Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 13:15 (GMT +7)
Lên thuyền với những người thu gom rác trên Vịnh Hạ Long...
Chủ nhật, 17/11/2024 | 11:15:53 [GMT +7] A A
Cần mẫn, bền bỉ ngày này qua ngày khác, quanh năm suốt tháng có mặt trên Vịnh Hạ Long, những người làm công việc thu gom rác nơi đây đã góp phần quan trọng giữ gìn vẻ đẹp môi trường, cảnh quan cho di sản…
Quanh năm gắn bó với biển
“Việc thu gom rác của chúng tôi thường bắt đầu lúc 6.30 sáng đến 11 giờ, sau đó nghỉ tới 1 giờ chiều lại đi làm. Hôm nào ít rác thì làm tới 3 giờ, 3 rưỡi chiều, còn hôm nào nhiều rác thì làm tới 5 giờ, 5 rưỡi mới xong...”. Câu chuyện của chúng tôi với vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh, 52 tuổi và bà Vũ Thị Thinh 50 tuổi, những người đã có hơn 8 năm gắn bó với công việc thu gom rác trên Vịnh Hạ Long, khởi đầu như thế.
Năm 2014, gia đình ông, bà theo chủ trương di dời các làng chài của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, trong đó có làng chài Cửa Vạn, nơi ông bà sinh sống và nuôi cá lồng bè, lên bờ định cư tại phường Hà Phong (TP Hạ Long). Sau một thời gian làm chèo đò chở khách tham quan, thả lưới, đánh bắt cá, tới tháng 8/2016 thì ông, bà bắt đầu gắn bó với công việc này cho tới nay.
Việc thu gom rác trong vùng lõi di sản này được chia ra nhiều khu vực, chủ yếu tập trung ở các khu vực biển xung quanh các điểm du lịch đang khai thác phục vụ khách tham quan trên Vịnh Hạ Long. Thuyền của ông, bà Hạnh, Thinh cùng với 3 thuyền khác đảm nhận việc thu gom rác xung quanh khu vực các điểm du lịch đảo Ti Tốp, Soi Sim, hang Sửng Sốt, động Mê Cung, hang Luồn, hang Trống. Đây là các điểm du lịch nằm trong tuyến tham quan số 2 trên vịnh hiện nay. Với phạm vi rộng như vậy, để đảm bảo mặt biển sạch sẽ khi các tàu chở khách du lịch tới đây vào sáng mỗi ngày thì ông bà sẽ phải thu gom rác từ sớm như thế.
Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ phải duy trì công việc đều đặn, thường xuyên hàng ngày và làm quanh năm. Mỗi tàu thu gom rác thường có 2 người, chia ra 1 người lái, 1 người thu gom rác. Ông Hạnh bảo, ông bà vốn là dân biển nên việc lênh đênh trên biển cả ngày đã quen. Cũng vạn bất đắc dĩ ông, bà mới nghỉ khi ốm đau, có việc giỗ chạp, cưới hỏi, tang ma, lễ lạt hay để bảo dưỡng, sửa chữa con tàu thu gom rác này. Khi 1 tàu nghỉ thì các tàu khác sẽ gánh phần việc còn lại. Họ làm việc có sự đoàn kết tốt, nếu điểm nào nhiều rác quá thì nhân công ở điểm khác lại đến hỗ trợ. Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp khai thác dịch vụ tại các điểm du lịch cũng thường chung tay để thu gom rác, như đợt tháng 9 vừa qua sau bão Yagi, lượng rác tăng đột biến thì các đơn vị tham gia hỗ trợ nhiều hơn...
8 rưỡi sáng, khi chúng tôi lên tàu của ông bà thì một phần ba khoang thuyền đã có rác, chủ yếu là những tảng phao xốp lớn. Mặt biển sạch nhưng khi tàu tấp vào 2 điểm là bãi đá, chân đảo ở khu vực này mới thấy rác tụ lại vẫn còn nhiều, chủ yếu là các thanh tre dài, phao xốp bị đánh tan thành các mảnh nhỏ, kèm đó là túi ni lông, vỏ chai nhựa, lon nước ngọt, có cả những cây gỗ lớn đã bị tước hết vỏ.
Ở hẻm đá đầu tiên, chúng tôi còn thấy cả một chiếc phao cứu sinh lớn đã bị hà bám đầy trên vỏ. Ông Hạnh bảo đây chắc là phao của con tàu du lịch bị đắm ở khu vực này trong đợt bão vừa qua. Ông lái thuyền vào sát vách đá, bà Thinh và một bà từ thuyền phía sau sang hỗ trợ nhanh nhẹn vớt các loại rác lên tàu. Chỉ với những chiếc vợt to bằng cỡ chiếc rổ lớn, cán dài tầm 3m, hai bà thành thạo vớt hầu hết các loại rác dưới nước lên thuyền, kể cả là các thanh tre khá dài. Các tấm phao xốp lớn được họ dùng móc nhanh nhẹn móc lên thuyền. Chiếc phao cứu sinh được tận dụng luôn để chứa rác, bà Thinh lấy dây thừng trên thuyền buộc 1 đầu vào phao kéo theo thuyền của mình.
Sang khu vực khác, rác lại tấp hết vào khu vực có cây cối phủ trùm lên mặt nước. Chỗ này có nhiều đá ngầm phía dưới, lại vướng cây cối nên việc thu gom rác khó hơn. Bà Thinh và bạn dùng dao chặt những cây leo loà xoà mặt nước, dùng cả neo tàu để kéo, trong khi ông Hạnh khéo léo điều khiển tàu ra, vào nhiều lần kéo cho dây leo bung ra, rác tụ phía trong thoát hết ra ngoài. Sau đó, hai bà mới có thể dùng vợt để vớt rác lên.
Ông Hạnh bảo, rác tụ vào những chỗ như này nếu không kéo cây cối ra như thế để gom hết rác thì không sạch được. Khi nước lớn, các bãi đá bị chìm ngập, rác dâng lên theo nước thì mới dùng vợt hớt rác lên được như thế. Còn khi nước cạn thì rác cũng nằm lại các bãi cạn hoặc mắc vào các kẽ đá, hang hốc, muốn lấy rác phải lội vào nhặt. Có những bãi cạn ngoài là đá, trong là bùn, bãi xa thì cũng không lội được, tranh thủ lúc “nước đẫy” như thế này có thể đưa được thuyền vào để vớt rác thì nhàn hơn…
Nghe, quan sát họ làm việc, quả thật là có rất kinh nghiệm. Chỉ một loáng, với sự thành thạo đáng nể, rác đã được vớt lên đầy cả khoang phía trước tàu của ông Hạnh. Ông bảo, mỗi ngày trung bình họ gom 2 chuyến rác, ngày nhiều có thể tới 3-4 chuyến. Đợt sau bão Yagi thì vất vả hơn, có ngày chở tới cả 5 chiếc tàu đầy. Họ đã dọn cả tháng nên giờ mới sạch được như thế.
Thông thạo với nghề
Sinh ra, lớn lên trên biển nên không chỉ ông Hạnh, bà Thinh mà những người vớt rác này đều rất thông thuộc luồng lạch cũng như biển ở đây. Ông Hạnh bảo, rác cũng theo mùa mà ít, nhiều khác nhau. Từ tháng 2-5 âm lịch bao giờ cũng nhiều rác nhất. Mùa bão thì từ tháng 7-10 âm lịch, biển có nhiều cơn giông nên đẩy rác về nhiều. Còn vào độ tháng 10 âm lịch như thế này cho tới tháng Giêng là ít rác nhất.
Nắm bắt tốt về luồng rác nên ông bà thường vớt ngay từ khi rác còn ở phía ngoài, ngăn chặn rác trôi vào khu vực tập trung đông tàu và khách du lịch ở phía trong các điểm du lịch. Khu vực nào rác hay tấp vào, họ đều nắm rõ nên công việc cũng nhanh gọn hơn. Sáng sớm, họ sẽ vớt rác trôi nổi trên biển trước, sau đó các thuyền hỗ trợ nhau đi nhặt tre dạt vào chân núi. Bà Thinh bảo: Vớt rác trôi nổi thì thuyền nào thuyền ấy làm, còn vớt rác ở các bãi cạn, chân núi thì các thuyền cần hỗ trợ nhau. Khi đó chỉ có 1 tàu trực quan sát rác trôi nổi trên biển, các thuyền còn lại sẽ cùng đi vào nhặt rác ở chân núi, các bãi đá.
Gắn bó với con thuyền nhỏ cả ngày trên vịnh như thế, con thuyền cũng giống như ngôi nhà thứ hai của ông bà, có đầy đủ các vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày. Nắng nóng hay mưa gió, rét mướt, con tàu nhỏ của ông bà đều bền bỉ có mặt trên biển. Ông Hạnh bảo, khu vực này có các điểm du lịch, có khách du lịch thường xuyên nên cần làm sạch hàng ngày. Chỉ trừ có cơn giông gió tới thì ông bà phải đưa thuyền vào chân núi, tìm khu vực an toàn để trú.
Công việc trên vịnh như ông bà quả thật có nỗi vất vả nhưng cũng nhiều thú vị khi mà xung quanh là non nước Vịnh Hạ Long xinh đẹp, rợn ngợp những con tàu lớn chở khách tham quan. Tuy nhiên, nỗi trăn trở của họ vẫn là mức thu nhập còn ít ỏi.
Ông Hạnh bày tỏ: Chúng tôi tự đầu tư thuyền bè, trang sắm các dụng cụ phục vụ công việc, chịu chi phí xăng dầu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu cũng như sinh hoạt thường ngày khác. Việc thu gom rác được trả gọn 500.000 đồng/ngày/tàu, nghỉ ngày nào thì trừ ngày đó. Bà ấy tranh thủ gom từ đám rác lọc ra được ít vỏ chai, lọ nhựa thì cũng thêm được mấy trăm tới triệu đồng mỗi tháng. Tàu bè trên biển thì máy móc quan trọng lắm, có khi còn giữ gìn cẩn thận hơn cả sức khoẻ bản thân, rất hay phải sửa chữa. Hồi tháng 4 vừa rồi, tôi vào làm thuyền mất 48,5 triệu đồng, nghỉ mất 9 ngày. Năm kia, tôi mua cái máy này mất 25 triệu đồng, năm ngoái hỏng phải sửa, bảo dưỡng mất 17 triệu đồng. Những chi phí này đều do gia đình tự bỏ ra. Làm trên biển quanh năm như thế, được bao nhiêu thì cũng vào tiền máy, khấu hao thuyền, đủ ăn thôi chứ không dư đồng nào. 8 năm nay, mức thu nhập vẫn duy trì như thế trong khi hàng hoá thì trượt giá nên chúng tôi chỉ mong được tăng lên chút ít, để bà con phấn khởi hơn…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()