Tất cả chuyên mục

Mỗi năm học mới đến, hầu hết các em học sinh đều được bố mẹ mua cho sách giáo khoa, đồ dùng học tập... Và bộ sách giáo khoa cũ của năm học trước mặc dù vẫn còn dùng được, nội dung kiến thức cũng không thay đổi nhưng đa phần bị xem như giấy vụn. Đây là sự lãng phí rất lớn.
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 8A2, Trường PTCS Bãi Cháy cho biết: “Mỗi khi kết thúc năm học, em thường giữ lại sách giáo khoa cũ vì tiếc không muốn bán đồng nát. Nhưng cũng chỉ giữ được khoảng 2 năm thì lại phải bán đi vì để lại cũng chẳng biết làm gì. Mỗi bộ sách như vậy cũng chỉ bán được khoảng hơn chục nghìn, mặc dù sách còn rất mới và kiến thức trong sách chẳng có gì thay đổi...”.
![]() |
Sách giáo khoa cũ chỉ được bán như giấy vụn. |
Thầy Phạm Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Trãi (TP Hạ Long) cũng cho biết: “Chúng tôi khuyến khích học sinh sử dụng sách cũ cho năm học mới, miễn là sách của các em đảm bảo đúng với chương trình năm nay và không bị rách nát. Việc sử dụng sách cũ cũng không làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập của các em mà còn góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí cho phụ huynh. Vào cuối mỗi năm học trường cũng có chương trình thu gom sách giáo khoa cũ của học sinh để dành hỗ trợ cho học sinh các vùng khó khăn nhưng cũng không nhiều mỗi lớp chỉ được khoảng 3, 4 bộ. Thực tế thì mỗi năm, một lượng lớn sách giáo khoa cũ của các em học sinh bị bán làm giấy vụn rất lãng phí nhưng vì trên địa bàn thành phố Hạ Long không có cửa hàng sách cũ hay chương trình trao đổi, mua bán sách nào nên cũng đành bỏ”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thành phố Hạ Long 2 năm trước Công ty CP Sách và Thiết bị Quảng Ninh đã có chương trình thu mua sách giáo khoa cũ sau đó bán lại cho các bạn học sinh có nhu cầu sử dụng. Nhưng đến nay công ty không thu mua nữa. Lý do chính theo anh Nam, một nhân viên của Công ty cho biết: “Chúng tôi đã thu mua được rất nhiều sách cũ nhưng sau đó không bán đi được do có ít phụ huynh có nhu cầu mua sách cũ cho con mà tâm lý chủ yếu là sử dụng sách mới”. Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long không còn cửa hàng nào thu mua sách giáo khoa cũ nữa. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Hội Đồng đội tỉnh cũng đã có chương trình “Kết nghĩa Liên đội”. Chương trình đã quyên góp nhiều bộ sách giáo khoa cũ của học sinh ở các huyện, thị xã, thành phố ở vùng xuôi để giúp đỡ cho các em học sinh tại các vùng núi, biên giới, hải đảo. Việc làm này không những tăng được tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau của các em học sinh mà còn giúp các em hiểu được ý nghĩa của những bộ sách giáo khoa cũ. Nhưng chương trình cũng chỉ mới dừng ở mức độ ủng hộ, các em học sinh tham gia chưa nhiều.
Không có chỗ “dụng võ”, sách giáo khoa cũ trở thành mặt hàng đồng nát. Anh Nguyễn Văn Hải chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại Cột 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, cho biết: “Một kg sách cũ thường được mua với giá khoảng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng tuỳ loại giấy. Thời điểm từ cuối năm học đến đầu năm học mới là lúc chúng tôi thu mua được nhiều sách giáo khoa nhất. Một ngày có khi được vài trăm kg do những người mua phế liệu rong mang về hoặc các em tự mang tới bán, trong đó có khá nhiều bộ sách còn mới. Số sách này được đóng bao và bán cho các cơ sở chế biến giấy ở Hà Nội hoặc Hải Phòng”. Anh còn cho biết thêm, số sách này bị xếp vào hàng giấy vụn chỉ có thể đem nghiền ra để tái chế giấy tại các nhà máy giấy. Nhiều khi thấy những bộ sách giáo khoa còn gần như mới anh cũng thấy tiếc lắm nhưng mà có giữ cũng chẳng biết để làm gì.
Vào mỗi năm học mới những phụ huynh có con em đi học lại phải lo một khoản tiền không nhỏ cho việc mua sắm sách vở, quần áo và tiền đầu năm học. Ví dụ như năm học 2012-2013 này, trên toàn tỉnh có hơn 200.000 học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông. Cứ mỗi năm học mới đến thì hơn 200.000 học sinh này lại phải thay sách giáo khoa. Một bộ sách giá thấp cũng khoảng gần 100.000 đồng, cao thì hơn 200.000 đồng/bộ. Cùng với sách giáo khoa lại đi kèm với nhiều đầu sách tham khảo. Có những môn học có tới cả chục đầu sách tham khảo. Như vậy chi phí cho tiền mua sách giáo khoa cho năm học mới mỗi học sinh cũng khoảng 300.000 đến hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, sách giáo khoa cũ vẫn còn dùng được thì lại trở thành giấy vụn.
Tại nhiều tỉnh, thành lân cận khác như: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… có rất nhiều những cửa hàng mua bán, trao đổi sách giáo khoa cũ. Cứ năm học mới đến các em học sinh ở đây lại ra những hàng sách cũ này để trao đổi hoặc mua những bộ sách cũ về học tiết kiệm được 40% đến 50% chi phí. Hiện nay các địa phương của Quảng Ninh chưa có ai đứng ra kinh doanh sách giáo khoa cũ. Vì vậy, các trường, các phòng giáo dục cũng nên xem xét, phát động các chương trình trao đổi, thu gom sách giáo khoa cũ đã qua sử dụng cho học sinh phổ thông để giảm sự lãng phí.
Hoàng Trình
Ý kiến ()