Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:08 (GMT +7)
Lí do Israel khăng khăng giành kiểm soát 2 hành lang Gaza khi đàm phán?
Thứ 3, 20/08/2024 | 17:15:47 [GMT +7] A A
Một trong những điều kiện then chốt của Israel trong khi đàm phán với Hamas về một lệnh ngừng bắn là quyền kiểm soát lâu dài đối với hai hành lang chiến lược ở Gaza. Tuy nhiên, điều kiện này luôn bị Hamas bác bỏ, có nguy cơ làm hỏng các cuộc đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 10 tháng và trao trả các con tin.
Theo hãng tin AP, các quan chức biết rõ các cuộc đàm phán cho biết Israel muốn duy trì sự hiện diện quân sự tại một vùng đệm hẹp dọc biên giới Gaza-Ai Cập mà nước này gọi là hành lang Philadelphi và một hành lang khác có tên Netzarim.
Không rõ liệu việc Israel kiểm soát các hành lang này có nằm trong đề xuất do Mỹ hậu thuẫn hay không. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Israel, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Hamas chấp nhận nó để phá vỡ sự bế tắc trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, Israel đã đồng ý với đề xuất này mà không nêu rõ các điều kiện.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cần phải kiểm soát khu vực biên giới Ai Cập để ngăn chặn Hamas bổ sung kho vũ khí của mình thông qua các đường hầm và Israel cần một "cơ chế" để ngăn chặn lực lượng quay trở lại miền Bắc.
Trong khi đó, Hamas nói rằng bất kỳ sự hiện diện lâu dài nào của Israel ở Gaza sẽ dẫn tới sự chiếm đóng quân sự. Ai Cập, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải chính trong các cuộc đàm phán, cũng kiên quyết phản đối sự hiện diện của Israel ở phía bên kia biên giới với Gaza.
Hành lang Philadelphi là một dải đất hẹp rộng khoảng 100 mét chạy dọc theo chiều dài 14 km nằm ở biên giới Gaza với Ai Cập. Nó bao gồm Giao lộ Rafah - lối thoát duy nhất của Gaza với thế giới bên ngoài mà không do Israel kiểm soát.
Israel cho biết Hamas đã sử dụng một mạng lưới đường hầm rộng lớn bên dưới biên giới để vận chuyển vũ khí. Quân đội Israel cho biết họ đã tìm thấy và phá hủy hàng chục đường hầm kể từ khi chiếm hành lang này vào tháng 5.
Ai Cập bác bỏ những cáo buộc đó, nói rằng họ đã phá hủy hàng trăm đường hầm ở phía biên giới nhiều năm trước và thiết lập vùng đệm quân sự của riêng mình để ngăn chặn nạn buôn lậu.
Hành lang Netzarim dài khoảng 6 km chạy từ biên giới Israel đến bờ biển phía Nam Thành phố Gaza, cắt đứt khu vực đô thị lớn nhất lãnh thổ và phần miền Bắc còn lại.
Trong các cuộc đàm phán, Hamas ra yêu cầu hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn khỏi miền Bắc được phép trở về nhà của họ. Israel đã đồng ý cho họ trở về nhưng muốn đảm bảo rằng họ không được trang bị vũ khí.
Tại sao Hamas và Ai Cập phản đối sự kiểm soát của Israel?
Việc Israel kiểm soát một trong hai hành lang đồng nghĩa với việc đường bị phong tỏa, hàng rào, tháp canh và các cơ sở quân sự khác được dựng lên. Các trạm kiểm soát là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất về sự cai trị quân sự không giới hạn của Israel đối với Bờ Tây và trên Gaza trước khi rút quân năm 2005.
Israel nói rằng những trạm kiểm soát như vậy là cần thiết để đảm bảo an ninh, nhưng người Palestine coi chúng là hoạt động xâm phạm đời sống hàng ngày. Nhiều người Palestine coi đây là khúc dạo đầu cho một cuộc chiếm đóng quân sự lâu dài và sự trở lại của các khu định cư Do Thái.
Về phía Ai Cập, nước này cho biết các hoạt động của Israel dọc biên giới đe dọa hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt năm 1979 giữa hai nước. Họ đã từ chối mở cửa khẩu Rafah cho đến khi Israel trả lại phía Gaza cho người Palestine kiểm soát.
Đây có phải là những yêu cầu mới của Israel?
Israel khẳng định nó không phải yêu cầu mới và nói rằng đó chỉ là những chi tiết làm rõ đề xuất trước đó được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong bài phát biểu ngày 31/5 và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra trong một nghị quyết ngừng bắn hiếm hoi.
Tuy nhiên, cả bài phát biểu lẫn nghị quyết của Hội đồng Bảo an đều không đề cập đến yêu cầu của Israel liên quan đến các hành lang - vốn chỉ được công bố trong những tuần gần đây. Các bên đều đề cập đến việc lực lượng Israel phải rút quân hoàn toàn. Mỹ cũng cho biết họ phản đối bất kỳ việc tái chiếm Gaza hoặc thu hẹp lãnh thổ của nước này.
Theo các quan chức y tế Gaza, việc không đạt được thỏa thuận ngừng bắn sẽ kéo dài một cuộc chiến trong đó cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 40.000 người Palestine, khiến phần lớn trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza phải di dời và phá hủy phần lớn lãnh thổ nghèo khó.
Các tay súng Palestine vẫn đang giam giữ khoảng 110 con tin bị bắt trong vụ tấn công ngày 7/10. Israel mới chỉ giải cứu được 7 con tin thông qua các hoạt động quân sự. Theo chính quyền Israel, khoảng 1/3 trong số 110 người đã chết.
Một thỏa thuận ngừng bắn cũng mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn hoặc ít nhất là trì hoãnmột cuộc tấn công tiềm tàng của Iran hoặc Hezbollah vào Israel sau vụ ám sát một chỉ huy Hezbollah ở Beirut và một thủ lĩnh Hamas ở Tehran vào tháng trước. Israel cam kết sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến lan rộng và tàn khốc hơn.
Theo Baotintuc.vn
- Israel ủng hộ đề xuất ngừng bắn mới của Mỹ
- Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra thời điểm 'quyết định' cho lệnh ngừng bắn Gaza
- Hamas nêu quan điểm về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza
- Hamas nhấn mạnh điều kiện để thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza
- Trở ngại với 'cơ hội cuối' cho lệnh ngừng bắn Gaza
- Xung đột Hamas-Israel: Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza
- Hamas muốn thực hiện đề xuất ngừng bắn ở Gaza của Mỹ
- Israel tấn công hàng loạt ở Gaza, bị nghi đàm phán ngừng bắn không nghiêm túc
Liên kết website
Ý kiến ()