Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 13:17 (GMT +7)
Lan toả niềm tự hào hàng Việt
Chủ nhật, 07/08/2022 | 09:54:29 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Đây là một trong những nhiệm vụ có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng được Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh tập trung thực hiện, góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác tuyên truyền về cuộc vận động đã được các cấp, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tập trung triển khai, với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Đặc biệt với vai trò nòng cốt, Cơ quan Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương phổ biến và chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong CBCC và nhân dân. Đồng thời, vận động các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi thực hiện mua sắm công và trong sinh hoạt hằng ngày. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chia sẻ về triển khai thực hiện cuộc vận động, lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngành công thương tỉnh đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát. Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt chất lượng cao gần hơn với người tiêu dùng. Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công thương (thuộc Sở Công Thương) đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường và quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động phát triển kinh doanh, như: Bán hàng qua Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (www.qnitrade.gov.vn), quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ qua cổng kết nối tiêu thụ của Bộ Công Thương, Internet, website riêng của đơn vị... Qua đó, tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong thói quen tiêu dùng.
Để hàng Việt ngày càng lan toả sâu rộng trong tiêu dùng của người dân trên địa bàn, các nội dung tuyên truyền còn được tích cực truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các chuyên mục của Cổng thông tin điện tử tỉnh; qua các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, tập huấn... Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Pano, khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh phường, xã về nội dung cuộc vận động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng vận động, tuyên truyền tới thành viên Ban chỉ đạo các thị trấn, phường, xã. Trong đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo sát sao các đơn vị có nhu cầu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; đặc biệt đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, trung bình mỗi năm xác nhận và tổ chức trên 15 chương trình hội chợ triển lãm, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản Quảng Ninh; tiếp nhận trên 10.000 hồ sơ thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại trên địa bàn tỉnh. Các hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh trong việc vận động, tuyên truyền doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị, tập huấn tìm hiểu các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ký cam kết doanh nghiệp vì người tiêu dùng...
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân, chất lượng hàng Việt dần được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu chung của người tiêu dùng, giá cả phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân... Về phía doanh nghiệp, đã mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cũng là dịp để doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất kinh doanh của mình đối với người tiêu dùng thông qua việc đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp quản lý, các doanh nghiệp và đông đảo người dân, đến nay, hàng Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Lượng hàng hóa có nguồn gốc trong nước lưu thông trên thị trường Quảng Ninh đang chiếm hơn 80% và có sức tiêu thụ khá tốt.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()