Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 19:46 (GMT +7)
Làng, bản văn hoá - Một công hai lợi ích
Chủ nhật, 12/04/2020 | 06:14:54 [GMT +7] A A
Tính cho đến nay, các làng, bản văn hoá đã được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục đích của các mô hình này ngoài bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc còn là những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nói cách khác, việc này là một công hai lợi ích.
Ở quy mô quốc gia, có Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội), giới thiệu những đặc trưng văn hoá của 54 dân tộc anh em cư trú trên đất nước Việt Nam. Ở các tỉnh đều có các mô hình này, có nơi được xây dựng và gọi theo những tên khác nhưng cùng mục đích, ý nghĩa như Khu du lịch cồn Phụng (Bến Tre), Khu du lịch Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), Buôn Đôn, Buôn Jun - Buôn Lê (Đắc Lắk), làng ra Trà Quế (Quảng Nam), bản Bàng (Thanh Hoá), làng rối nước Thanh Hải (Hải Dương)...
Du khách nước ngoài tham quan làng quê Yên Đức (Đông Triều). Ảnh: Lý Xuân Thành (chụp tháng 9/2019). |
Đặc biệt, đối với các tỉnh miền núi - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, các mô hình bản văn hoá rất phát triển. Mường Lò, Yên Bái có bản Sà Rèn, bản Chao Hạ, bản Đêu; Hoà Bình có bản Mai Châu, bản Giang Mỗ, bản Luỹ, bản Trụ; Sơn La có bản Hua Tạt, bản Lướt, bản Bon; Điện Biên có bản Che Căn, bản Mến v.v..
Phần lớn những bản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số này được lựa chọn xây dựng đề án, mô hình là những bản của một nhóm cộng đồng dân tộc chiếm từ 85% dân số của thôn, bản ấy, hoặc là bản người Thái, người Mông, hoặc của người Mường... Dân số đông, ổn định là những điều kiện để các làng, bản văn hoá lưu giữ được những nét văn hoá đặc trưng là những sinh hoạt hàng ngày, phương thức sản xuất, canh tác, nghề truyền thống, phong tục cưới hỏi, ma chay, tín ngưỡng v.v..
Thực tế đến nay chứng minh, việc xây dựng các làng, bản văn hoá mang lại rất nhiều hiệu quả, ý nghĩa cả hiện tại và lâu dài. Trong những “bảo tàng” này, những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc được bảo tồn tối đa, tức là giữ gìn các giá trị văn hoá gốc có tính chân - thiện - mỹ, sàng lọc, loại bỏ các yếu tố thừa, không phù hợp. Cái hay là không chỉ người trong làng, bản văn hoá ấy mà ngay cả người dân các khu dân cư trong vùng qua đó cũng nâng cao nhận thức, từ đó có ý thức, trách nhiệm hơn đối với việc bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của ông cha mình, làng xã mình.
Chị em phụ nữ người Dao, xã Húc Động (Bình Liêu) trong ngày hội hát tháng ba. Ảnh: Trần Minh (chụp tháng 2/2019). |
Và một ý nghĩa quan trọng khác, các làng, bản văn hoá này là những sản phẩm du lịch bền vững, ngày càng hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Nhiều du khách nước ngoài đến Hội An rất thích thú mua tour để được đến làng Trà Quế trải nghiệm một ngày làm nông dân trồng rau. Nhiều người rất thích khám phá văn hoá, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, càng giữ được tính nguyên gốc càng hay.
Quảng Ninh những năm qua cũng đã có một số làng, bản văn hoá được xây dựng theo mô hình này. Tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Tại Bình Liêu, huyện đã có ý định xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và bản văn hóa người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động. Tại Tiên Yên, Khu văn hóa - thể thao dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình tại xã Phong Dụ cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. Tại Đông Triều, Công ty CP Du thuyền Đông Dương đã đầu tư xây dựng Yên Đức trở thành một làng văn hoá thuần Việt, thu hút nhiều du khách quốc tế đến tìm hiểu về văn hoá đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.
Nhìn chung, dù đã được xây dựng, đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai và quá trình hoạt động còn có những vấn đề cần phải sửa, bổ sung nhưng có thể thấy việc xây dựng các làng, bản văn hoá là một định hướng, chủ trương đúng, mang lại nhiều ý nghĩa. Hy vọng, trong tương lai, Quảng Ninh sẽ có thêm những làng, bản văn hoá, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, vừa góp thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, bền vững cho du lịch Quảng Ninh.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()