Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:22 (GMT +7)
Làm rõ thêm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ
Thứ 3, 15/02/2022 | 16:08:17 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Về 12 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn 3 nhóm vấn đề để quy định cụ thể, còn các quy định khác đã được quy định rõ trong các luật khác thì không cần quy định lại.
Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, các đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng. Các cơ quan đã tiếp thu, chỉnh lý tương đối rõ trong dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị rà soát, làm rõ thêm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định, tránh chồng chéo với các lực lượng khác; cần thể hiện lại Điều 8, Điều 10, Điều 12 cho gọn và rõ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.
Về quyền hạn của cảnh sát cơ động, các đại biểu nhất trí rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đã thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, không chồng chéo với các lực lượng khác.
Các đại biểu cũng lưu ý, do việc thực hiện quyền hạn của cảnh sát cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ nên cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tính cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn; bảo đảm tính khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như vấn đề huy động, vào trụ sở của cơ quan, nơi ở của cá nhân…
Về việc phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì, phối hợp các lực lượng khác trong thực hiện các nhiệm vụ.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả của công an trong tình hình mới có đề cập tới việc tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, khủng bố; bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại toàn bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động xem đã bảo đảm nguyên tắc nêu trên hay chưa. Với nội dung của Nghị quyết số 40, lực lượng cảnh sát cơ động được lập ra chủ yếu để thực hiện nội dung công tác chống bạo loạn, khủng bố. Lực lượng cảnh sát cơ động có tính đặc biệt nên đặt ra yêu cầu về tính cơ động cao và tính tinh nhuệ để đáp ứng yêu cầu tại những điểm nóng về phòng, chống khủng bố, bạo loạn.
Theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, lực lượng an ninh và lực lượng cảnh sát đã làm nhiệm vụ thường xuyên ở địa bàn; các lĩnh vực, các xã, phường đã có công an chính quy; từ huyện tới tỉnh, Bộ Công an đều có lực lượng an ninh và lực lượng cảnh sát. Do vậy, cảnh sát cơ động phải là lực lượng cơ động, tinh nhuệ để thực hiện nhiệm vụ chống bạo loạn, khủng bố.
Các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và dự thảo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã bám sát Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng an ninh nhân dân, trong đó có ưu tiên xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động tiến liên hiện đại.
Các đại biểu đề nghị tập trung phân tích, làm rõ hơn lý do không quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật; cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà pháp luật khác có liên quan chưa quy định…
Kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp Ban Soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng văn bản; tổ chức hội thảo, tọa đàm trước khi gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc có xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hay không; tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()