Đã trở thành nét đẹp văn hóa từ bao đời nay, mùa xuân đến cũng là mùa của những lễ hội truyền thống đặc sắc trên khắp dải đất hình chữ S. Mỗi vùng quê, làng bản lại có những lễ hội khác nhau, mang đậm màu sắc, dấu ấn văn hóa vùng miền. Lễ hội có thể được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ của nhân dân tới những vị anh hùng đã có công tạo dựng, bảo vệ quê hương, hay tái hiện những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất cùng những mong ước gửi gắm bình an của người dân bản địa...
Lễ hội đình Lục Nà (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Được phục dựng từ năm 2006, đến nay lễ hội đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Đã đến với Bình Liêu nhiều lần, nhưng mỗi lần được khám phá một nét đẹp văn hóa, một lễ hội hay đơn giản chỉ là một món ăn mới cũng khiến chúng tôi không khỏi hào hứng. Đi qua những cung đường uốn ượn, trong tiết trời lất phất mưa xuân hòa cùng bảng lảng mây bay vờn trên đỉnh núi và đượm mùi tươi mới, xanh non của cây cỏ, hoa lá trải dọc khắp triền đồi biên giới, chúng tôi đến với lễ hội đình Lục Nà vào ngày khai hội 16 tháng Giêng.
Từ sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng từ ngoài đường vào đến sân đình. Mùi khói nhang nồng ấm bay tỏa khắp ngôi đình. Người dân từ các thôn, bản, khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Ai cũng chuẩn bị cho mình những mâm lễ đầy ắp xôi, gà, hoa quả, thành kính dâng lên Thành hoàng và các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa để cầu mong cho một năm mới bình an, sung túc.
Đình Lục Nà là ngôi đình duy nhất, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của nhân dân các dân tộc Bình Liêu. |
Ông La Tiến Ninh (85 tuổi), già làng của thôn Lục Nà, xã Lục Hồn (người đã gắn bó với lễ hội đình Lục Nà từ những năm đầu phục dựng) kể: Tương truyền, ngày xưa có giặc ngoại xâm đến cướp bóc và tàn sát nhân dân ta vô cùng dã man. Ở một làng trên mảnh đất Bình Liêu có chàng trai dân tộc Tày tên là Hoàng Cần đã tập hợp trai tráng trong vùng ngày đêm miệt mài tập luyện, ra trận chiến đấu dũng cảm với quyết tâm đánh tan quân giặc. Với chiếc gậy tre trong tay, Hoàng Cần trở thành người dũng sĩ tả xung, hữu đột làm cho quân giặc kinh hồn, bạt vía, phải chịu thua tháo chạy. Dẹp giặc xong, Hoàng Cần trở về quê cũ. Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn, nhân dân Bình Liêu đã suy tôn người dũng sĩ Hoàng Cần là Thành hoàng và lập đình để thờ.
Cũng theo sử sách ghi chép, đình Lục Nà được xây dựng từ thời kỳ Hậu Lê. Trước đây đình là đình hàng tổng có quy mô 5 gian, cột gỗ tròn có đường kính khoảng 40-50cm, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương mang dáng dấp của những nếp nhà xinh xắn phù hợp với không gian núi rừng vùng cao Bình Liêu. Lễ hội đình Lục Nà trước đây cũng được coi là lễ hội quy mô lớn nhất vùng Bình Liêu và khu vực lân cận, được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng hằng năm.
Trong thời kỳ cách mạng, đình Lục Nà đã ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng lâm thời huyện Bình Liêu. Ngày 18/1/1946, Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu (nay là UBND huyện) chính thức được thành lập tại đình Lục Nà. Ngày 21/11/1946, lực lượng Vệ quốc Đoàn huyện Bình Liêu cũng được thành lập tại đây.
Đình Lục Nà mang trong mình những dấu ấn lịch sử. |
Sau Cách mạng tháng Tám và khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954), đình Lục Nà được sử dụng để mở lớp bình dân học vụ, sau đó là trường học của xã Lục Hồn, đến năm 1968, trường học bị phá bỏ, ngôi đình cũ hiện nay không còn tồn tại nữa. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, ngày 18/7/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-UB để xếp hạng địa điểm đình Lục Nà là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Tháng 6/2009, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã khởi công xây dựng lại ngôi đình. Sau một năm xây dựng, đình Lục Nà đã được hoàn thành. Đến nay, đình Lục Nà vẫn là ngôi đình duy nhất, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng duy nhất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu với lễ hội được tổ chức vào 2 ngày (16 và 17 tháng Giêng hằng năm).
Ở Bình Liêu hiện có 4 lễ hội lớn trong năm là: Hội hoa sở, ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, hội Soóng Cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ và lễ hội đình Lục Nà. Đây là lễ hội đình duy nhất, vì vậy ngoài phần hội, phần lễ của lễ hội đình Lục Nà trở thành dấu ấn văn hóa đặc trưng. Kể từ khi được phục dựng năm 2006, hằng năm huyện Bình Liêu đều tổ chức lễ hội đình Lục Nà theo nghi thức lễ hội truyền thống gồm 2 phần lễ và hội. Theo đó, phần lễ tổ chức rước sắc phong từ sân đình đi quanh thôn Bản Cáu, trở lại sân đình, gióng trống khai hội và tổ chức lễ tế thần.
Lễ hội đình Lục Nà là cơ hội cho người dân các dân tộc của Bình Liêu tới giao lưu và vui chơi những ngày đầu xuân. |
Để chuẩn bị tham gia rước sắc phong, chị em dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ từ các thôn, bản đến với lễ hội đều lựa chọn cho mình trang phục dân tộc mới nhất, đẹp nhất. Từ các thiếu nữ đôi mươi đến các cụ già, ai cũng chỉnh sửa tóc tai, trang phục gọn gàng, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ. Lễ rước bắt đầu với những người đội mâm lễ, cầm cờ hội, đến đoàn rước ngai Thành hoàng và theo sau là bà con dân làng. Đoàn người nối thành hàng dài với nhiều màu sắc rực rỡ đan xen của cờ hội, trang phục dân tộc như một dải lụa mềm uốn lượn, len qua xóm làng, cánh đồng, hay những bụi tre cao vút rồi trở về sân đình.
Lễ rước thành hoàng Hoàng Cần quanh đình. |
Khi đoàn rước về đến sân đình, tiếng trống khai hội vang lên, phần tế lễ được bắt đầu thực hiện trong khoảng một giờ đồng hồ với không khí trang nghiêm, thành kính, hòa trong tiếng nhạc du dương của các nhạc cụ dân tộc là sáo, đàn bầu, trống... Tất cả hòa quyện, thể hiện nét đẹp phong tục tập quán truyền thống của quê hương.
Là người đã được giao đảm nhiệm vị trí chủ tế gần 10 năm nay, ông Giáp Ngọc Hùng (thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn), chia sẻ: Chủ tế là người được dân làng kén chọn kỹ càng nhất trong thành phần ban tế 24 người. Thông thường, chủ tế là bậc cao niên, khoẻ mạnh, là người có uy tín, được bà con nhân dân tin tưởng, kính trọng, gia đình chủ tế cũng là gia đình gương mẫu, có văn hoá. Được nhân dân tin tưởng giao phó đảm nhận gần 10 năm nay, tôi rất vinh dự. Vì vậy, cứ trước lễ hội cả tháng, ban tế chúng tôi cùng nhau tập hợp lại, luyện tập cho thuần thục để lễ tế diễn ra trang trọng đúng nghi lễ.
Lễ tế thành hoàng Hoàng Cần diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. |
Đặc sắc hơn cả tại lễ hội đình Lục Nà phải kể đến phần thụ lộc ngay tại sân đình. Sau khi hoàn thành lễ tế, bà con xin lộc từ Thành hoàng, các vị thần và trải chiếu ngay tại sân đình để cùng nhau thụ lộc. Tình cảm xóm làng gắn bó, đoàn kết, yêu thương bộc lộ thật tự nhiên qua hành động gắp cho nhau miếng bánh, nắm xôi, chút hoa quả... chẳng phân biệt du khách hay người dân, mọi người cùng nhau ngồi quanh chiếc chiếu nhỏ cười nói, kể cho nhau nghe những câu chuyện về Thành hoàng Hoàng Cần - người anh hùng của quê hương với niềm tự hào giản dị mà chân thành biết bao.
Các hoạt động trong phần hội diễn ra không kém phần sôi nổi, hào hứng với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn... Buổi tối, các hoạt động văn nghệ thi hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát sán cố... thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Đặc biệt, vào dịp lễ hội đình, đội hát then của tỉnh Lạng Sơn đều đến tham gia, giao lưu với các đội văn nghệ, CLB hát then của địa phương... Qua đó, không ngừng mở rộng không gian văn hóa, góp phần giới thiệu những nét đẹp, lễ hội văn hóa truyền thống của huyện Bình Liêu đến bạn bè bốn phương.
Các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian thu hút người dân địa phương tới tham gia. |
Chị Dương Thị Long (thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn) hồ hởi chia sẻ sau khi tham gia thi trò chơi đánh quay: Lễ hội đình hằng năm tổ chức ngay sau rằm tháng Giêng, bà con chưa bận vào vụ cày cấy nên thường đến tham gia đông vui lắm, nhất là lễ hội diễn ra đúng dịp cuối tuần, du khách thập phương đến tấp nập còn vui hơn. Hôm nay, ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất đến lễ hội, cùng tham gia thi với nhau các trò chơi dân gian truyền thống. Thắng thua không quan trọng, vui nhất là ai cũng được cười, anh chị em từ các thôn bản có dịp gặp lại nhau, cùng nhau tưởng nhớ Thành hoàng Hoàng Cần, người có công giữ gìn, bảo vệ quê hương.
Tham gia lễ hội, người dân và du khách gần xa không chỉ được ôn lại truyền thống của lịch sử mà còn được trải nghiệm, tìm hiểu thêm về vùng đất, phong tục, nét văn hóa quý báu, đẹp đẽ của dải đất biên cương Bình Liêu anh hùng. Chia tay lễ hội đình Lục Nà, chúng tôi trở về với niềm vui được hòa mình trong không khí rộn ràng, vui tươi, gần gũi của bà các con dân tộc địa phương, cùng tự nhắc nhở mình về trách nhiệm, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà cha ông đã bao đời gìn giữ.
Nguyễn Dung - Hùng Sơn
Ý kiến ()