Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:03 (GMT +7)
Lan toả giá trị di sản của Yên Tử
Chủ nhật, 09/06/2024 | 09:15:31 [GMT +7] A A
Vào cuối tháng 1 vừa qua, hồ sơ chính thức Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới đã hoàn thành, được gửi sang Trung tâm Di sản thế giới, đảm bảo chất lượng về mặt kỹ thuật, đầy đủ các tiêu chuẩn, thành phần theo quy định. Tới đây, các chuyên gia của UNESCO sẽ sang thẩm định tại di sản. Vì vậy, Quảng Ninh nói riêng và các địa phương, đơn vị có liên quan đang tích cực chuẩn bị các phần việc, trong đó có khâu tuyên truyền nhằm lan toả rộng rãi giá trị di sản…
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Ninh thì từ sau khi nộp hồ sơ, các địa phương đã triển khai một loạt công việc, như công tác truyền thông, chỉnh trang di tích, xây dựng các biển bảng, quy chế, nội quy. Đặc biệt, ngành văn hoá của 3 tỉnh trong vùng di sản là Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã dự kiến xây dựng một hội đồng phối hợp quản lý khu di sản. Đồng thời dự thảo một quy chế quản lý di sản của 3 địa phương. Đơn vị tư vấn cũng triển khai các nội dung liên quan tới thông tin, các nội dung để giải trình, cung cấp thêm cho Trung tâm Di sản thế giới… Các phần việc hiện đang đảm bảo tiến độ, sẵn sàng đón chuyên gia của ICOMOS tới thẩm định thực địa theo dự kiến là vào đầu tháng 8 tới đây.
Chuẩn bị cho đợt thẩm định quan trọng này, để chuyên gia đánh giá đúng, toàn diện về những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của quần thể di sản, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm sẽ có những đợt thông tin rộng rãi về giá trị di sản tới nhiều đối tượng khác nhau, từ lãnh đạo các cấp trên địa bàn 3 tỉnh và tiếp tục tuyên truyền, lan toả rộng rãi nội dung này tới cộng đồng nhằm ủng hộ cho di sản, góp phần bảo vệ cho sự thành công của hồ sơ di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Chia sẻ trong hội nghị tuyên truyền về giá trị di sản tổ chức tại Yên Tử (TP Uông Bí) vào trung tuần tháng 5 vừa qua, PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cũng là đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ quần thể di sản, cho rằng cần tuỳ vào thành phần, đối tượng mà có những yêu cầu nhất định.
Theo ông thì có thể chia ra 4 đối tượng, trong đó lãnh đạo, chính quyền các cấp cần cơ bản nắm được tóm tắt của hồ sơ, câu chuyện di sản, số lượng di tích, cụm di tích thành phần nằm trong hồ sơ di sản dạng chuỗi của Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Cùng với đó là các tiêu chí mà chúng ta lựa chọn; các áp lực, yêu cầu về bảo vệ và quản lý di sản; một số chi tiết về bộ máy quản lý, vì đây là hồ sơ dạng chuỗi liên hoàn, trải rộng trên phạm vi của 3 tỉnh trong 6 khu di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt nên cần có một bộ máy quản lý phù hợp. Vì vậy, câu chuyện cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý di sản này chắc chắn cũng là điều các chuyên gia UNESCO quan tâm khi tới thẩm định hồ sơ.
Đối với cộng đồng dân cư địa phương, nhà sư sống gần di tích ít nhất cũng cần nắm sơ bộ về câu chuyện di sản; các di tích thành phần nơi mình đang sinh sống, trụ trì và các di sản văn hoá phi vật thể đi kèm; thái độ, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng đối với các di tích và cụm di tích trên địa bàn.
Với ban quản lý các khu di tích, ông Văn nhấn mạnh rằng, đây là đối tượng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn các di tích, cho nên yêu cầu ít nhất là cũng phải nắm bắt được những vấn đề giống như lãnh đạo, chính quyền các cấp. Thêm nữa, cần nắm được đặc điểm cụm di tích, di tích mình quản lý, tính toàn vẹn, tính xác thực, diện tích cụm di tích và công tác khoanh vùng bảo vệ di sản, cơ chế phối hợp trong quản lý giữa 3 tỉnh.
Nhóm các chuyên gia tư vấn giữ vai trò rất quan trọng vì sẽ đi cùng với chuyên gia thẩm định của UNESCO để chứng minh, giải thích, trả lời những chất vấn của họ. Vì vậy, yêu cầu nắm được tất cả những nội dung kể trên theo chuyên môn của mình.
Khẳng định sự sẵn sàng của các chuyên gia, PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và cũng là đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ, cho rằng, câu chuyện về quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc rất khó, nếu không nghiên cứu sâu, có tâm thì không dễ để hiểu thấu đáo, tường tận nên phải chia ra các cấp độ khác nhau để nắm bắt, giúp bảo vệ di sản của mình cho tốt trước chuyên gia UNESCO. Cách thức tuyên truyền cần đa dạng, hiệu quả như in tờ rơi, viết những bài đơn giản về giá trị, về nhận diện di sản… rồi tuyên truyền cho bà con. Hay có thể tổ chức những lớp tập huấn ngắn gọn, đơn giản thôi mà đầy đủ, dễ hiểu…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()