Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 00:19 (GMT +7)
Lấp lánh vẻ đẹp tranh Đông Hồ trên chất liệu bột điệp
Chủ nhật, 30/06/2024 | 09:59:42 [GMT +7] A A
Tranh Đông Hồ - dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc với sức sống lâu bền và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, đã gợi cảm hứng sáng tạo cho nhiều bạn trẻ. Xuất phát từ tình yêu và mong muốn gìn giữ dòng tranh này, một nhóm bạn trẻ tại TX Quảng Yên đã thử nghiệm phóng tác trên chất liệu mới là bột điệp, khoác lên tranh Đông Hồ vẻ đẹp mới, lấp lánh và sinh động hơn.
Tranh dân gian Đông Hồ là một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam, bên cạnh tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình. Những bức tranh Đông Hồ quen thuộc như Vinh hoa - Phú quý, Đàn lợn âm dương, Vinh quy bái tổ, Đàn gà, Cá chép trông trăng… đã được nhóm 3 bạn học sinh Trường THCS Sông Khoai (TX Quảng Yên) phóng tác thành công trên chất liệu bột điệp.
Dưới ánh điệp, những sắc màu rực rỡ, tươi vui trong tranh càng trở nên đẹp và có hồn hơn. Đây cũng là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh TX Quảng Yên dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Thầy giáo Đinh Công Tuyến, giáo viên mỹ thuật của nhà trường chính là người đã rất thành công với dòng tranh bột điệp và cũng truyền cảm hứng để các bạn học sinh hiện thực hóa ý tưởng kết hợp tranh Đông Hồ với chất liệu bột điệp. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy, các bạn đã rất khéo léo, tỉ mỉ nghiên cứu cách vẽ, cách phủ bột điệp để sản phẩm trở nên hoàn thiện và đẹp hơn.
Thầy giáo Phạm Việt Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sông Khoai, cho biết: Nội dung phóng tác tranh Đông Hồ trên chất liệu bột điệp này có sức lan tỏa rất lớn trong học sinh nhà trường. Việc làm mới chất liệu cho tranh tạo ra cho các bạn niềm đam mê hứng thú tìm hiểu và lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.
Để tạo ra được những bức tranh này phải trải qua các công đoạn từ vẽ nét, tô màu đến phủ điệp cho tranh. Các bạn sử dụng những tấm màng điệp có độ trong suốt nhất định đặt lên bề mặt bản in tranh gốc và dùng màu acrylic vẽ nét theo để tạo nên bản nét trên màng điệp. Lớp màng điệp này được tạo ra bằng cách phủ keo lên tấm mika và rắc điệp lên.
Bản nét khi đã hoàn thiện sẽ tiến hành tô màu cho tranh. Tất cả những chi tiết cùng một màu sẽ được tô một lần. Hết màu này mới chuyển sang màu khác. Cuối cùng là bôi keo và rắc một lớp bột điệp phủ lên tranh để tranh có độ bắt sáng, lấp lánh hơn.
Bột điệp được nghiền từ vỏ con điệp vốn là một nguyên liệu rất sẵn có của vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên. Nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này đã trở thành chất liệu độc đáo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vừa mang màu sắc dân gian vừa thể hiện những sáng tạo nghệ thuật đương đại.
Đến nay, các thành viên trong CLB Mỹ thuật của nhà trường đều rất thích thú với việc tạo ra những tác phẩm tranh Đông Hồ trên chất liệu bột điệp. Em Phạm Thị Lan Phượng, học sinh Trường THCS Sông Khoai, bày tỏ: Tranh dân gian Đông Hồ đang ngày càng bị mai một nên chúng em muốn mọi người biết đến dòng tranh này nhiều hơn và hiểu hơn về giá trị của văn hóa dân gian Việt Nam.
Còn em Bùi Thanh Hiền, chủ nhiệm CLB Mỹ thuật nhà trường, thì chia sẻ: Chúng em đã được thầy Đinh Công Tuyến hỗ trợ để phóng tác thành công những bức tranh dân gian Đông Hồ nhằm quảng bá cũng như tạo tính mới cho dòng tranh này. Chúng em hy vọng những tác phẩm này sẽ được đông đảo mọi người đón nhận.
Như vậy, với ý tưởng sáng tạo độc đáo, các bạn học sinh Trường THCS Sông Khoai đã tạo ra một cách làm mới có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, vẫn đảm bảo giá trị nghệ thuật của dòng tranh dân gian truyền thống, đồng thời làm nên những bức tranh Đông Hồ với vẻ đẹp mới trên chất liệu bột điệp. Qua đó, góp phần lan tỏa sức sống của dòng tranh này, để mỗi bạn nhỏ thêm yêu và trân trọng hơn những giá trị tinh hoa mà cha ông ta để lại.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()