Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:56 (GMT +7)
Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ
Thứ 5, 08/08/2024 | 08:26:36 [GMT +7] A A
Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và sự đa dạng của các nền tảng mạng xã hội, việc đọc sách vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng đối với giới trẻ Quảng Ninh trong hành trình học tập, rèn luyện, trưởng thành theo một cách mới và có tính thích ứng cao.
Phong trào “Đi thư viện đọc sách”
Sau khi kế hoạch thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được ban hành ngày 10/8/2021, nhiều hoạt động đầu tư, lan tỏa văn hóa đọc đã được thực hiện với nhiều tín hiệu tích cực, nhằm phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.
Theo thống kê của Thư viện tỉnh, 100% thành phố, huyện, thị xã, trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, 80% nhà văn hóa xã có tủ sách. Các thư viện cơ sở đều chú trọng đẩy mạnh hoạt động thư viện gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh (năm 2020, năm 2021); Hội sách Quảng Ninh (năm 2020, năm 2022); Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời... Tổ chức thường xuyên, đồng thời các hoạt động trưng bày, triển lãm trực tiếp và trực tuyến nhằm phục vụ bạn đọc trên khắp cả nước, đẩy mạnh công tác liên thông thư viện trong và ngoài tỉnh...
Bên cạnh mô hình thư viện truyền thống, các mô hình đọc sách hiện đại cũng thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Đáng kể như "Không gian cà phê sách" là một trong những dự án độc đáo vừa được Thư viện tỉnh triển khai đầu tháng 6 vừa qua. Với đặc điểm vị trí ngay gần kề Vịnh Hạ Long xinh đẹp, không gian rộng rãi, thoáng mát, kết hợp cùng trên 300 cuốn sách hay và có giá trị, Thư viện tỉnh đã xây dựng mô hình với nhiều tâm huyết của các cán bộ thủ thư, từ thiết kế không gian đến chọn sách để trưng bày, để sách có thêm một cơ hội mới đến với độc giả.
Bạn đọc đến "Không gian cà phê sách" cũng có thể tài trợ và quyên góp sách để các thủ thư phân loại, chọn lọc, tổng hợp và gửi tặng các thư viện, tủ sách vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa lan toả văn hoá đọc, mà còn thể hiện trách nhiệm sẻ chia cộng đồng trong lĩnh vực thụ hưởng văn hoá.
Trong sự phát triển chung đó, nhận thức của xã hội về đọc sách cũng ngày càng được chuyển biến tích cực, nhất là với độc giả là thanh, thiếu niên. Theo Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thủy, không chỉ bạn đọc cao tuổi, những người hưu trí mới có nhiều thời gian đến thư viện, đối tượng trẻ tuổi là học sinh, sinh viên cũng rất cần được đọc sách để bổ sung kiến thức ngoài nhà trường. Do đó, Thư viện tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc phục vụ đối tượng bạn đọc trẻ tuổi, nhất là trong dịp hè. Với diện tích 200m2, phòng đọc sách dành cho thiếu nhi của Thư viện tỉnh được thiết kế theo không gian mở với phong cách hiện đại, yên tĩnh, bảo đảm phục vụ cùng thời điểm cho 400-500 học sinh. Thư viện Quảng Ninh cũng được đánh giá là một trong những phòng đọc dành cho thiếu nhi hiện đại nhất trong hệ thống thư viện cấp tỉnh trên toàn quốc.
Riêng với các độc giả là học sinh THPT, các đầu sách học tập, ôn thi mới nhất liên tục được cập nhật để các em có cơ hội tiếp cận và cập nhật kiến thức. Trong mùa ôn thi THPT quốc gia vừa qua, Thư viện tỉnh luôn đón một lượng lớn học sinh đến đọc sách, ôn luyện và tự học với tinh thần rất nghiêm túc, văn minh. Đây là hình ảnh đẹp về sự phát triển của văn hóa đọc trong thế hệ tương lai đất nước.
Cân bằng kỹ năng đọc trong thời đại số
Thực tế hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức đọc và sách giấy không còn vị trí độc tôn. Thói quen đọc sách cũng bắt đầu thay đổi, ngày càng nhiều người tiếp cận với thói quen đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ. Ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội với những nền tảng cung cấp các video ngắn như Tiktok, Facebook cũng khiến cho quá trình tiếp thu thông tin của nhiều học sinh, sinh viên bị ngắt quãng và khó tập trung sâu. Sự đồng hành của nhà trường, gia đình trong việc hình thành văn hoá đọc là điều rất quan trọng.
Như thường lệ, mỗi giờ Hóa học của thầy Bùi Minh Tú, giáo viên Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) sẽ luôn bắt đầu với những câu hỏi kiến thức thực tiễn và quen thuộc trong đời sống hằng ngày để học sinh có nhiều liên tưởng đến những kiến thức đã học trong sách và tự đọc thêm.
Là một thầy giáo rất quan tâm đến việc khuyến khích học sinh tự học và tự đọc bằng cách tiếp cận thiết thực, kiên trì, thầy Tú cho biết: Trong mỗi bài giảng, tôi luôn cố gắng định hướng, động viên học sinh tìm hiểu thêm kiến thức ngoài sách vở, có thể minh họa bằng các hình ảnh, video sinh động. Chẳng hạn như khi dạy phân môn Hóa học trong bộ môn Khoa học tự nhiên cấp THCS, tôi sẽ kết nối các kiến thức hóa học với một số quy tắc vật lý, hay như kiến thức hóa học cấp THPT gắn liền với các vấn đề môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo động lực cho học sinh tìm hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về những kiến thức đưa ra.
Do đặc thù học sinh nội trú ở lại trường nên không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu nội dung, thầy Tú và các giáo viên trong trường còn hướng dẫn các em tìm kiếm sách báo, tạp chí về các bộ môn tại thư viện của trường, giúp học sinh tạo thói quen đọc và học tại thư viện, hay làm việc nhóm ngoài giờ trên lớp về những nội dung các thầy cô giao tự tìm hiểu, khám phá và tổ chức trình bày, thảo luận trước lớp để tăng tính chủ động trong tiếp thu kiến thức.
Cũng đồng tình với nhận định thói quen đọc cần được hình thành theo cả một quá trình, Nguyễn Trần Huyền Trang, học sinh lớp 12C9, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) được mẹ khuyến khích và đồng hành khám phá từng trang sách, từng cuốn truyện từ khi còn học tiểu học. Mẹ của Trang cũng là một người rất thích đọc sách, đặc biệt là những cuốn truyện văn học kinh điển, do đó, mẹ chính là người truyền động lực cho em một cách kiên trì và bền bỉ.
Nguyễn Trần Huyền Trang cho biết: Khi còn là học sinh tiểu học em đọc rất nhiều, nhưng từ năm lớp 9 em có điện thoại thông minh nên rất say mê khám phá "thế giới màn hình" đó. Lên lớp 10 em gặp trở ngại khi quay lại với đọc sách vì thường không thể tập trung thời gian dài vào trang chữ và cảm thấy khá mệt. Mẹ em đã đồng hành cùng đọc với em, sau đó cùng nhau “bàn chuyện” về nội dung của cuốn sách vừa đọc, như về cốt truyện trong truyện văn học, cuộc đời thật của các nhân vật trong sách viết về người nổi tiếng hay các thông tin bổ ích trong sách khám phá tự nhiên… Dần dần em đã cân bằng được khả năng đọc trên giấy và trên màn hình với độ tập trung cao hơn, từ đó hiểu sâu kiến thức, thông tin hơn. “Không ngại đọc” chính là yếu tố quan trọng giúp em kết nối mình với khối lượng kiến thức khổng lồ ngoài sách vở, em hy vọng sẽ luôn tìm ra những điều thú vị qua các trang sách để dần trưởng thành và lựa chọn con đường phát triển phù hợp với chính mình trong tương lai.
Thói quen đọc khi đã được rèn luyện một cách bền bỉ sẽ trở thành một lối tư duy không ngại tìm hiểu, khám phá kiến thức mới và dám thay đổi, thích ứng với những điều mới. Nguyễn Anh Đức, sinh viên K62 Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), cựu học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long khóa 2020-2023 vừa đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của trường. Nguyễn Anh Đức là số ít thí sinh đoạt giải nghiên cứu khoa học khi mới học năm nhất đại học do đây là cuộc thi có tính học thuật cao, đòi hỏi sinh viên có tích lũy kiến thức lớn, nên thông thường phải từ năm 2 hoặc năm 3 các thí sinh mới bắt đầu tham gia. Nói về kỹ năng nghiên cứu khoa học, Nguyễn Anh Đức chia sẻ: Hành trình làm nghiên cứu khoa học ở đại học của em chính là sự nối tiếp chặng đường tự học, tự đọc đã rất quen thuộc từ khi còn học phổ thông.
Nguyễn Anh Đức có thói quen đọc từ hồi học tiểu học, từ những cuốn truyện tranh cho đến các bộ sách về khám phá tự nhiên. Dần dần Đức hình thành phản xạ nếu thấy nội dung gì khó hiểu, hoặc còn nhiều thắc mắc trong đời sống, trong các bài học, sẽ đọc thêm sách báo, các kênh thông tin trên mạng Internet để tìm hiểu. Đặc biệt là những năm học chuyên Anh tại Trường THPT chuyên Hạ Long, chương trình học môn chuyên đòi hỏi hiểu biết sâu không chỉ về kiến thức ngôn ngữ, mà còn cần kiến thức xã hội, Đức đã chủ động đọc khá nhiều những nội dung liên quan bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, như tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kinh tế học…
Khi quyết định lựa chọn ngành học Kinh tế Quốc tế tại đại học, từ năm lớp 12, Đức đã tự tìm hiểu về kiến thức kinh tế học, tham gia cuộc thi Olympic Kinh tế học (VEO) dành cho học sinh THPT và đã tích lũy được vốn kiến thức về kinh tế học nền tảng ngay từ khi còn học lớp 12.
Nguyễn Anh Đức hy vọng rằng thói quen đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi sẽ không chỉ đồng hành cùng em trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại đại học, mà còn cả quá trình làm việc sau này để trở thành một người luôn cầu thị, có tư duy đổi mới, cập nhật với sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay.
"Hãy chọn một cuốn sách, bắt đầu lật giở những trang sách và hít thở bầu không khí trong lành từ tri thức. Điều này sẽ nuôi dưỡng bạn cả hiện tại và tương lai" - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay đã từng chia sẻ. Do đó, có thể thấy những nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, giới trẻ nói riêng chính là những quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trên con đường phát triển, hội nhập, góp phần hiện thực hóa quan điểm “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” như Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Phương Loan - Hùng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()