Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:04 (GMT +7)
Lịch sử thang máy Paternoster - kiến trúc độc đáo hay cái bẫy "chết người"
Chủ nhật, 16/01/2022 | 22:37:59 [GMT +7] A A
Mặc dù mô hình thang máy có kết cấu chuyển động liên tục và cực kỳ khoa học, nhưng nó có thể trở thành một cái bẫy tử thần với những ai hay sơ ý.
Paternoster là tên gọi của một loại thang máy bao gồm một chuỗi các khoang mở được di chuyển lên và xuống liên tục qua trục thẳng đứng của một tòa nhà theo một vòng lặp không có hồi kết.
Điều đặc biệt là thang máy này không bao giờ dừng lại, trừ khi có xảy ra sự cố kỹ thuật, khiến hệ thống bị ngưng trệ. Hành khách bước vào các khoang di chuyển theo hướng họ mong muốn, sau đó bước ra khi thang máy đến tầng mong muốn.
Như đã đề cập, vì hệ thống này không dừng lại, nên sẽ không có điểm dừng giữa các tầng, và hành khách phải luôn tập trung để bước ra đúng nhịp, nếu không họ sẽ bị trễ tầng, bị lỡ đà dẫn đến trượt ngã, hay thậm chí là xảy ra những tai nạn chết người.
Thực tế đã chứng minh mặc dù mô hình này trông có vẻ tiện lợi, song nó có thể dễ dàng trở thành một "cạm bẫy tử thần": Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến bạn bị dập ngón chân, mất cánh tay, hoặc thậm chí là tính mạng.
Đa số các thang Paternoster không lắp cửa hay tấm chắn để tăng tính tiện lợi. Điều này càng khiến hành khách càng dễ gặp nguy hiểm, vì họ có thể mất thăng bằng mà ngã nhào ra bên ngoài trong lúc thang di chuyển, dù nó có tốc độ chậm hơn nhiều lần so với thang máy thông thường.
Paternoster đầu tiên được lắp đặt vào năm 1884 tại Dartford, Anh. Bảy năm trước, bằng sáng chế của nó đã được đăng ký bởi một kỹ sư người Anh tên là Peter Hart. Cái tên paternoster xuất phát từ từ tiếng Latinh "Our Father", là hai từ đầu tiên của "Lời cầu nguyện của Chúa".
Paternoster trở nên rất phổ biến ở châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 vì chúng có thể chở nhiều hành khách hơn thang máy thông thường. Không chỉ vậy, nó còn là phương pháp di chuyển cực kỳ mau lẹ từ tầng này sang tầng khác vì không cần xếp hàng để chờ thang.
Tuy nhiên, tính an toàn đã khiến thang Paternoster trở nên kém thông dụng, đặc biệt là đối với những nơi có trẻ nhỏ và người già. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm sử dụng đối với thang Paternoster, khiến nó trở nên tuyệt chủng.
Những tai nạn xảy ra chủ yếu vì thang được sử dụng sai mục đích, như để vận chuyển các vật dụng cồng kềnh, hoặc đối với người già, trẻ em. Ước tính, rủi ro xảy ra tai nạn của thang Paternoster cao hơn gấp 30 lần so với thang máy thông thường. Một đại diện của Liên hiệp các Hiệp hội Kiểm tra Kỹ thuật cho biết rằng trước năm 2002, trung bình Đức có một ca tử vong mỗi năm vì thang Paternoster.
Chính phủ Đức từng ít nhất 2 lần muốn đóng cửa mô hình "chết người" này, nhưng đã đón nhận sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Những người ủng hộ Paternoster lý luận rằng nếu cấm loại thang này, thì tốt nhất nên dừng hoạt động cả ô tô, vì chúng đều có nguy cơ xảy ra tai nạn. "Những chiếc thang máy này là một phần của lịch sử công nghiệp", họ nói.
Dẫu vậy ở các nước Tây Âu, Đông Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới, việc lắp đặt các paternoster vẫn bị cấm kể từ năm 1974.
Tháng 4/2006, Hitachi đã công bố kế hoạch về một thang máy kiểu paternoster hiện đại với những khoang được điều khiển bằng máy tính và có đi kèm cửa thang tiêu chuẩn để giảm bớt những lo ngại về an toàn. Một nguyên mẫu đã được ra mắt vào tháng 2/2013.
Ngày nay, thang máy kiểu paternoster vẫn có thể được tìm thấy trong một số tòa nhà hành chính như Bộ chính phủ, tòa thị chính hay trụ sở cảnh sát.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()