Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:14 (GMT +7)
Làm sao để “hồi sinh” di sản làng chài trên Vịnh Hạ Long?
Chủ nhật, 15/10/2023 | 06:37:49 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 9 vừa qua, nhà bè bảo tồn lớp học nổi trên Vịnh Hạ Long đã bị đổ nghiêng, chìm một phần xuống biển. Điều đáng nói là, không chỉ lớp học mà nhiều công trình nổi trên biển thuộc tổ hợp sản phẩm du lịch tái hiện không gian văn hóa làng chài xưa trên Vịnh Hạ Long, cũng nằm trong nguy cơ tương tự, vì thực trạng xuống cấp, không được tu bổ, sửa chữa lâu nay.
Nguy cơ đáng báo động
Qua tìm hiểu cho thấy, gần chục năm nay, kể từ khi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân Cửa Vạn và Vung Viêng sau khi di dời lên bờ vào năm 2014, cho đến nay, khoảng một nửa số này đã bị hỏng hóc, chìm đắm và được thanh lý. Số nhà bè còn lại cũng chỉ được sửa chữa nhỏ vào năm 2019.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, khá lo lắng: Xuống cấp, lại chịu tác động của sóng gió, mưa bão tự nhiên, số nhà bè còn lại nếu không nhanh, khẩn trương đầu tư tu bổ, nâng cấp thì cũng có nguy cơ cao vì bị hỏng hệ thống phao, trụ đỡ, sẽ lại chìm giống cái nhà kia...
Cùng với các nhà bè vốn là nhà ở của ngư dân Cửa Vạn và Vung Viêng trước đây, Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn nằm trong hệ thống nhà bè là tổ hợp sản phẩm du lịch tái hiện không gian văn hóa làng chài xưa trên Vịnh Hạ Long, cũng trong thực trạng không mấy lạc quan. Công trình này được đầu tư xây dựng và khánh thành vào năm 2006 từ nguồn kinh phí khoảng hơn 410.000 USD, do Na Uy tài trợ, có tổng diện tích mặt sàn nổi là 420m2. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật gốc, trong đó có nhiều hiện vật cách đây cả nghìn năm về di sản Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, công trình còn trưng bày sưu tập hiện vật các ngư cụ đánh bắt truyền thống, các tư liệu về đời sống văn hoá tinh thần của các thế hệ ngư dân Hạ Long xưa nay. Qua đó tái hiện được một bức tranh toàn cảnh, góc nhìn sinh động về cuộc sống của ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, được Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á trao bằng công nhận nỗ lực bảo tồn tốt nhất khu vực Đông Nam Á năm 2009.
Sau này, vào năm 2017, công trình được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiến hành di chuyển từ vụng Tùng Sâu (nằm ở phía cuối khu vực làng chài Cửa Vạn cũ) ra khu vực trung tâm làng chài, cách vị trí cũ khoảng 800m, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và trải nghiệm các dịch vụ hơn. Công trình cùng với khu nhà nổi của làng chài Cửa Vạn - Vung Viêng, nơi nhiều lần được vinh danh là làng chài đẹp trên thế giới bởi vẻ đẹp yên bình, thơ mộng và lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, đã mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long. Đó là trải nghiệm tham quan mô hình lớp học nổi, xem người dân trình diễn hò biển, hát giao duyên, hát đám cưới trên vịnh, tham quan kết hợp trải nghiệm chế tác, sửa chữa ngư cụ truyền thống (đan lờ, vá lưới, đánh lưỡi câu), chèo kayak, thuyền nan...
Khu làng chài, Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn nằm trong hành trình tham quan của tuyến 3 trên Vịnh Hạ Long, gồm nhiều điểm khác như khu vực Rừng Trúc, hang Tiên Ông, Áng Dù, Hồ Ba Hầm, đền Bà Men. Làng chài Vung Viêng thì nằm trong hành trình tham quan của tuyến 4, di chuyển qua các điểm tham quan, như: Hang Cỏ, hang Thầy, khu vực đảo Cống Đỏ, hang Cạp La, Khu sinh thái Tùng - Áng Cống Đỏ, công viên Hòn Xếp, khu vực Vung Viêng. Các tàu nghỉ đêm trên Vịnh thường xuyên đưa khách đến đây tham quan, trải nghiệm vì cảnh quan đặc sắc, dịch vụ trải nghiệm sinh động, hấp dẫn và những điểm nghỉ đêm đẹp trên tuyến.
Qua tìm hiểu cho thấy, các nhà bè chỉ được sửa chữa nhỏ vào năm 2019, còn Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn ngoài việc bảo dưỡng định kỳ hàng năm thì được sửa chữa, nâng cấp một lần vào năm 2017 với nguồn kinh phí hơn chục tỷ đồng. Tuy nhiên, do tác động của Covid-19 thì việc khai thác tuyến du lịch này mấy năm qua gần như bị gián đoạn.
Bởi lẽ, công trình Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn và khu vực làng chài Cửa Vạn - Vung Viêng vốn nằm tương đối xa bờ, việc di chuyển mất nhiều thời gian hơn các tuyến khác, cũng do đặc thù điểm đến nên chủ yếu thu hút các tàu du lịch nghỉ đêm đưa khách nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm là chính. Khi Covid-19 tác động thì lượng khách nước ngoài gần như không còn và ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì sự phục hồi của dòng khách này cũng vô cùng chậm chạp.
Do đó, khu vực này gần như bị “lãng quên” không được bảo dưỡng, sửa chữa, cộng với điều kiện sóng gió trên biển nên nhanh chóng xuống cấp. Công trình lớp học nổi bị đổ nghiêng kể trên chỉ là một minh chứng. Còn Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, một số khu vực được ví như “miếng bánh đa giòn vỡ”, một số điểm đã được Ban quản lý Vịnh chăng dây, cảnh báo du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm... Thực trạng này được không ít phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua.
Gắn di sản làng chài với du lịch
Công trình lớp học nổi bị nghiêng đổ đã được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tháo dỡ sau khi khảo sát, lưu giữ các thông tin, số liệu về nhà bè để làm tư liệu phục vụ cho việc phục dựng sau này. Tuy nhiên, với tổng thể các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long thì giải pháp về lâu dài là gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho hay, đơn vị đã báo cáo với UBND tỉnh để xác định về nguồn vốn, từ đó xác định chủ đầu tư thực hiện việc sửa chữa, phục hồi tổng thể các nhà bè bảo tồn trên Vịnh Hạ Long. Ban cũng đã giao cho đơn vị nghiệp vụ lên một đề án tổng thể đề xuất về việc chống xuống cấp các công trình nổi trên vịnh. Về lâu dài, ông Cường nhấn mạnh, điều quan trọng hơn nữa là song song với việc tu bổ, phục hồi cần có phương án khai thác hiệu quả phục vụ du lịch, từ đó góp phần phát huy bền vững giá trị các di sản nổi trên Vịnh Hạ Long.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về điều này, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long, phân tích: Về bản chất thì di sản là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, không tách rời. Các làng chài trên Vịnh Hạ Long vẫn là một trong những làng chài tiêu biểu của thế giới, là một sản phẩm du lịch đặc sắc, cần phải giữ gìn. Nếu Vịnh Hạ Long chỉ có đá và nước thì khác, nhưng nếu như Vịnh Hạ Long có con người sinh sống thì lại được nhìn dưới một khía cạnh khác. Chính con người sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long, nếu không thì Hạ Long sẽ chỉ có đá và nước. Vậy bằng cách nào? Kể cả là phục dựng, biểu diễn thì nó vẫn là sản phẩm văn hoá được người ta quan tâm. Các làng chài của nhiều nước khu vực châu Á cũng rất đơn sơ nhưng khách du lịch ghé thăm vẫn thích thú, bởi du khách muốn tìm đến cái khác lạ, mới lạ...
Như vậy, việc sửa chữa, phục hồi các công trình này là cần thiết và cần được làm sớm, tránh tiếp tục có thêm những nhà bè bị chìm đắm, hỏng hóc, nhằm bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch vốn chưa nhiều trên Vịnh Hạ Long hiện nay.
Các làng chài, Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn đã từng là những sản phẩm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách. Vì vậy, thiết nghĩ có thể mở rộng triển khai những sản phẩm tham quan, trải nghiệm gắn với không gian này không chỉ phục vụ du khách quốc tế mà cả khách du lịch trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự tham gia cũng cần sự chung tay của cả chính quyền cho tới cộng đồng doanh nghiệp và sự vào cuộc của người dân các làng chài xưa. Qua đó, góp phần phục hồi và phát triển bền vững du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()