Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:03 (GMT +7)
“Lễ hội Bạch Đằng nếu chỉ chìm đắm trong chiến thắng thôi thì chưa đủ…”
Chủ nhật, 30/05/2021 | 06:57:04 [GMT +7] A A
PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hoá, trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.
- Qua tìm hiểu về lễ hội Bạch Đằng, ông nhận thấy lễ hội có những điểm đặc sắc nào?
+ Ngay từ khi tôi còn 7-8 tuổi thôi thì bài thơ Bạch Đằng giang phú đã ăn sâu vào tâm khảm rồi. Với lớp người thế hệ chúng tôi là nó theo suốt cả cuộc đời.
Nhưng nói về lễ hội Bạch Đằng, nếu chúng ta chỉ chìm đắm trong chiến thắng thì chưa đủ đâu, mặc dù chiến thắng này quá lớn, có thắng được trận này thì người Việt anh hùng mới đứng vững ở mặt đất này, ngược lại thì chưa chắc đất nước chúng ta đã còn như ngày nay.
Ai cũng biết rằng, Bạch Đằng giang là một cửa ngõ để vào nước ta, nơi quân giặc có thể ra vào được, cho nên đây cũng là cửa ngõ để tiêu diệt ý chí xâm lược của quân địch, mà rõ ràng là chúng ta đã làm được.
Chiến thắng Bạch Đằng giang là chiến thắng của toàn dân, vì với chiến trận này nhà Trần đem về đây sức mạnh của toàn dân tộc chứ không phải của riêng người Yên Hưng (nay là Quảng Yên - PV). Nhưng người Yên Hưng là người cầm ngọn cờ đầu trong trận quyết chiến này và chiến công này được giao trách nhiệm cho người Yên Hưng thực hiện kỷ niệm nó hàng năm.
Mỗi một lễ hội là diễn lại lòng tin của con người vào chiến thắng và lòng biết ơn của thế hệ sau hướng tới thế hệ trước. Chẳng hạn như đối với Đức thánh Trần hay Vua Bà ở Lễ hội Bạch Đằng, nó vừa có tính chất là của đất nước, đồng thời đầy tính chất dân gian.
Những sự kiện này luôn được duy trì, nhắc nhở, ai đến đây cũng đều hết sức xúc cảm, vì chiến thắng, vì lòng người hướng đến quá khứ, vì người Việt mình hiểu rằng, muốn bước vào tương lai một cách chắc chắn thì bắt buộc phải ngoái nhìn quá khứ và nhất là quá khứ oai hùng này thì người Việt không thể không tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước. Đó là một điểm rất đẹp của lễ hội.
Với lễ hội này, chúng tôi cũng quan tâm đến những cư dân ở đây. Họ có một tư duy rất sâu sắc rằng chiến tranh không phải là cái chính mà cái quan trọng với người Việt là chiến tranh để xây dựng. Và người Việt duy trì lễ hội để giữ tinh thần, tình cảm của mình, tức là tự hào với truyền thống nhưng không chỉ là truyền thống về chiến tranh mà tự hào cả về sản xuất, cho nên là người Việt tôn sùng các thần linh mà thần linh của người Việt rất gần với con người.
Các cụ ta thời Lê sơ viết trên bia rằng: Anh tú của đất trời là sông núi mà anh tú của sông núi là thần linh, mà thần linh thì có nhiệm vụ đem mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi đến cho con người. Vậy nên giữa sản xuất và chiến tranh, hay giữa dựng nước và giữ nước thì người Việt lấy cái xây dựng làm trọng, chứ không phải ngủ mê trên chiến thắng đâu.
Chúng tôi còn chú ý đến cả tâm tính của con người trong lễ hội này. Khi chiến thắng quân giặc, họ đã biểu hiện một tinh thần nhân ái, nhân đạo cao độ. Họ không chỉ tôn vinh những người chiến thắng, những người đã vì dân, vì nước hy sinh mà họ còn cầu cho cả những kiếp đời đã qua, đã trót đi theo quân giặc, hay chính linh hồn của kẻ sang xâm lược bị tử trận cũng thoát khỏi những tai ương về miền cực lạc, thoát khỏi những ám ảnh khổ đau về tội lỗi. Đó là tính nhân ái, nhân đạo cao độ không chỉ trong ứng xử đời thường mà họ còn ứng xử vào đời sống tâm linh. Đó là tâm hồn Việt muôn đời, muôn thuở.
- Nghi lễ rước thần từ đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà về đình Yên Giang và ngược lại là nét rất thu hút trong lễ hội Bạch Đằng. Dưới góc độ khoa học của người làm nghiên cứu di sản, ông có nhận xét gì?
+ Lễ rước thần của lễ hội Bạch Đằng có đặc điểm chung như ở nhiều nơi khác. Ở đây, chúng ta có đền cụ Trần Hưng Đạo, đền nhỏ thôi nhưng giờ mới làm to như thế này, bên cạnh đó là miếu Vua Bà và cách không xa nữa là đình Yên Giang và nhiều đình, đền có liên quan ở khu vực lân cận… Qua đó cho thấy là cư dân nơi đây giữ được truyền thống làng xã, họ đồng thời vẫn giữ được tâm hồn của người sản xuất nông nghiệp với sự trọng thần như trọng một chân lý của cuộc sống.
Như trên tôi đã nói, người Việt luôn tôn trọng thần linh, vì họ nhận thức rằng thần linh phải vì con người mà đem đến mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Do đó, khi nhìn về thần linh, người Việt không có tính chất quy phục một cách thái quá mà đồng nhất thần linh với chính mình, vì cuộc sống mà tồn tại, chứ người Việt không coi thần linh như nhiều cư dân khác là những đấng tối thượng nằm ở đâu đó xa vời để cầu viện…
Vì vậy, với nghi lễ rước ở đây thì người Việt nhằm mục đích đề cao thần linh, và khi rước thần người ta cũng có ý thức tôn trọng thần một cách tối đa, có một sự thông suốt và đẹp đẽ. Lòng người hướng đến thần linh tức là hướng về cái tâm của mình, họ đã chú ý đến từng chi tiết một trong việc rước.
Rước và tế thực chất là chịu ảnh hưởng của thời phong kiến nhưng nó đã được dân gian hoá, đề cao thần. Khi đi như vậy, nếu không ưng ý thì có những phản ứng kiểu như kiệu quay hoặc kiệu bay. Trong hiện tượng kiệu quay, các thần gặp nhau khi đi qua một ngôi đền hay một ngôi chùa nào đó thì kiệu cũng quay 1-2 vòng như là thánh thần chào nhau. Hay là khi họ rước về hồi cung, có một đặc điểm là khi chuẩn bị rước xong thì người ta cũng quay, kiệu cũng quay. Hiện tượng quay hay bay này đó là hiện tượng xuất thần tập thể…
- Chiến thắng Bạch Đằng là chiến thắng của toàn dân, đây liệu có phải là lý do khiến không gian văn hoá Bạch Đằng, việc tôn vinh chiến thắng Bạch Đằng mở rộng ở nhiều địa phương không, thưa ông?
+ Tôn vinh chiến thắng Bạch Đằng thì nhiều nơi cũng làm, vì đó là chiến thắng của toàn dân tộc nên họ quan tâm như vậy. Dân ta đã là người Việt Nam là yêu nước và tự hào với chiến thắng Bạch Đằng thì họ đều hướng đến ngày kỷ niệm này.
Và chúng tôi nghĩ rằng, không một ai có quyền được nghĩ rằng Bạch Đằng là riêng của mình hay của riêng địa phương mình. Và Bạch Đằng càng được nhiều nơi quan tâm, được đề cao ở nhiều nơi thì vinh quang ấy càng lớn, và vinh dự cho người dân Yên Hưng càng nhiều chứ không phải có ở nhiều nơi thì nó giảm bớt đi. Và ở nơi khác có, ở Yên Hưng có thì nó chỉ làm cho ngọn đèn vinh quang ở đất này được sáng tỏ thêm mà thôi.
- Không gian Lễ hội Bạch Đằng bao trùm trong cả quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng tại Quảng Yên, Uông Bí. Ông có suy nghĩ như thế nào về việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích này để người dân có thể cảm nhận và tự hào thêm về chiến thắng của cha ông mình, cũng như giúp phát triển KT-XH địa phương?
+ Cái này nằm ở trong thâm tâm con người, bây giờ phát động được nó lên, đem ứng dụng vào cuộc sống thực tế và tăng cường tuyên truyền để lòng người hướng tới. Khi họ đã hướng tới rồi thì họ sẽ thấy cần phải giữ gìn, bảo vệ và thúc đẩy cho tất cả, trong đó có kinh tế du lịch phát triển.
Đây là loại hình du lịch không chỉ là du lịch gắn với danh thắng mà còn cả văn hoá nữa. Hãy để cho toàn dân biết và cả người nước ngoài biết rằng người Việt Nam ta là ai, khi họ đã hiểu thì tình đoàn kết giữa các dân tộc, tình hữu nghị với người nước ngoài sẽ càng tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng là để cho kẻ nào có dã tâm xâm lược sẽ chùn bước trước hành động sai trái của họ. Cho nên với chiến thắng Bạch Đằng, nếu chúng ta biết khuếch trương lên, nâng tầm lên thì vai trò của nó lớn lắm.
Việc tôn tạo, phát huy thế nào cho xứng tầm căn bản là các bạn phải làm thôi, truyền thông phải góp sức vào, chúng ta phải lăn vào thực tế, từ thực tế sẽ cho chúng ta những bài học, không thể ngồi một chỗ mà kêu gào được, nếu không thì còn lâu mới có thể trở thành hiện thực.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()