Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:34 (GMT +7)
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người
Thứ 2, 26/12/2022 | 15:47:17 [GMT +7] A A
Không ít người trên địa bàn tỉnh đã đăng ký hiến tặng mô, tạng và xác sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, cũng như phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Đây là những nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội.
Chị Bùi Thị Thùy Linh (27 tuổi, Văn phòng UBND xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã không ngại ngần chia sẻ khi bản thân đã tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và xác sau khi qua đời. Chị Linh cho biết: "Tôi nghĩ khi mất đi, thân xác sẽ tiêu tan. Vì vậy, tôi đăng ký hiến tặng mô, tạng để có thể tiếp nối sự sống cho người khác. Qua tìm hiểu, một người hiến mô, tạng có thể cứu được cho 5-6 người".
Theo chị Linh, đăng ký hiến tặng xác khó khăn và phức tạp hơn so với đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đăng ký hiến tặng mô, tạng, cá nhân tự đăng ký trực tiếp hoặc qua đường bưu điện với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế, đặt tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội), sau đó chờ nhận thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng. Còn đăng ký hiến tặng xác tại Học viện Quân y; ngoài bản thân trực tiếp đăng ký, còn yêu cầu ký xác nhận của người thân trong gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú. Sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký, Học viện Quân y sẽ cấp thẻ hiến xác có ảnh chân dung, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh. "Tôi đăng ký hiến tặng mô, tạng, xác năm 2019 và được bố, mẹ ủng hộ. Bố mẹ tôn trọng quyền chọn lựa cá nhân làm việc thiện, đóng góp cho xã hội".
Đại úy Lưu Thị Hạnh (34 tuổi, Đội CSGT số 2, Công an tỉnh) đầu tháng 12/2022 đã quyết định đăng ký hiến tặng giác mạc, thận, tim, gan và phổi. Chị cho biết: "Tôi có ý định đến hiến tạng từ khi là sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Lúc đó, đang học Bộ luật Dân sự có quy định việc hiến bộ phận cơ thể người, tôi đã tìm hiểu và thấy rằng việc hiến tặng mô, tạng có thể cứu được rất nhiều người. Ý định đó đến nay tôi mới thực hiện được, mặc dù người thân của tôi đắn đo, không đồng tình".
Chị Hạnh quan niệm: Con người mất đi là hết, nên mình giúp được ai thì cố gắng giúp. Giác mạc của mình hiến tặng cho người khác có mắt sáng để thấy đường đi; tim mình đập trong cơ thể người khác như đang sống thay mình, nên không có gì phải đắn đo suy nghĩ khi hiến tặng mô, tạng. Chị cũng có ý định hiến xác phục vụ nghiên cứu khoa học, nhưng đang phải vận động người thân ủng hộ. Quan niệm của người Việt Nam còn nặng yếu tố tâm linh, nên hiến tặng mô, tạng thật sự là một rào cản không hề nhỏ.
Chị Hoàng Thị Hải (33 tuổi, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) đang tìm hiểu thủ tục để đăng ký hiến tặng mô, tạng, góp phần điều trị, cứu chữa người khác. Chị Hải chia sẻ: "Tôi đang nhờ những người đã đăng ký hiến tặng mô, tạng hướng dẫn các thủ tục. Tôi nghĩ mình cần phải tham gia vì đây là hành động đẹp, thể hiện trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội".
Quan điểm của chị Hải cũng là quan điểm chung của những người tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để tiếp thêm sự sống cho nhiều người. Thời gian qua, có nhiều người trong tỉnh, nhất là người trẻ, đã chủ động đăng ký hiến tặng mô, tạng, xác để đóng góp phục vụ điều trị người bệnh và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, có nhiều người hiến tặng phải chịu áp lực không nhỏ từ gia đình, họ hàng, người xung quanh.
Hiến tặng mô, tạng và xác để tiếp nối sự sống và phục vụ nghiên cứu y học là hành động đẹp, đầy tính nhân văn, đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề này cũng đã có sự chuyển biến tích cực.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()