Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:56 (GMT +7)
Lấy phiếu tín nhiệm: “Thước đo” công tác cán bộ
Thứ 3, 03/10/2023 | 14:03:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện đang tổ chức triển khai kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị bảo đảm thực chất, hiệu quả theo Quy định số 96-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 313-KH/TU ngày 29/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Cuối tháng 9 vừa qua. Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị Ban Chấp hành để lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch Hội LHPN và các Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Hội nghị được tổ chức nghiêm túc, trách nhiệm đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan, minh bạch. Các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, thảo luận kỹ càng và tiến hành bỏ phiếu cho các đồng chí được lấy phiếu theo 3 mức độ: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện nghiêm theo Quy định số 96-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 313-KH/TU ngày 29/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Trần Thị Việt Dung, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp (Hội LHPN tỉnh), cho biết: Với trách nhiệm là người ghi phiếu được tham gia các hội nghị, các bước quy trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, tôi thấy các hội nghị đều được triển khai nghiêm túc, bài bản, từ công tác chuẩn bị cho đến thực hiện các quy trình. Diễn biến hội nghị rất dân chủ, khách quan, minh bạch. Với trách nhiệm được giao, cá nhân tôi rất khách quan, công tâm trong việc ghi phiếu đối với những người được lấy phiếu.
Kết quả được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và uy tín của các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Đồn, khẳng định: Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của người ghi phiếu đánh giá cán bộ và từ đó qua lá phiếu mong muốn các đồng chí được lấy phiếu sẽ tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Cùng với Hội LHPN tỉnh, tính đến thời điểm này các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã cơ bản hoàn thành các hội nghị, các bước lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Đối với chức danh do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu hoặc phê chuẩn, tiến hành thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cuối năm 2023. Đối với chức danh lãnh đạo cấp uỷ các cấp, tiến hành sau khi HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Kế hoạch số 313 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm gồm 2 nội dung: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Người được lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa"; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác.
Đặc biệt, kết quả phiếu tín nhiệm lần này còn được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Cụ thể, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Với việc đổi mới đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Qua đó, góp phần làm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, thực chất và khách quan.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()