Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Lễ hội truyền thống Vân Đồn
Thứ 7, 19/08/2023 | 09:41:34 [GMT +7] A A
Lễ hội truyền thống Vân Đồn còn được người dân quen gọi là lễ hội chèo bơi được tổ chức tại xã đảo Quan Lạn (chính hội là ngày 18/6 âm lịch hằng năm) có ý nghĩa tôn vinh truyền thống đánh giặc giữ nước, tinh thần thượng võ của dân tộc.
Lễ hội truyền thống Vân Đồn được tổ chức nhằm tưởng nhớ quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của tướng Nguyên Mông là Trương Văn Hổ trên dòng sông Mang lịch sử, góp phần quan trọng vào chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng 1288.
Lễ hội truyền thống Vân Đồn theo lệ cũ diễn ra trong 10 ngày, trong đó ngày 18/6 là ngày hội chính với các hoạt động thực hiện lễ thu rầm, phong tướng, thu quân về doanh trại của hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ tại Miếu Đức Ông. Hai người được chọn làm tướng sẽ tổ chức lễ khao quân tại bản doanh của hai giáp. Lễ xuất quân lượn 3 vòng, diễu diễn của hai giáp trên đường và sân miếu Đức Ông. Phần hội thường thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương là màn đua thuyền chải truyền thống giữa 2 giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ.
Màn diễn xướng cũng như cuộc đua thuyền chải đã tái hiện trận chiến Vân Đồn trên dòng sông Mang lịch sử do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy cách đây 735 năm. Theo những gì thư tịch để lại vào tháng 12/1287, với số quân khoảng 50 vạn tên, quân Nguyên chia làm 3 đạo tiến vào nước ta theo 3 hướng. Cùng với hai mũi tiến theo đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), thêm một mũi tiến công bằng thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, cùng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh xuất phát từ Khâm Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.
Kết thúc phần lễ và màn hoạt cảnh tái hiện lịch sử trên sân khấu, hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ tiến hành màn lượn dạo thuyền bơi 3 vòng trên biển và vào bờ. Tướng của hai giáp vào miếu Đức ông thờ Phạm Công Chính xin chỉ lệnh xuất quân đua thuyền, sau đó về thuyền đọc lời rao trước khi bước vào đua. Sau chặng đua thuyền chải cự ly 2.000m, đội nào giành chiến thắng sẽ được trao cúp và tiền thưởng. Cuộc đua chỉ có hai đội, sẽ có một giải nhất và một giải nhì. Nhưng thắng thua không quan trọng bởi vì ai cũng thấy vui niềm vui chung của những người con yêu quê hương tha thiết và tự hào mãnh liệt về truyền thống của cha ông xưa.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Lễ hội truyền thống Vân Đồn là dịp để các thế hệ con cháu tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, là dịp để chúng ta cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, là dịp để nhân dân và du khách thập phương cùng hội tụ về đây ôn lại truyền thống thượng võ của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, trong dịp lễ hội năm nay, huyện Vân Đồn long trọng tổ chức khánh thành 2 công trình tu bổ tôn tạo di tích miếu Đức Ông và cải tạo nâng cấp nhà bia liệt sĩ xã Quan Lạn. Sự kiện này một lần nữa khẳng định thêm lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Vân Đồn với các bậc tiền nhân đã anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược, các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc quê hương mang lại cuộc sống hòa bình ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Bây giờ, không khí sầm uất của thương cảng xưa hay cái thế trận tưng bừng của chiến thắng Vân Đồn đã lùi rất xa vào lịch sử. Tuy nhiên, cái nhộn nhịp xưa kia đang dần được tái hiện lại ở Quan Lạn hôm nay với một khí thế mới, sức sống mới trong không gian cổ kính của di tích lịch sử và một lễ hội tưng bừng trên dòng sông Mang.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()