Tất cả chuyên mục

Ông Lê Trọng Mỹ năm nay đã bước sang tuổi bát tuần và đã có gần 60 năm trong nghề gốm...
Bắt đầu từ năm 1959, ông Lê Trọng Mỹ học nghề gốm từ nghệ nhân Cao Cáp Hoả (dân địa phương quen gọi là cụ Hào), là một giáo viên trường kỹ nghệ của Pháp ở Mạo Khê (Đông Triều). Sau này, thầy Hào về Hà Nội làm giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp thì ông Mỹ theo học tiếp từ thầy Hoàng Bá Huy, chủ nhiệm HTX Gốm sứ Đông Thành, người có công mang kỹ thuật làm gốm nặng lửa từ Móng Cái về thành lập làng gốm Đông Triều và Mạo Khê. Cũng có thể coi ông Mỹ là người đã tiếp nối cụ Huy gìn giữ dòng gốm này đến tận bây giờ.
![]() |
Nghệ nhân Lê Trọng Mỹ giới thiệu một số tác phẩm điêu khắc của mình. |
Ông Mỹ cho biết, dòng gốm sứ nặng lửa có ưu điểm là bền chắc, chống chịu va đập tốt. Với vốn liếng học được từ thầy Hào, thầy Huy và nhiều nghệ nhân khác, ông Lê Trọng Mỹ vào làm thợ HTX Gốm sứ Đông Thành, là Phó Chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật của HTX suốt từ năm 1962 đến năm 1994. Trong hơn nửa thế kỷ làm nghề gốm, ông đã đào tạo truyền dạy cho hơn 120 người thợ; từng phối hợp với Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội mở lớp trung cấp nghề gốm sứ cho hơn 20 công nhân có tay nghề cao sản xuất gốm sứ xuất khẩu. Ông cũng là người kèm cặp dìu dắt nhiều công nhân của các HTX gốm sứ ở nhiều địa phương như sứ Sông Lam, sứ Ninh Bình, sứ Đường Vòng (Hải Dương), sứ Yên Bái, sứ Cẩm Khuê (Phú Thọ) v.v.. Chưa dừng lại ở đó, ông Mỹ còn tham gia xây lò gốm cho sứ An Dương (Hải Phòng), sứ Hưng Hà (Thái Bình), sứ Cẩm Khuê (Phú Thọ).
Trong quá trình công tác ở HTX Gốm sứ Đông Thành, ông Mỹ chịu khó đổi mới mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra luôn bắt kịp thị hiếu của khách hàng, xuất khẩu đi nhiều nước. Sau khi nghỉ hưu ông và các con của mình đã thành lập Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu tại cụm công nghiệp Kim Sơn (TX Đông Triều). Sản phẩm gốm hiện nay của gia đình ông bao gồm rất nhiều chủng loại khác nhau như: Bát đĩa, ấm chén, lọ hoa, chum vại, chậu cảnh v.v.. Tiêu biểu nhất trong các mặt hàng xuất khẩu là bộ chậu thống men lam. Ông Mỹ đã có đề tài báo cáo tổng kết ở Hiệp hội Gốm sứ miền Bắc về kỹ thuật nung than thay củi, có đề tài cấp Bộ về cải tiến lò nung xuất khẩu. Ông đã phục chế thành công cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bộ lục bình men lam có từ thời Lý.
Tận dụng nguồn đất sét tốt, cùng hệ thống lò nung nhiệt độ cao, ông Lê Trọng Mỹ còn mải mê dành thời gian cho việc sáng tạo tượng gốm. Ông bảo ông sản xuất gốm đại trà để mưu sinh, còn làm tượng gốm điêu khắc cho thoả cái đam mê sáng tạo. Khi nào có dịp triển lãm thì ông gửi đi, có ai thích mua thì ông bán… Đến nay, ông đã sáng tạo được khoảng 80 mẫu tượng gốm điêu khắc các loại. Ông cũng đã bán được hơn 30 mẫu. Tượng gốm của ông có chủ đề phong phú, từ nàng Bạch Tuyết, Bảy chú lùn đến Thuý Kiều đánh đàn, Chí Phèo, Thị Nở v.v.. Đến nay, nghệ nhân Lê Trọng Mỹ đã có nhiều tác phẩm điêu khắc được trao giải thưởng các loại như: Tượng “Mẹ con”, tượng “Mũ rơm đi học”, tượng “Sau giờ trực chiến” v.v.. Ông có 3 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bộ bát điếu, bộ đồ đựng rượu và bộ đồ ăn men lam. Năm 1987, ông Lê Trọng Mỹ được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân gốm sứ cấp tỉnh...
Hải Dương
Ý kiến (0)