Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:31 (GMT +7)
Làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân
Chủ nhật, 27/10/2024 | 09:00:39 [GMT +7] A A
Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực quan trọng đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vừa tuyên truyền, vận động, cổ vũ nhân dân hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với trên 70 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực làm tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Những lễ hội, ngày hội truyền thống văn hóa, lịch sử được tổ chức hiệu quả, nhiều lễ hội được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc (Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu...).
Đồng thời, một số lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như Lễ hội Xuân Yên Tử, Carnaval Hạ Long, Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Hội trà hoa vàng... Từ đây, tạo ra không gian văn hóa đặc sắc để nhân dân, du khách có cơ hội được sinh hoạt, tìm hiểu, lan tỏa, quảng bá và góp sức bảo tồn, gìn giữ kho tàng văn hóa độc đáo, đặc trưng mỗi vùng miền trong tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, sôi nổi và rộng khắp trên cả tỉnh. Trung bình mỗi năm có hơn 500 buổi diễn văn nghệ quần chúng và hàng trăm buổi liên hoan, hội thi, hội diễn; hầu hết các thôn, khu đều thành lập các đội văn nghệ phục vụ sinh hoạt văn hóa, biểu diễn các dịp lễ, tết…
Các chương trình văn nghệ được tổ chức rộng khắp dành cho mọi đối tượng, lứa tuổi và ngày càng được nâng cao chất lượng, tạo sân chơi giao lưu lành mạnh, bổ ích, thu hút sự quan tâm theo dõi, cổ vũ của đông đảo nhân dân. Tiêu biểu như: Liên hoan Tiếng hát khu dân cư, Liên hoan văn nghệ các nhà văn hóa thôn, khu, Giai điệu tuổi hồng, Họa mi vàng, Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, Liên hoan nghệ thuật quần chúng ngành Than…
Không chỉ ở các đô thị, hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật còn được đẩy mạnh tổ chức tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, vùng xa của tỉnh. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng thông tin, văn hóa giữa các vùng miền, lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Thực tế cho thấy, các địa phương có phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, để phát triển, lan tỏa rộng khắp, sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tại khu dân cư, tỉnh đã quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Hết năm 2023, tại cấp tỉnh có hệ thống thiết chế Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu Liên hợp Thể thao tỉnh. 13/13 địa phương cấp huyện có thư viện, 12/13 địa phương có cơ sở vật chất Trung tâm văn hóa thể thao; toàn tỉnh có 75/177 nhà văn hóa cấp xã; 1.448/1.452 nhà văn hóa thôn khu.
Ngoài ra, còn có hệ thống thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân, viên chức và người lao động; hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Bên cạnh các thiết chế văn hóa, thể thao do nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế văn hóa, thể thao do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng ngày càng phát triển, đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân và tạo thành các điểm tham quan du lịch độc đáo trên địa bàn.
Hoạt động phát triển văn hóa đọc, phục vụ bạn đọc trong hệ thống thư viện tiếp tục được duy trì từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, 100% thành phố, huyện, thị xã, trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, 80% nhà văn hóa xã có tủ sách. Sự xuất hiện văn hóa đọc trên không gian internet cũng đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng thông tin, tri thức khổng lồ đến với đông đảo người đọc. Theo các báo cáo số liệu thống kê hằng năm, số lượng bạn đọc truy cập thư viện điện tử của Thư viện tỉnh mỗi năm lên đến gần 40.000 lượt.
Bằng sự đầu tư, quan tâm thỏa đáng cho phát triển văn hóa của tỉnh, đời sống tinh thần, nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện bảo tồn, phát huy, “đánh thức” các giá trị văn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch tại Quảng Ninh.
Duy Khoa
- Sôi nổi Liên hoan văn nghệ các nhà văn hóa thôn, khu
- Trao giải Liên hoan văn nghệ các Nhà văn hóa thôn, khu tiêu biểu tỉnh
- Tiên Yên: Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
- Đêm văn nghệ Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động TX Quảng Yên năm 2024
- Sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ ở Tổng Công ty Đông Bắc
- Giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”
- Giao lưu văn nghệ tại khu công nghiệp Đông Mai
Liên kết website
Ý kiến ()