Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:21 (GMT +7)
Lan tỏa phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường
Thứ 3, 05/03/2024 | 11:05:11 [GMT +7] A A
Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, là một trong những vấn đề nóng, luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Để giải quyết vấn đề này thì việc trồng cây xanh là được xem là giải pháp hữu hiệu và tiết kiệm kinh tế. Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và nhất là thực hiện đề án Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc trồng cây, gây rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Là đơn vị khai thác than lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, ngay sau khi dừng khai thác lộ thiên, chuyển sang khai thác hầm lò, Công ty CP than Núi Béo đã tập trung cho công tác hoàn nguyên môi trường, trồng cây phủ xanh khu vực bãi thải và khai trường khai thác.
Tại Bãi thải trong khai trường vỉa 14, hơn 4.000 cây lát hoa và sồi phảng (tương đương 3,6ha cây xanh) đã được Công ty CP Than Núi Béo (TKV) phối hợp cùng chính quyền TP Hạ Long và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tổ chức trồng ngay tại lễ phát động Tết trồng cây năm 2024. Đây là loài cây phù hợp để phát triển thành rừng cây gỗ lớn, từng bước hoàn nguyên, phục hồi môi trường, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện mục tiêu xanh hóa các mỏ than khai thác của TKV, tính đến nay, diện tích cây trồng tại các khu vực đất trống, khai trường, bãi thải của than Núi Béo đã lên đến 114 héc ta với tổng số gần 600 nghìn cây xanh được trồng. Qua đó đã góp phần tạo “lá phổi” xanh cho thành phố Hạ Long và làm đẹp cảnh quan, môi trường khu vực sản xuất.
Không chỉ ở than Núi Béo, những năm qua các đơn vị ngành than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã cùng với tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chủ động triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm xanh hóa môi trường sản xuất than, tích cực đổi mới công nghệ khai thác, ứng dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn vào các công đoạn sản xuất.
Ông Phạm Thế Phi, Phó trưởng phòng Đầu tư Môi trường, Công ty CP than Đèo Nai, TKV cho biết: Là đơn vị khai thác than lộ thiên có khai trường sản xuất rộng, bãi đổ thải tiếp giáp nhiều khu vực dân cư ở TP Cẩm Phả vì vậy việc bảo vệ môi trường, trồng cây xanh đã được Than Đèo Nai quan tâm. Từ năm 2007, Công ty đã tiến hành trồng cây bãi thải Nam Đèo Nai và đến nay đã mọc thành rừng xanh tốt. Hiện nay Công ty tiếp tục đẩy mạnh việc trồng cây tại các khu vực đã dừng khai thác như các bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim và Lộ trí.
Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của ngành than tại Quảng Ninh đạt hơn 1.200ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, ngành than phủ xanh thêm 1.000ha và sẽ kết thúc đổ thải ở các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và quốc lộ 18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh không chỉ cho hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau; được các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, địa phương, nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.
Với nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã giữ vững vị trí là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2020 đến 2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000 ha, trong đó diện tích lim, giổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Trong thời gian tới đây, tỉnh tiếp tục quyết tâm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu trồng 5.000ha rừng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao của tỉnh, phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng; đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, Quảng Ninh đặt ra kế hoạch trồng trên 13.200 ha rừng tập trung.
Tỉnh Quảng Ninh có vùng khai thác, chế biến tiêu thụ than với phạm vi rộng, trải dài từ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác than - khoáng sản, không tránh khỏi việc tác động làm thay đổi môi trường tự nhiên, nhất là ô nhiễm bụi từ các khai trường, bãi thải, khu vực chế biến than, vì vậy việc hoàn nguyên, nhất là trồng cây xanh được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường sống, phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()