Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 04:19 (GMT +7)
Lễ hội đình Trà Cổ - nét đặc sắc văn hóa vùng biên
Chủ nhật, 26/06/2016 | 12:56:54 [GMT +7] A A
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào các ngày 30-5 (hoặc 29-5 nếu là tháng thiếu) và 1-6 âm lịch, lễ hội đình Trà Cổ lại diễn ra ở phường Trà Cổ, TP Móng Cái thu hút rất đông đảo du khách và người dân địa phương đến tham dự.
Lễ hội đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc, thể hiện khá rõ nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, đoàn kết, tương thân tương ái. Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của người Trà Cổ cũng như nhân dân cả nước trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, bản sắc, xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu mạnh.
Bắt đầu nghi lễ rước thần trên biển. |
Lễ hội đình Trà Cổ được đánh giá là lễ hội có quy mô và giá trị bậc nhất, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn TP Móng Cái. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông Voi" (cuộc thi giữa 12 chú lợn tạ được 12 ông đám nuôi và chăm sóc - đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa).
Các cụ già trong làng kể lại rằng, xưa kia lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động và nghi thức. Trước khi mở hội, vào ngày 25-5 âm lịch, làng lại cắt cử các bô lão, trai tráng đại diện đi trên một đoàn thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn (Hải Phòng), sau đó quay về Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho con đường ra lập nghiệp ở Trà Cổ của tiền nhân xưa. Ngày nay, nghi lễ trên đã lược bỏ do việc tổ chức đi lại vừa tốn kém, vừa vất vả, sóng gió nguy hiểm. Tuy nhiên, tục thi "Ông Voi" - nghi lễ chính của lễ hội, thì vẫn duy trì năm này qua năm khác.
Nghi lễ rước thần trên biển. Ảnh: Phương Thuý |
Theo lệ xưa, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra… Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là "Ông Voi", được coi như linh vật của thần. "Ông Voi" được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi...
Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước "Ông Voi" đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ tiến hành chấm giải, "Ông Voi" nào có vòng cổ to nhất, đẹp nhất, dài nhất, nặng cân nhất thì sẽ được chấm giải nhất. Riêng "Ông Voi" đoạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Lễ trao thưởng cho cai đám có "Ông Voi" giải cao nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau.
Vào sáng mồng 1-6 (âm lịch) - ngày chính hội, làng tổ chức đám rước thần. Đám rước gồm đoàn người khiêng kiệu, cờ lọng hai bên, đi trước là dàn trống hội, bát âm, bát biểu... xuất phát từ đình ra miếu Đôi, thực hiện các nghi lễ truyền thống rồi khởi kiệu quay trở lại Đình.
Trong các ngày diễn ra lễ hội năm nay (diễn ra vào ngày 3 và 4-7), có khá nhiều các trò chơi thể thao dân gian được tổ chức như: Kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy, đặc biệt là môn đan lưới sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với lễ hội đình Trà Cổ, để thêm yêu, thêm quý mảnh đất và con người vùng biển đảo thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc.
Cẩm Thu
Liên kết website
Ý kiến ()