Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:24 (GMT +7)
Làm thế nào để biết mình bị hack hay Facebook sập?
Thứ 6, 08/03/2024 | 11:21:19 [GMT +7] A A
Không phải lúc nào các nền tảng cũng thông báo rõ và kịp thời lý do người dùng không thể đăng nhập. Điều này khiến nhiều người bối rối và tự hỏi liệu họ có bị hack hay không.
Tối ngày 5/3, hàng trăm nghìn người dùng Facebook, Messenger và Instagram trên toàn cầu không thể truy cập ứng dụng này trong suốt 2 giờ. Người dùng cho biết họ đã thử thoát khỏi ứng dụng và khởi động lại nhưng vẫn không thể đăng nhập. Vì sự cố xảy ra bất ngờ, nên nhiều người lầm tưởng tài khoản của mình bị hack.
"Tôi đang trò chuyện với bạn thì thấy Messenger báo lỗi, rồi yêu cầu đăng nhập lại. Sau khi nhập mật khẩu vài lần nhưng đều báo không thành công, tôi nghĩ tài khoản mình đã bị hack", Hoàng Ngân, người dùng ngụ Quận 2, TP.HCM chia sẻ.
Trên thực tế, nguyên nhân tình trạng gián đoạn diện rộng này nằm hoàn toàn ở phía Meta. Điều này đặt ra câu hỏi rằng khi sự cố xảy ra, làm thế nào người dùng biết được mình bị hack hay lỗi hệ thống. Bạn cần làm gì để kiểm tra xem những khác có bị lỗi truy cập giống mình hay không và đâu là dấu hiệu khác cần chú ý trong trường hợp bị hack?
Kiểm tra số lượng người gặp lỗi giống mìnhNếu hệ thống website gặp sự cố, người dùng có thể nhìn thấy thông báo “Dịch vụ không khả dụng” hoặc “Lỗi 500” trên màn hình. Thông báo có nghĩa là đã có lỗi máy chủ khi trang web hoặc ứng dụng gặp sự cố gián đoạn.
Nếu bạn không thể truy cập một ứng dụng, hãy kiểm tra các chuyên trang báo lỗi dịch vụ như Downdetector.com. Đây là nơi theo dõi tình trạng ngừng hoạt động của các website trực tuyến thông qua các báo cáo từ cộng đồng và theo dõi phương tiện truyền thông xã hội.
Trang web có thể hiển thị khi số lượng người dùng đang gặp phải tình trạng gián đoạn. Không chỉ mạng xã hội, nền tảng này còn theo dõi các trang web lớn, ứng dụng ngân hàng, game…
Đơn cử như vào thời điểm Meta ngừng hoạt động hôm 5/3, Down Detector đã ghi nhận hơn 550.000 báo cáo về sự gián đoạn đối với Facebook và ít nhất 90.000 trường hợp đối với Instagram. Nếu sự cố lan rộng, những người dùng khác có thể đăng tải về các sự cố tương tự trên các nền tảng bên ngoài như X hoặc Reddit.
Lời khuyên là bạn nên chuyển sang các ứng dụng thay thế như nền tảng nhắn tin khác để thực hiện các tác vụ quan trọng, trong trường hợp ngừng hoạt động.
Trước đó, năm 2022, sự cố ngừng hoạt động của WhatsApp trên toàn cầu đã khiến hơn 20.000 người dùng Singapore bị khóa truy cập trong hơn 2 giờ. Theo Google Trends, số lượt tìm kiếm trực tuyến trên toàn cầu về từ khóa “ứng dụng thay thế WhatsApp” đã tăng mạnh.
Kiểm tra email nếu nghi ngờ tài khoản bị hackCòn nếu trong trường hợp lo ngại bị hack, bạn hãy để ý những dấu hiệu như giao dịch đáng ngờ trong ứng dụng ngân hàng. Trước đó, đừng quên kích hoạt tính năng nhận thông báo qua email hoặc SMS do ứng dụng ngân hàng cung cấp.
Khi tài khoản mạng xã hội bị hack, kẻ lừa đảo sẽ đổi mật khẩu tài khoản và đăng xuất khỏi tất cả thiết bị liên kết với tài khoản để ngăn chủ tài khoản truy cập lại. Tin tặc cũng có thể đăng bài viết spam, nhắn tin lừa tiền người quen.
Một số nạn nhân có thể mất quyền truy cập vào tài khoản của họ sau khi rơi vào một trò lừa đảo. Chiêu trò chính của tội phạm dạng này thường là dẫn nạn nhân đến website giả mạo, buộc họ phải đăng nhập. Nhờ đó, những kẻ lừa đảo sẽ dễ dàng lấy được thông tin đăng nhập của họ.
Nếu điều này xảy ra, người dùng sẽ nhận được email từ mạng xã hội, thông báo rằng mật khẩu của họ đã bị thay đổi. Nhưng để phòng trường hợp chính email gửi đến cũng là lừa đảo, bạn hãy đảm bảo xác minh rằng email này đến từ một nguồn đáng tin cậy trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào.
Bật xác thực tài khoản nhiều lớp để phòng hờVới Instagram, khi nhận được email cảnh báo rằng thông tin cá nhân đã bị thay đổi, người dùng nên yêu cầu hoàn tác thay đổi này bằng cách nhấp vào mục "Bảo mật tài khoản của tôi".
Bạn nên yêu cầu liên kết đăng nhập hoặc mã bảo mật từ mạng xã hội. Điều này buộc người dùng phải nhập tên người dùng, địa chỉ email hoặc số điện thoại được liên kết với tài khoản, trước khi được dẫn đến trang thay đổi mật khẩu.
Trong trường hợp bạn vẫn có thể truy cập tài khoản bằng một thiết bị khác, bạn hãy kiểm tra lịch sử đăng nhập của tài khoản trên menu cài đặt của ứng dụng và tìm kiếm các thông tin đăng nhập đáng ngờ.
|
Bạn nên kiểm tra những lần truy cập bằng thiết bị lạ và bật xác thực 2 lớp. |
Đối với Instagram, trung tâm tài khoản trong menu cài đặt sẽ hiển thị thời điểm phát hiện thông tin đăng nhập không xác định được. Ứng dụng cũng hiển thị loại thiết bị và vị trí nơi ứng dụng được truy cập. Người dùng có thể yêu cầu Instagram đăng xuất khỏi tất cả các thiết bị được liên kết với tài khoản.
Lời khuyên là hãy bật cảnh báo bảo mật trên tất cả các nền tảng để được thông báo về bất kỳ thay đổi đối với thông tin đăng nhập tài khoản hoặc những lần đăng nhập đáng ngờ. Để bảo mật hơn, bạn có thể cài đặt xác thực tài khoản nhiều lớp ví dụ như gửi OTP đăng nhập qua SMS hoặc email trước khi người dùng có thể truy cập tài khoản.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()