Tất cả chuyên mục

Nhân một lần, tôi được đọc bản thảo bài thơ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy, khu 3, phường Yên Hải, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, viết cho người yêu năm 1971, sau lần đó, liệt sĩ Huy mãi mãi không trở về. Những vần thơ, những kỷ niệm và những hồi ức làm tôi suy nghĩ trăn trở mãi…
[links()]
NHỮNG THÁNG NĂM HÀO SẢNG
Giữa tháng 7, một người bạn ở Báo Quảng Ninh có nhờ tôi tìm hiểu về thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy, quê làng Yên Đông (nay là phường Yên Hải) liên quan đến bài báo "Bài thơ viết tặng người yêu trước lúc hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy" (Quảng Ninh Cuối tuần số ra ngày 29/7/2018). Thông tin tôi nhận được về liệt sĩ Huy khá sơ sài: Liệt sĩ Huy có em tên là Bảo; bài thơ “Mơ” tặng người bạn gái tên Nhàn; một số kỷ niệm về quê hương trong bài thơ… Từng đó thời gian, người đã đi xa, cảnh cũng thay đổi nhiều nên rất khó để tìm được chính xác nhân vật và thân nhân gia đình liệt sĩ Huy. Tôi liền liên lạc với người cung cấp bài thơ “Mơ” và được biết đôi chút thông tin hiếm hoi của liệt sĩ Huy. Ông Cao Duy Khoát, quê Phú Thọ, đồng đội của liệt sĩ Huy có nhắc đến làng Yên Đông là nơi đã cùng liệt sĩ Huy nhập ngũ. Vậy là câu chuyện, bài thơ liệt sĩ Huy viết tặng người yêu trước lúc ngã xuống cứ thôi thúc tôi đi tìm hiểu…
![]() |
Em trai liệt sĩ Huy và các đồng chí, đồng đội ở quê nhà đang hồi tưởng lại về liệt sĩ Huy. |
Khi hỏi thăm đến làng Yên Đông (nay là khu 3), phường Yên Hải, tôi gặp một người đàn ông tầm hơn 60 tuổi. Tôi đánh bạo hỏi thăm về liệt sĩ Huy… Người đàn ông đó nói: “- May cho anh. Tôi chính là bạn đồng niên với liệt sĩ Huy”. Ông là Phạm Văn Miền. Sau đó, ông Miền vừa đi cùng tôi trên con đường làng vừa kể say sưa về người bạn đồng niên của mình…
“Ngày trước, tôi và Huy là người bạn cùng làng, chơi với nhau thân lắm! Anh Huy người hơi mảnh khảnh, giọng nói ấm áp! Mà nhiều lúc đi chăn trâu, ngồi đâu anh ấy cũng… “thở” ra thơ. Được cái nói chuyện có duyên nên làng trên xóm dưới ai cũng quý anh ấy. Có lần, tôi và Huy cùng xung phong đi đắp đê Hà Nam đoạn gần Phong Hải, tôi và anh ấy cùng một tổ. Có anh ấy là mọi người làm cũng khí thế hẳn, vì anh hay đọc thơ và hát cũng rất hay. Sau bữa đắp đê đó, tôi hay tin anh ấy tình nguyện đi bộ đội. Việc anh Huy đi bộ đội làm chúng tôi ngạc nhiên, sửng sốt bởi lẽ, anh ấy học rất giỏi và có cả chỉ tiêu đi học đại học trên Hà Nội”. - Nói đến đây, ông Miền lấy máy điện thoại, điện cho một người em ruột của liệt sĩ Huy tên là Bảo, nhưng ông Bảo không có nhà, thay vào đó là ông Tráng, cũng là em trai của liệt sĩ Huy sẽ đến gặp chúng tôi.
Mở cửa vào nhà, ông Tráng mời chúng tôi ngồi nói chuyện. Ông Tráng kể: Bố tôi tên là Nguyễn Văn Đang, ngày trước học bên Hải Phòng và làm thầy đồ. Cụ giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán. Nhiều người trong làng còn đến xin chữ của cụ. Danh tiếng của cụ Đang ngày càng bay xa khi cụ còn dạy cả một số con của binh lính Pháp đóng ở Quảng Yên hay con những nhà có điều kiện trong vùng. Cụ Đang có 6 người con: 3 trai và 3 gái. Liệt sĩ Huy là con trai cả, sau đó là các chị em gái. Hiện 3 người em gái của liệt sĩ Huy đều làm ăn và sinh sống ở Cẩm Phả và Hạ Long, còn 2 người em trai (ông Bảo và ông Tráng) ở TP Uông Bí.
Ông Tráng cho biết, ngày còn nhỏ, anh Huy nổi tiếng học giỏi văn. Có lần, anh ấy đi thi học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và đạt được kết quả cao. Bố tôi rất tự hào về anh ấy! Nói rồi, ông Tráng đưa đôi mắt về di ảnh của người anh trai trên bàn thờ, ngồi trầm ngâm một hồi lâu trong không gian tĩnh mịch. Chúng tôi hiểu, những năm tháng tuổi thơ và tình yêu quê hương, yêu văn thơ, sống ở một vùng đất bên cạnh sông Bạch Đằng, được thừa hưởng nguồn gen học hành của người bố mẫu mực đã tạo nên một thanh niên Nguyễn Quốc Huy được dân làng ngưỡng mộ, tin yêu…
NGÃ XUỐNG VÌ QUÊ HƯƠNG THÂN YÊU
Ông Tráng đưa ra tấm bằng Tổ quốc ghi công và bài thơ năm nào của anh trai mình viết trước khi nằm lại chiến trường. Ông Miền cầm tấm di ảnh của người bạn đồng niên nói giọng nghẹn ứa nước mắt: Huy sinh năm 1951, năm 18 tuổi, Huy lên đường tòng quân. Anh được phân bổ vào Tiểu Đoàn 628 đặc công, thuộc Trung Đoàn 2, Quân khu Tả Ngạn. Sau những ngày huấn luyện gian khổ, Huy được điều động vào chiến trường B2, với vai trò là lính đặc công. Năm 1971, trong một lần giáp lá cà, Huy bị địch tập kích và hy sinh ở đất bạn Campuchia. Sau khi mất được khoảng một tháng thì gia đình nhận được giấy báo tử của anh.
Sau khi Huy hy sinh, có rất nhiều đồng đội của anh tới nhà thăm, trong đó có ông Khoát. Trong một lần tình cờ đi họp đồng ngũ, ông Khoát được gặp anh em bạn bè, dò hỏi mới biết anh Huy bạn cùng đơn vị xưa kia còn có một số người thân ở làng Yên Đông, phường Yên Hải. Sau nhiều lần chắp nối, ông Khoát và người thân của liệt sĩ Huy đã gặp được nhau. Khi gặp ông Nguyễn Văn Bảo, em trai của liệt sĩ Huy, ông Khoát đã trao lại cho gia đình bài thơ với nhan đề là “Mơ”.
Bà Nhàn, nhân vật trong bài thơ “ Mơ” đang đọc lại bài thơ. |
Hiện nay, phần mộ liệt sĩ Huy vẫn còn nằm lại nơi rừng già. Gia đình và đồng đội cũng đang ngày ngày ngóng tin tìm ra phần mộ của liệt sĩ. Thấy tôi mải mê đọc bài thơ, ông Miền ngồi đó, nói thêm: Bài thơ này do ông Huy viết, có lần còn gửi cả về cho vợ tôi đọc. Người được nhắc đến trong bài thơ là cô Nhàn - người yêu của ông Huy. Ngày đó, hai người yêu nhau lắm. Tất cả các bài thơ, bức thư đều gửi về cho bà Nhàn. Các chị em ở nhà đều biết cả. Khi nghe tin ông Huy hy sinh, bà Nhàn sống trong đau buồn cùng những vần thơ. Nhưng rồi quá khứ cũng qua đi, giờ cô Nhàn đã lên chức bà, hạnh phúc cùng con cháu…
Sau buổi nói chuyện, tôi tới gặp bà Nhàn, nhân vật chính của bài thơ. Đọc bài thơ, bà Nhàn ngồi lặng người đi và đưa mắt ra xa, nói trong giọng nghẹn ngào: Tôi và anh Huy cùng sinh năm 1951, chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp lắm! Trước ngày lên đường, tôi cũng động viên anh. Nhưng chiến tranh mà, ai nói trước được điều gì đâu… Năm 1971, tôi nhận được tin anh Huy hy sinh. Lúc đó tôi buồn lắm, chẳng muốn làm gì! Sau năm 1972, tôi lập gia đình. Thỉnh thoảng tôi vẫn qua nhà anh Huy chơi, hỏi thăm hai cụ bên đó. Hai cụ mất, con cháu thoát ly, cửa nhà cũng đóng suốt.
Năm 1973 bà Nhàn kết hôn với ông Gầy, người cùng làng. Ông Gầy là nhân viên ngành Thuế, sau khi về hưu, cả hai ông bà vẫn làm ruộng và vẫn ở quê Yên Hải. Chị Vũ Thị Hiền, con gái út của bà Nhàn sau khi được tôi gửi cho bài thơ “Mơ”, cũng không giấu nổi xúc động: “Bài thơ đã lột tả được phần nào những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp của mẹ tôi và bác Huy. Bác Huy đã hy sinh, nhưng những gì mà bác làm cho quê hương và đất nước, thế hệ chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên”. Còn nhà thơ Lê Hữu Lịch (Quảng Yên) sau khi đọc xong bài thơ “Mơ” của liệt sĩ Huy, tâm sự: “Khi đọc xong bài thơ này, tôi đã khóc! Khóc vì tự hào và yêu thương. Đây là phẩm chất đặc biệt của người lính Cụ Hồ, là khát vọng tình yêu và khát vọng ấy đã làm nên hành động dũng cảm chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tôi mong rằng, sau này bài thơ “Mơ” của liệt sĩ Huy sẽ được nằm trong một tuyển tập thơ của những người lính Quảng Yên”.
Hỏi thăm mới biết, liệt sĩ Huy còn có một người bạn chí cốt trong thời học sinh và cùng đi bộ đội, đó là ông Hoàng Văn Trung (người làng Hưng Học, phường Nam Hòa). Ông Trung tâm sự: “Anh Huy là người rất có duyên với văn học và âm nhạc. Mỗi độ hành quân, lúc nghỉ tôi và anh Huy đều chơi nhạc cho anh em chiến sĩ nghe cho đỡ mệt. Tôi kéo nhị, anh chơi đàn. Chúng tôi hợp nhau lắm! Giữa năm 1971, tôi bị thương nên được ở lại cho các y tá chăm sóc, còn anh Huy tiếp tục hành quân sâu vào chiến trường. Chính tôi cũng rất bất ngờ và đau buồn khi nghe tin anh Huy hy sinh. Năm 2014, tôi cùng một số đồng đội vào tận chiến trường năm xưa đi tìm phần mộ anh Huy. Nhưng cảnh cũ, người xưa, địa thế thay đổi hoàn toàn, nên không tìm được. Trong thời gian tới, tôi cùng các đồng đội sẽ tiếp tục vào chiến trường năm xưa để đưa anh Huy về quê mẹ.
Chiến tranh đã qua đi, mọi người, đặc biệt là ông Khoát và người em trai của liệt sĩ Huy vẫn đang làm hết sức để tìm anh. Ra đi ở độ tuổi đẹp nhất, trăng tròn của cuộc đời, để lại biết bao dự định, hoài bão và cả một nửa yêu thương ở quê nhà, liệt sĩ Huy vẫn nằm đâu đó, với những ngóng trông được về với quê mẹ.
Long Vũ (CTV)
Ý kiến (0)