Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:41 (GMT +7)
Hội đình làng biển
Chủ nhật, 18/07/2021 | 09:06:47 [GMT +7] A A
Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp trở về Trà Cổ, đắm mình trong không khí rộn rã của hội đình làng biển. Đình Trà Cổ được coi như cột mốc văn hoá Việt miền biên giới, lễ hội Đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển Đông Bắc, phản ánh nếp sống thuần Việt và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đây cũng là dịp để dân làng Trà Cổ tưởng nhớ công ơn các tiền nhân đã có công mở làng, lập ấp, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của nhân dân Trà Cổ nói riêng, nhân dân Móng Cái nói chung trong gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Cột mốc chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc
Trong câu chuyện bên chén trà thơm cùng các cụ cao tuổi tại sân đình, tôi được nghe kể về câu chuyện 12 vị Thành hoàng làng đã có công lập ấp mở làng Trà Cổ. Tương truyền vào thời Lê, người dân Đồ Sơn thường đi đánh cá rất xa. Trong một lần sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt. Đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt nơi vùng đất mới, 6 gia đình đã quay về cố hương, chỉ còn lại 6 gia đình quyết tâm ở lại, khai hoang, dựng xây một làng quê mới.
Đi qua những năm tháng gian khổ, sức chịu đựng và sự cần cù của 6 vị Tiên công cùng các gia đình đã được đền bù xứng đáng, nơi đây dần trở thành một làng quê trù phú. Các cụ lấy chữ đầu của tên hai làng thuộc quê cũ của mình Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) để đặt tên làng mới là Trà Cổ. Câu chuyện miên man theo những tháng ngày gian nan của những vị tiền nhân và xuyên suốt những lời kể mộc mạc ấy là câu truyền “Người Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn” nhắc nhở về nguồn cội gốc gác xa xưa của cư dân nơi này, những người suốt đời lênh đênh trên những hải trình, vươn khơi bám biển, coi biển là ngôi nhà thứ hai của cuộc đời.
Những cụ cao niên kể về những ngày tháng nhọc nhằn, khi cha ông góp công, góp của dựng nên mái đình Trà Cổ vào năm Quang Thuận thứ 2 (Tân Tỵ 1462) dưới triều vua Lê Thánh Tông, trên vùng đất phía nam phường Trà Cổ ngày nay. Biết bao mưa nắng qua đi, ngôi đình đã tồn tại chứng kiến những thăng trầm đổi thay của thời cuộc, tên gọi đình Trà Cổ vẫn được giữ nguyên như cũ. Trải qua bao cơn binh lửa và tu sửa nhiều lần, không vì thế mà ngôi đình mất đi những nét đặc trưng vốn có của mái đình làng quê biển Bắc Bộ, vẫn còn đó dáng vẻ uy nghi, trầm mặc cùng thời gian, trên từng mái ngói vẫn ghi dấu ấn của sóng gió biển khơi. Đứng sừng sững hơn 600 năm nơi vùng biển địa đầu, ngôi đình là một cột mốc văn hóa, một minh chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt.
Rộn ràng hội đình
Cũng giống như nhiều làng quê trên mảnh đất Việt, bao giờ đình làng cũng gắn liền với lễ hội làng như một mối liên kết tâm linh giữa những con người bé nhỏ với đấng quyền năng trong việc chế ngự thiên nhiên, dựng làng, giữ nước. Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ được duy trì qua hàng trăm năm vào mỗi dịp cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch; mời gọi du khách và những người con phương xa hồi cố hương; tưởng nhớ công ơn những vị thành hoàng và tiếp nối truyền thống “ăn sóng nói gió” cùng những chuyến viễn du qua những vùng biển khơi.
Trong cái nắng gay gắt sáng tháng 7, ông mo cùng những ông Cai đám - là những người đàn ông có phẩm chất ưu tú được làng lựa chọn cho việc tế lễ - tập trung trong đình, kính cẩn làm lễ mục dục – Nghi lễ đầu tiên của hội đình Trà Cổ. Cả đình làng ngập tràn trong bầu không khí sâu lắng tôn nghiêm. Ông mo cho kéo cờ hiệu và cờ thần, báo hiệu làng chính thức vào hội.
Từ những hàng quán ven đường hay trong những ngôi nhà nơi ngõ xóm, người dân hối hả sắp lễ, cúng bái, dâng hương. 12 "Ông Voi" – là những chú lợn được chăm sóc cẩn thận từ nhiều tháng trước, được tắm rửa sạch sẽ, xát giấy hồng, nằm trên kiệu có màn che và được ông Cai đám cùng dân làng kính cẩn rước đến sân đình làm lễ chầu thần.
Đã nhiều năm tham gia lễ rước "Ông Voi", nhưng mỗi lần có mặt trong đoàn rước ấy, tôi vẫn không khỏi bất ngờ vì sự thành kính mà người dân nơi đây giành cho những linh vật của lễ hội. Mỗi "Ông Voi" to lớn, bệ vệ, hồng hào đều là niềm tự hào của các gia đình Cai đám và cộng đồng thôn xóm, những người đã thấp thỏm suốt nhiều tháng, chờ đến ngày được rước "ông" ra đình. Tôi được giải thích về phong tục nuôi lợn chầu thần tượng trưng cho việc các vị thành hoàng làng cưỡi voi đi chinh chiến và tuần du trên lãnh thổ của mình, đồng thời thể hiện lời cầu phúc an cho mùa màng bội thu, chăn nuôi thịnh vượng của người dân làng biển.
Sáng hôm sau (ngày 1/6 âm lịch) hội đình Trà Cổ chính thức bắt đầu. Người dân trong trang phục truyền thống sặc sỡ, hồ hởi tham gia vào các nghi lễ truyền thống. Sau những nghi lễ tại khu vực sân khấu chính là lễ rước kiệu nghênh thần, hay còn gọi là lễ rước vua ra miếu hay rước vua ra bể. Một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bảo đi trước, tiếp đến là người cầm cờ vía cùng mọi người khiêng kiệu. Trong âm thanh sôi động của dàn nhạc bát âm và cờ hội đủ mầu, đoàn người hối hả diễu hành rước kiệu từ sân đình đi vòng qua bãi biển đến miếu thờ Ðôi thờ Quận He để xin chân nhang nghênh thần hồi cung. Dọc đường đi rước, bà con hối hả chạy ra tham gia cùng. Các gia đình bày lễ và tôn kính nghiêng mình cúng bái, cầu mong trời đất thần linh phù trợ. Đức tin giản dị của những người dân vùng biển bắt nguồn từ hàng trăm năm nay, gắn với niềm tự hào của con dân miền biên cương đất Việt, gắn với cả những niềm mong mỏi về 1 năm mưa thuận gió hòa, đất trời phù hộ để ra khơi đánh bắt.
Cờ hoa bay phấp phới nơi làng biển và ở khơi xa, những ngọn sóng cũng như bừng lên hứng khởi. Tạm quên đi vất vả nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, cư dân Trà Cổ trong những ngày này rộn rã niềm vui sướng khi những vị tiên công, thành hoàng đã ban cho cuộc sống ấm no, sung túc. Tôi cảm nhận được niềm vui và cả niềm tin của những người dân nơi này qua từng ánh mắt lấp lánh, tiếng cười giòn tan hay trong những tiếng hò reo cổ vũ khi tham gia những trò chơi dân gian truyền thống. Những lo lắng về dịch bệnh, thiên tai hay những vấn đề lớn lao của đời sống dường như được xếp gọn lại, nhường chỗ cho những hân hoan rộn rã sau suốt 1 năm thấp thỏm đợi chờ. Nét văn hóa làng biển Việt Nam được cư dân Trà Cổ tiếp nối qua hàng trăm năm, khi mỗi gia đình là một tế bào, quần tụ nơi mảnh đất biển hiền hòa, chung tay chống đỡ những khi giông gió hay cùng hân hoan trong ngày hội.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trẻ Móng Cái, Trà Cổ là một cột mốc đẹp tươi đang khẳng định những dấu ấn riêng trên bản đồ văn hóa, du lịch Việt. Về với dải đất biên cương cực Ðông Bắc, khi kính cẩn thắp nén nhang thơm dưới mái đình làng biển hay chạm tay vào bức phù điêu địa đầu Tổ quốc, tôi dường như nhìn thấy cả dáng hình bao la của đất mẹ. Sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất và con người Trà Cổ cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có là minh chứng về sự trường tồn và lớn mạnh của non nước Việt Nam, đúng như tám chữ đại tự trên bức hoành phi treo trang trọng trong đình: "Nam Sơn Tịnh Thọ - Ðịa Cửu Thiên Trường" - Nước Nam đời đời bền vững, trường tồn cùng đất trời.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()