Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 16:13 (GMT +7)
Nông dân Quảng Ninh vượt khó
Thứ 7, 03/07/2021 | 08:34:05 [GMT +7] A A
"Cơn lốc" dịch tả lợn châu Phi tràn vào tỉnh năm 2019 khiến cho tổng đàn lợn giảm đi trên 46%. Đại dịch toàn cầu Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, làm kiệt quệ sức tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân… Đó là những khó khăn rất lớn tác động đến nông dân Quảng Ninh. Trong bối cảnh ấy, bằng sự nỗ lực, những cách làm sáng tạo và sự trợ lực từ phía Hội Nông dân các cấp, người nông dân Quảng Ninh đã vươn lên làm chủ, duy trì và phát huy hiệu quả sản xuất, trở thành những nông hộ thu nhập cao.
Nông dân tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp chuyên ngành
Chi hội chăn nuôi lợn xã Hải Xuân, TP Móng Cái có 14 thành viên, hoạt động hiệu quả kể từ khi thành lập đến nay, doanh thu của mỗi hội viên đạt trên dưới 500 triệu đồng/năm/hộ, lợi nhuận đạt 40-60% doanh thu. Tham gia Chi hội, các hội viên có thể chung nhau mua cám để giảm giá, thống nhất không xuất lợn phá giá, sớm thông báo cho nhau khi xuất hiện dịch bệnh, trao đổi kiến thức phòng dịch, kiến thức sử dụng thuốc thú y, các hộ chăn nuôi lợn thịt khi có nhu cầu cần con giống thì thông báo để các hộ chăn nuôi lợn nái cung ứng...
Giống như vậy, Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng phường Bình Ngọc, TP Móng Cái hiện cũng là “mái nhà chung” để trên 12 hộ nuôi tôm sinh hoạt. Nhờ liên tục trao đổi thông tin với nhau, tương hỗ nhau trong quá trình nuôi, thu hoạch, tiêu thụ, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung về nguồn nước cấp vào, cấp ra, xử lý dịch bệnh, cải tạo hạ tầng... nên các thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng phường Bình Ngọc đã nâng cao doanh thu, lợi nhuận. Các vụ tôm gần đây, các hội viên trong Tổ đều thắng lớn, có hộ đạt doanh thu nhiều tỷ đồng.
Thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp theo từng ngành nghề, mô hình sản xuất cụ thể là một trong những đổi mới của Hội nông dân từ cấp tỉnh đến cơ sở thời gian qua. Nếu như trước đây các hội viên tham gia phần nhiều là không cùng ngành nghề nên khó trao đổi, thì nay chỉ là những hộ cùng ngành nghề, có chung kiến thức, chung mục tiêu nên hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 50 chi, tổ hội nghề nghiệp với gần 1.000 hội viên tham gia. Cách làm này, không chỉ tạo sân chơi cho các hội viên hiểu nhau, cần nhau, gặp gỡ, giao lưu, mà còn thúc đẩy sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi, quy mô lớn, tập trung, chuyên nghiệp.
Tận dụng triệt để các kênh hỗ trợ để phát triển
Để khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh, ngoài thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân từ cấp tỉnh đến cơ sở thời gian qua đã bám sát định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chuyên môn, với các địa phương để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, đào tạo nghề cho nông dân, chuyển giao KHKT cho nông dân, quảng bá xúc tiến thương mại nông sản, xây dựng các mô hình sản xuất điểm để nông dân học tập, khuyến khích mô hình trả chậm, triển khai chương trình “nông dân dạy nông dân làm giàu”... Riêng kết quả về hỗ trợ nông dân vay vốn trong 3 năm qua của Hội nông dân các cấp rất đáng phấn khởi, là trợ lực quan trọng để nông dân làm chủ mô hình sản xuất và hội nhập thị trường.
Từ kênh tổ tiết kiệm và vay vốn Hội nông dân, bà Phạm Thị Ươm, xóm Đanh, xã Tiền An, TX Quảng Yên đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Yên và Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Từ nguồn lực này, bà Ươm cải tạo mảnh vườn hoang 4.000m2 thành vườn cây na bở với trên 1.000 gốc. Ngay từ năm thứ 2, bà Ươm đã được thu na bói, năm nay bước sang năm thứ 3, dự đoán sản lượng vườn na mang lại cho bà Ươm gần 4 tấn quả, doanh thu trên dưới 300 triệu đồng.
Tại xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, hội viên Vũ Văn Tuân cũng được Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Yên cho vay 800 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi chim bồ câu lấy giống. Do được đầu tư bài bản, mô hình sản xuất này nhanh chóng hoạt động ổn định, hiện mang lại nguồn thu từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, các nguồn vốn thông qua các kênh vay vốn của Hội nông dân đã và đang hỗ trợ rất thiết thực cho nông dân sản xuất, là tư liệu sản xuất bảo hộ cho sự thành công của nông dân. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, tính đến hết tháng 5/2021, tổng dư nợ các nguồn vốn, quỹ mà nông dân vay vốn là 1.856 tỷ đồng, với trên 24.000 lượt hộ nông dân vay. Bao gồm Quỹ hỗ trợ nông dân 48 tỷ đồng, ủy thác qua Ngân hàng Agribank là 733 tỷ đồng, ủy thác qua Ngân hàng CSXH là 1.075 tỷ đồng. Các hội viên nông dân cũng tự đóng góp hỗ trợ vốn cho nhau với tổng giá trị 1 tỷ đồng.
Đáng nói từ các nguồn trợ lực nói trên, trong hơn 2 năm qua, nông dân Quảng Ninh đã và đang vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi, đại dịch Covid-19 trên người để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tính đến nay, số lượt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn tỉnh đạt gần 47.000 hộ, chiếm 78% số hộ đăng ký, trong đó 300 hộ có thu nhập mỗi năm từ 1 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, 3.000 hộ thu nhập mỗi năm từ trên 500 triệu đồng trở lên, số còn lại thu nhập dưới 500 triệu đồng/năm.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()