Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 19:13 (GMT +7)
Làm sao đếm được số lần sét đánh?
Thứ 5, 06/06/2024 | 23:47:08 [GMT +7] A A
Các thiết bị được lắp đặt tại các trạm quan sát trên mặt đất giúp con người có thể đếm được số lần sét đánh ở một khu vực nhất định.
Theo Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Việt Nam nằm ở trung tâm vùng giông châu Á – một trong ba tâm giông trên thế giới. Để tiến hành nghiên cứu về sấm sét ở Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt mạng lưới máy định vị sét ở một số địa phương.
Nguyên lý hoạt động của máy định vị là sử dụng ăng-ten để thu sóng điện từ do tia sét phát ra. Tốc độ và thời gian giữa hai đỉnh xung của sóng điện từ sẽ được sử dụng để phân biệt sự phóng điện trong đám mây (sét trong mây) và phóng điện xuống đất (sét xuống mặt đất).
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình đo đếm này. Ví dụ như tại điểm lắp đặt, thiết bị đo sét thường bị nhiễu do các vật kim loại ở gần ăng-ten hấp thụ sóng điện từ và phát ra bức xạ. Tín hiệu cũng có thể bị nhiễu bởi các trạm ở gần hoặc sự tương tác với địa hình mặt đất khi sóng truyền từ vị trí bị sét đánh đến trạm.
Vì vậy, trong khi lắp đặt, các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu đã lựa chọn những vị trí tối ưu để thiết bị hoạt động tốt. Ngoài ra khi xử lý dữ liệu, thuật toán thống kê sẽ được sử dụng để loại bỏ các yếu tố nhiễu hệ thống.
Các trạm đo sét này sẽ gửi thông tin tổng hợp về Trung tâm Mạng lưới khí tượng thuỷ văn quốc gia, đồng thời được ghi nhận trên Bản đồ sét. Dữ liệu được cập nhật trên bản đồ và bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy số lượng sét tại từng địa phương cụ thể.
Từ đầu năm 2003, mạng lưới máy định vị sét ngày càng phát triển. Hiện mạng lưới gồm các trạm ở Thái Nguyên, Phú Thủy, Nghĩa Đô (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La), Phú Yên, Bình Thuận và Bạc Liêu. Vì thiết bị có thể đo hoạt động trong bán kính lên tới 400 km nên mạng lưới này phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Ở Hà Nội, đỉnh điểm hoạt động giông là vào tháng 6, tháng 7.
Ngoài ra, mạng lưới máy định vị sét còn giúp các nhà khoa học phân tích cấu trúc giông bão, tốc độ di chuyển và vùng phủ sóng.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()