Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:04 (GMT +7)
Lan toả nguồn vốn tín dụng chính sách
Thứ 6, 23/02/2024 | 13:42:00 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, diện mạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Quá trình tạo nên những đổi thay tích cực đó có phần không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, nhưng đến nay cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt; đường, điện khang trang, những ngôi nhà cao tầng, rộng rãi mọc lên thay thế những ngôi nhà tranh vách đất khi xưa.
Ngồi trong ngôi nhà hai tầng diện tích 300m2 vừa được hoàn thành trước Tết Nguyên đán, anh Triệu A Tài, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc phấn khởi, chia sẻ: Cả đời tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ xây dựng được ngôi nhà khang trang như thế này. Thế nhưng, bằng 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ, tôi đã đầu tư phân bón, nhân công... để chăm sóc 10ha rừng quế, thông, trà hoa vàng. Một phần vốn vay tôi còn đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm, gà giống... Nhờ đó, gia đình tôi đã có việc làm thường xuyên, nguồn thu nhập ổn định 200-300 triệu đồng/năm, nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc, con cái ăn học đầy đủ.
Cũng giống như anh Tài, vài năm trước, ông Triệu Quý Bảo, thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc chẳng dám mơ đến những cánh rừng trù phú, đến nhà cao cửa rộng, cuộc sống đủ đầy. Thế rồi, chính từ Nghị quyết 06 đã mang tới cho ông Bảo cơ hội đổi đời. Bởi từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 06, giờ đây, gia đình ông Bảo đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang và của để dành là những cánh rừng gỗ lớn.
Ông Triệu Quý Bảo cho biết: Nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn chủ yếu từ rừng, trong đó, gia đình tôi có 8ha rừng trồng quế, keo... Được nhà nước cho vay vốn để phát triển rừng, người dân mới có thu nhập, có của ăn của để. Có đường giao thông thuận lợi, giờ lại có vốn làm ăn, người dân trong thôn đua nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa khang trang.
Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là giải pháp then chốt để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng chính sách được coi là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo hiệu quả nhất. Vì vậy, trong năm 2023, ngân sách tỉnh cấp bổ sung 110 tỷ đồng, nâng lũy kế số vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ninh lên 300 tỷ đồng, hoàn thành việc cấp vốn cho vay vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo cả giai đoạn 2021-2025.
Bằng nguồn vốn vay tín dụng chính sách lan tỏa khắp mọi vùng miền của tỉnh, người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã từng bước thay đổi tư duy về cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất.
Anh Phùn Văn Hải, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, cho biết: Bằng 100 triệu đồng nguồn vốn vay tín dụng chính sách, đến nay, gia đình tôi đã phát triển mô hình gia trại với hơn 10.000 con gà Tiên Yên. Đây là giống gà thơm ngon, nhiều người ưa chuộng nên mỗi năm gia trại mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 200-400 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình này, tôi mong muốn tiếp tục được vay thêm vốn để mở rộng gia trại, xây dựng mô hình khép kín, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Giờ đây, khi về với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống của Quảng Ninh... những mảnh ruộng, quả đồi, khu vườn từng bị bỏ hoang hóa đã khoác lên mình tấm áo mới. Đó là màu xanh của những cánh rừng trù phú, màu vàng của vườn cây trĩu quả và cả màu của tương lai đủ đầy đang rộng mở. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 70 triệu đồng/người.
Trong chặng đường mới này, những thách thức vẫn còn ở phía trước, song với quyết tâm của tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội sẽ lan tỏa rộng hơn, sâu hơn, nhanh hơn tới mọi vùng miền của Quảng Ninh, thắp sáng những niềm tin ước mơ làm giàu chính đáng trên quê hương, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống nhân dân.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()