Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:03 (GMT +7)
Leicester xuống hạng, còn đội hạng trung nào dám mơ vô địch
Thứ 2, 29/05/2023 | 17:12:23 [GMT +7] A A
Leicester đã trở thành đội thứ 2 trong lịch sử Premier League phải xuống hạng với tư cách là nhà cựu vô địch. Đây sẽ ví dụ điển hình để những đội bóng nhỏ không còn dám ôm mộng quá lớn nếu không có nền tảng tài chính vững chắc.
Một thập kỉ thăng trầm của Leicester City đã chính thức khép lại. Họ đã thăng hạng, vô địch Premier League, giành đủ 3 danh hiệu quốc nội và nói lời chia tay sân chơi hạng cao nhất xứ sương mù. Leicester tự tay đóng lại câu chuyện cổ tích của chính họ để lại nhiều hoài niệm và những giấc mơ về một ngày sớm trở lại Premier League, như Burnley là ví dụ gần nhất chỉ sau 1 mùa giải.
Trong 7 năm qua, từ khi Leicester vô địch Premier League, giải đấu ngày một trở nên kim tiền. Manchester City đổ hàng đống tiền để đón huấn luyện viên giỏi (Pep Guardiola) và vung tiền mua sao không tiếc tay. Manchester United chưa bao giờ lặng tiếng trên các phiên chợ chuyển nhượng.
Chelsea vừa vung 500 triệu bảng trong hai phiên chợ cầu thủ gần nhất. Arsenal và Liverpool cũng bỏ thói chi tiêu keo kiệt trong quá khứ để "chạy đua vũ trang" cùng các đại kình địch. Với Newcastle, họ đã trở thành đội bóng có tiềm lực tài chính số 1 thế giới.
Trong hàng loạt ví dụ minh chứng về sự kim tiền đó của các đội lớn, tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của Leicester City. Họ là đội nâng cao danh hiệu Premier League 2016 trong khi Man United đã đợi 10 năm còn Arsenal là 19 năm. Từ sau chức vô địch ấy, Leicester không được đá thêm Champions League một mùa nào nữa. Họ có 2 lần hụt vé ở đúng vòng 38 và đó được ví như tận cùng của sự cố gắng.
Nền tảng tài chính của Leicester chỉ là gia đình cố tỉ phú Vichai người Thái Lan. Ở thời điểm đỉnh cao về tài chính năm 2018, thương hiệu King Power cũng chỉ có định giá khoảng 3,3 tỉ USD còn khối tài sản của ông Vichai là 4,9 tỉ USD. So với mức hơn 300 tỉ USD của giới chủ Newcastle hiện tại, con số ấy quả thực quá nhỏ bé.
Hai năm COVID-19 vừa qua, đội nào cũng bị ảnh hưởng, không riêng Leicester City. Thế nhưng, khi đời sống bóng đá trở lại, Manchester City mua Jack Grealish, Manchester United mua Antony đều với giá từ 100 triệu Euro trở lên. Hàng loạt những phi vụ bom tấn như thế đến từ các đội lớn, đẩy Leicester ra khỏi cuộc chạy đua đã trở thành bản sắc của Premier League.
Leicester hết tiền, họ giảm lương cầu thủ, loay hoay với những con tính về kinh phí hoạt động bởi chính gia đình Vichai tại Thái Lan cũng rơi vào khủng hoảng. Các đội lớn mua người còn Leicester chỉ thấy bán. Họ bán từ N'Golo Kante, Riyad Mahrez cho đến Harry Maguire, Wesley Fofana, Kasper Schmeichel... Tất cả ngôi sao lớn của sân King Power lần lượt rời đi, đem về rất nhiều tiền nhưng đội bóng không trích ra nổi để tái đầu tư vào những thương vụ xứng tầm để thay thế. Cứ thế, trình độ của đội bóng tụt dần đều.
Khi Leicester đến được Champions League và một vài mùa sau đó chơi tốt, hóa đơn tiền lương tăng không phanh khiến họ mất kiểm soát. Đỉnh điểm là mùa giải 2020-2021, nó đã chiếm 85% tổng doanh thu của câu lạc bộ trong khi quy định của UEFA chỉ cho con số này tối đa là 70%.
Do Leicester vô địch quá "chớp nhoáng" và duy trì sức mạnh không đủ lâu để xây được một nền tảng về thương mại, hình ảnh, thương hiệu đủ tốt để chạy được trong cuộc đua kim tiền này. Các cầu thủ có quyền đòi hỏi tăng lương vì đã vô địch, đã giúp đội bóng đến với Champions League nhưng câu lạc bộ lại không có cách nào kiếm thêm để duy trì được dòng tiền chi tiêu khổng lồ này.
Câu chuyện của Leicester gợi nhớ lại một căn bệnh cố hữu của giải hạng nhất Quốc gia Việt Nam vài năm trước. Còn nhớ ở cuộc đua vô địch năm 2017, Huế, Viettel và Nam Định đua rất căng thẳng nhưng có tâm lí chung là "sợ" phải lên hạng. Cả Huế và Nam Định khi đó đều hiểu nếu lên được V.League, tiền lót tay, lương, thưởng cho cầu thủ, tiền cải tạo sân bãi, truyền thông,... phải mất hàng chục tỉ đồng để đáp ứng được tiêu chuẩn của V.League. Họ "nhường" nhau suất lên hạng bằng những kịch bản khó tin ở các vòng cuối, đá qua lại tấm vé lên chơi ở V.League.
Vô địch làm gì để rồi không còn tiền nuôi sống chính đội bóng? Đó là câu hỏi Leicester đến tận lúc này mới ngẫm ra nhưng không kịp trả lời. Premier League có thể hay nhưng chỉ dành cho các đội giàu có. Những hiệp sĩ thích viết truyện cổ tích như Leicester luôn được hoan nghênh. Thế nhưng, hiệp sĩ luôn đơn độc và họ sớm muộn cũng bại trận dưới thế lực của những ông vua.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()