Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 13:44 (GMT +7)
Lành mạnh hóa môi trường hoạt động báo chí
Thứ 6, 17/07/2020 | 08:25:51 [GMT +7] A A
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành công văn (số 2595/BTTTT-CBC) gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí về việc phối hợp triển khai quy hoạch báo chí.
Công văn nêu rõ, để đảm bảo thực hiện mục tiêu, phương án và lộ trình quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp, quy hoạch khẩn trương gửi hồ sơ về Bộ TTTT để tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.
Đặc biệt, công văn cũng cho biết, thời gian qua, Bộ TTTT nhận được nhiều phản ánh về tình trạng phóng viên được Tổng biên tập hoặc người được giao quyền ký giấy giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tác nghiệp, đăng tải tin, bài về các vấn đề không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, trái với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định trong Luật Báo chí.
Việc nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích.
Mặt khác, khi tiếp xúc, cung cấp thông tin, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền yêu cầu nhà báo, phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu còn thời hạn và ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung gì, thời gian cụ thể.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về Đường dây nóng của Cục Báo chí (Bộ TTTT) hoặc Đường dây nóng của Sở TTTT địa phương để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Bộ TTTT cũng đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo sâu sát, bảo đảm các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích từ quá trình tác nghiệp của phóng viên cho đến nội dung tin, bài được đăng tải trên các sản phẩm báo chí...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, không ít các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của một số báo, tạp chí đã viết tin, bài phản ánh với những nội dung không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo của mình. Trong đó đáng nói là có tình trạng chạy theo các tin giật gân, câu khách, không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đưa vào tin, bài những chi tiết, hình ảnh thiếu tính nhân văn, không có tính xây dựng, không có tác dụng định hướng dư luận... làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân có liên quan, tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên còn có hiện tượng, hành vi sách nhiễu, tống tiền đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Những việc làm tiêu cực, trái pháp luật này đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những nhà báo chân chính, chấp hành tốt quy định của pháp luật, của Luật Báo chí...
Vì vậy, với việc Bộ TTTT ban hành công văn nói trên tin rằng sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động báo chí, ngăn chặn, đẩy lùi những việc làm sai trái, hành vi vi phạm pháp luật, không đúng tôn chỉ, mục đích trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Và để trật tự trong hoạt động báo chí được tăng cường hơn nữa, bản thân từng cơ quan báo chí và các cơ quan chủ quản báo chí cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành để đảm bảo cho các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng. Bên cạnh đó cũng rất cần sự quan tâm giám sát của người dân để hoạt động báo chí chấp hành đúng theo khuôn khổ của pháp luật...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()