….”
L. đã duy trì thói quen này từ khi lên đại học và giấc ngủ của L. thường kéo dài từ 1 giờ đêm cho đến 10 giờ sáng hôm sau. Tuy vẫn đảm bảo thời gian ngủ trong 1 ngày từ 8 - 9 tiếng nhưng L. vẫn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tập trung và mong muốn được ngủ. Thậm chí, có những lúc đi ngủ sớm nhưng cũng không thể ngủ được. Thế nhưng, L. lại nhầm tưởng rằng đây là đồng hồ sinh học của mình mà không biết rằng mình đang gặp chứng rối loạn giấc ngủ.
Cũng giống như L., rất nhiều bạn trẻ khác gặp tình trạng tương tự nhưng hầu hết họ đều lựa chọn giải pháp tạm thời là uống thuốc an thần. Tuy nhiên, chính phương thức này đã để lại hệ lụy khôn lường cho sức khỏe của người trẻ mà họ không hề hay biết.
Thực chất, việc các bạn trẻ tự ý mua và sử dụng thuốc an thần thường xuyên sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc, tác dụng thuốc bị giảm, từ đó khiến việc điều trị rối loạn giấc ngủ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, thuốc an thần còn có nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe người trẻ như lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức và sinh sản trong tương lai.
Bạn T.V.K (21 tuổi, sinh viên) thường xuyên sử dụng thuốc an thần để điều trị tình trạng mất ngủ của mình, chia sẻ: “Mặc dù mình biết thuốc an thần không tốt và sẽ có những tác dụng phụ, nhưng nó lại khiến mình dễ dàng ngủ ngon hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngày trước mình uống nửa viên là có thể ngủ được nhưng bây giờ có lúc mình uống 1 viên vẫn cảm thấy chưa thực sự đủ”. Đây cũng chính là một biểu hiện của việc lạm dụng thuốc an thần dẫn đến tình trạng người bệnh bị chai thuốc, nhờn thuốc và không cảm nhận được tác dụng hiệu quả của thuốc như lần đầu sử dụng.
Có thể thấy, thuốc an thần được coi như là “thần dược” giúp các bạn trẻ trong thời gian ngắn, trị được căn bệnh mất ngủ của mình. Thế nhưng, nó lại gây ra hệ lụy vô cùng nguy hại tới sức khỏe người trẻ lâu dài. Thậm chí, nếu sử dụng thường xuyên còn có thể gây ra rối loạn tâm thần - căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, thuốc an thần khi dùng quá liều còn có thể gây ra tử vong. Người ta ước tính rằng, cứ 10 người dùng thuốc quá liều thì có 1 người sẽ chết. Ranh giới giữa việc dùng thuốc để chữa bệnh và quá liều có thể gây tử vong dường như rất mong manh. Vì vậy, các bạn trẻ trước khi sử dụng thuốc nên tìm hiểu loại thuốc mình uống là gì, hỏi ý kiến của bác sĩ về cách sử dụng và liều dùng để thuốc an thần trở thành công cụ hỗ trợ giúp chữa bệnh chứ không phải loại thuốc gây nguy hiểm cho con người.
Giải pháp giúp người trẻ có giấc ngủ ngon mà không lạm dụng thuốc an thần
Khi bản thân gặp vấn đề, mỗi người đều luôn đi tìm những phương pháp để có thể điều trị. Đối với chứng rối loạn giấc ngủ, việc người trẻ tìm đến thuốc an thần cũng là một cách mà họ đi tìm lời giải cho căn bệnh của mình. Tuy nhiên, sự lựa chọn này chưa thực sự tối ưu và mang lại hiệu quả. Để giải đáp thắc mắc đó, dược sĩ Lê Thị Quỳnh Trang đã chia sẻ, đưa ra những hướng đi giúp các bạn trẻ có thể ngủ ngon hơn mà không cần lạm dụng thuốc:
“Mình nghĩ rằng để hạn chế việc mất ngủ thì các bạn trẻ nên dừng hẳn việc uống thuốc an thần mà thay vào đó là học cách thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường chỗ ngủ sao cho yên tĩnh, thoải mái nhất, học cách điều chỉnh thời gian đi ngủ và thức dậy để tạo ra sự ổn định hàng ngày. Trước khi đi ngủ, các bạn nên hạn chế sử dụng thiết bị có ánh sáng xanh và tiêu thụ đồ uống có chứa chất kích thích hay nicotine. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể kết hợp với việc tập yoga, thiền định để bản thân được thư giãn nhất. Ngoài ra, các bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh để tìm hiểu nguyên nhân để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, tránh lạm dụng thuốc an thần mà "tiền mất tật mang".”
Có thể nhận thấy rằng, việc dùng thuốc an thần để trị bệnh mất ngủ của các bạn trẻ hiện nay là một phương pháp không khoa học. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, cách tốt nhất là bạn nên hiểu rõ chính mình. Khi nhận thấy một dấu hiệu bất thường nào có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, chúng ta nên thăm khám và chữa trị kịp thời, không để tình trạng lạm dụng thuốc diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngọc Ánh (Báo Truyền hình CLC K41-Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()