Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:52 (GMT +7)
Lập lại trật tự giao thông đường thủy, vệ sinh môi trường ven bờ Vịnh Hạ Long
Thứ 3, 15/08/2023 | 08:37:53 [GMT +7] A A
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, vệ sinh môi trường trên Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long đang tập trung rà soát, sắp xếp, di dời và xử lý các phương tiện thuỷ neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ. Việc này sẽ được thành phố duy trì thường xuyên để giữ gìn và phát huy giá trị của Di sản.
Theo rà soát sơ bộ, trên địa bàn TP Hạ Long hiện có rất nhiều loại phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, bao gồm: 650 tàu cá, 506 tàu du lịch, 64 đò, 50 phương tiện tàu hàng thường xuyên hoạt động dọc sông Diễn Vọng, chưa kể đến các tàu công tác, tàu biển trong nước và quốc tế thường xuyên cập vào các cảng, bến.
Đáp ứng nhu cầu neo đậu cho các tàu thuyền trên Vịnh, thành phố đã cơ bản bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng với 12 khu neo đậu, trên 50 điểm neo đậu kết hợp tránh trú bão cho tàu thuyền trong vùng nước cảng biển, 2 cảng bến tàu du lịch với sức chứa khoảng 2.000 tàu du lịch. Các vùng nước tại khu vực bến tàu hàng dọc sông Diễn Vọng với sức chứa khoảng 40 phương tiện. Do đó, tình hình neo đậu của các tàu du lịch, tàu hàng trên vịnh Hạ Long cơ bản đã đi vào trật tự, ổn định, ít xảy ra những vi phạm về trật tự giao thông đường thuỷ.
Tuy nhiên các tàu đánh bắt thuỷ, hải sản, các phương tiện cung ứng, hậu cần tại một số nơi ven bờ vịnh Hạ Long, đặc biệt là khu vực vùng đệm tiếp giáp luồng đường thuỷ nội địa Bài Thơ - Đầu Mối (thuộc địa giới hành chính các phường Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai, Yết Kiêu) vẫn tồn tại tình trạng vi phạm về neo đậu. Do các vị trí này là khu vực trung tâm, thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển thuỷ, hải sản cho các tiểu thương vào các chợ Hạ Long I để tiêu thụ và đây cũng là thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân đã được hình thành từ rất lâu.
Thống kê sơ bộ có khoảng 400 phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản cùng các phương tiện cung ứng, hậu cần neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh, gây mất an toàn giao thông đường thuỷ, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực trung tâm thành phố. Đáng chú ý là trên các tàu có nhiều gia đình ngư dân sinh sống, mọi sinh hoạt đều diễn ra ngay trên tàu. Mặc dù Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố vẫn duy trì thu gom rác tuy nhiên do các phương tiện tập trung tại đây đều là các tàu, thuyền vỏ gỗ cỡ nhỏ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom chất thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng thường xuyên có mùi hôi thối kèm rác thải, chất thải rắn trôi nổi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, gây ấn tượng xấu tới khách du lịch khi tham quan qua những khu vực này. Mặt khác, nhiều tàu đánh bắt thuỷ, hải sản ở các địa phương khác lợi dụng việc neo đậu, tránh trú bão để biến vùng Vịnh Hạ Long thành ngư trường đánh bắt thuỷ, hải sản trái phép gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ hệ sinh thái biển.
Với quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, vệ sinh môi trường ven bờ Vịnh Hạ Long, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long và giữ gìn cảnh quan, môi trường thành phố, cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 315/KH-UBND về việc triển khai rà soát, sắp xếp di dời và xử lý các phương tiện thuỷ neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh Hạ Long.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ ngày 1/8, các lực lượng chức năng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức ký cam kết đối với các chủ phương tiện thủy về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, vệ sinh môi trường, chủ trương của thành phố trong việc bố trí, sắp xếp các điểm neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định và tiến hành xử lý các phương tiện neo đậu, bám buộc vào thành cầu, lan can, bờ kè để bốc dỡ hàng hoá, hải sản từ phương tiện lên bờ cũng như các phương tiện giao thông đường bộ dừng đỗ không đúng nơi quy định để cung ứng, vận chuyển cho các phương tiện tàu thuyền.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Trước mắt, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng các phương tiện tàu, thuyền neo đậu không đúng nơi quy định tại khu vực phường Bạch Đằng (xung quanh khu vực vùng nước gần cầu Bài Thơ I, chợ Hạ Long I, Trung tâm thương mại Vincom), tiếp đến là các khu vực vùng nước thuộc địa giới hành chính các phường Hồng Gai, Hồng Hải, Hồng Hà, Yết Kiêu, Hà Tu, Hà Phong. Sau ngày 30/8/2023, UBND các phường có trách nhiệm tiếp tục duy trì lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đối với các vùng nước ven bờ thuộc địa giới hành chính quản lý.
Ghi nhận thực tế trong 2 tuần đầu ra quân của thành phố cho thấy, các chủ phương tiện đều cơ bản ủng hộ chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, các chủ các phương tiện cũng đưa ra ý kiến là 2 khu vực neo đậu theo quy định của thành phố là bến neo đậu tàu thuyền Cái Xà Cong (phường Hà Phong) và khu vực bến cá (phường Cao Xanh) đều khó đảm bảo an toàn và gây nhiều khó khăn cho ngư dân khi đưa phương tiện vào neo đậu.
Anh Nguyễn Văn Dương (chủ tàu cá trú tại phường Bạch Đằng), cho biết: Cảng cá Sa Tô nằm sâu trong vịnh Cửa Lục và là hạ lưu của 6 con sông đổ về (Lưỡng Kỳ, Diễn Vọng, Vũ Oai, Đá Trắng, sông Trới và sông Mằn). Khi thuỷ triều xuống, nước từ 6 dòng sông đổ về khiến cho luồng vào rất xiết, các phương tiện nhỏ, nhất là thuyền câu rất khó di chuyển ngược lên. Lúc triều cường, luồng qua Cửa Lục cũng vô vàn khó khăn do gặp sóng to, nước xoáy. Còn đối với cảng Cái Xà Cong, việc đưa phương tiện vào neo đậu càng khó khăn hơn. Vào những ngày nước cạn, khu vực này hầu như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì luồng vào vừa hẹp lại bị bồi lắng nên không ít lần tàu thuyền đâm va vào đá ngầm gãy chân vịt, bục đáy. Còn phương tiện có công suất lớn thì không vào được do ở khu vực cửa vào có rạn san hô nhô lên rất cao.
Việc cấm neo đậu tàu thuyền ven bờ Vịnh Hạ Long là giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường khu vực vùng ven biển, thế nhưng để quy định này được các chủ phương tiện đồng thuận và chấp hành nghiêm túc, thành phố cần tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng hạ tầng neo đậu, tránh trú bão của phương tiện tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long để tổ chức, sắp xếp cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền khi vào neo đậu. Từ đó giảm thiểu và tiến tới xoá bỏ tình trạng đánh bắt thuỷ, hải sản trái phép trong vùng Vịnh Hạ Long, chấm dứt tình trạng các tàu cá tại địa phương khác đến Vịnh Hạ Long neo đậu, đánh bắt thuỷ hải sản trái phép gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ hệ sinh thái biển.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()