Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 19:13 (GMT +7)
Linh hoạt các giải pháp ổn định sản xuất
Chủ nhật, 01/08/2021 | 09:50:14 [GMT +7] A A
Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các địa phương có lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp (DN) đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều đơn vị phải dừng sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng, nhất là các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nếu không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn cũng như đánh mất các đơn hàng, chắc chắn DN Việt sẽ bị bỏ lại phía sau, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng sản xuất.
Lúng túng "ba tại chỗ"
Xét về mục tiêu, "ba tại chỗ" sẽ tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh. Nhờ đó, DN có thể vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động (NLÐ) và chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, công năng của các nhà máy từ trước đến nay đều không sẵn sàng cho bảo đảm việc ăn, ngủ, nghỉ cho hàng trăm, hàng nghìn con người, cho nên phần lớn DN không đáp ứng được yêu cầu của "ba tại chỗ" và phải dừng hoạt động.
Ðáng ngại hơn, sản xuất theo chuỗi không thể thiếu sự liên hệ với những mắt xích khác, do đó mục tiêu "vừa cách ly, vừa sản xuất" cũng khó khả thi. Và khi hàng nghìn công nhân được tập trung một chỗ, chỉ cần xảy ra một trường hợp nhiễm Covid-19, cả nhà máy sẽ biến thành ổ dịch lớn. Ðây là thực tế đang xảy ra tại hàng loạt nhà máy trong những ngày gần đây, kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài vốn có quy chuẩn vận hành nghiêm ngặt.
Thực hiện theo chủ trương của tỉnh Bình Dương, từ ngày 10/7, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt (phường Tân Hiệp Ðông, TP Dĩ An) tổ chức cho 300 công nhân ở lại sản xuất tại công ty theo tiêu chí "ba tại chỗ". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trong công ty vẫn xuất hiện 248 ca dương tính với Covid-19 (F0), chưa kể 40 F1 còn lại có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Ðây là số lượng quá lớn, nằm ngoài khả năng quản lý, kiểm soát, chăm sóc y tế của công ty. Do đó, Gỗ Long Việt đang khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có phương án hỗ trợ, xử lý.
Tương tự, ngày 24/7, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tại TP Hồ Chí Minh công bố đã phát hiện 43 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Theo đại diện Ban Giám đốc Vissan, sau khi xuất hiện F0, toàn bộ lực lượng lao động tại đây trở thành F1, F2, công ty phải giảm lượng thịt heo giết mổ từ khoảng 1.500 xuống còn 500 - 700 con/ngày. Dự báo, phải mất từ ba đến bốn tuần mới thực hiện xong các giải pháp về phòng dịch, khoanh vùng, cách ly… để bộ phận giết mổ có thể hoạt động trở lại. Còn tại Công ty TNHH công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (tỉnh Ðồng Nai), trước khi áp dụng "ba tại chỗ" vào ngày 21/7 đã test nhanh cho toàn bộ 890 NLÐ và kết quả toàn bộ đều âm tính. Sáu ngày sau, một số công nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và phát hiện 61 trường hợp dương tính. UBND tỉnh Ðồng Nai đã quyết định cho tạm dừng hoạt động 14 ngày, cách ly y tế toàn bộ DN này để phòng, chống dịch. Hiện, tỉnh Ðồng Nai đã có hơn 1.100 DN với gần 130 nghìn NLÐ thực hiện phương án "ba tại chỗ". Những ngày gần đây đã có hàng chục DN trong số này phát hiện ca dương tính. Chỉ riêng huyện Nhơn Trạch đã có hơn 40 DN "ba tại chỗ" xuất hiện F0.
Theo thông tin từ một số hiệp hội ngành hàng, trong những ngày qua đã xuất hiện sự đổ vỡ mô hình "ba tại chỗ" tại hàng loạt nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức lúng túng, khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các DN khác trên địa bàn. Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, cấp quận, huyện, thị xã và ngay cả ban quản lý khu công nghiệp một số địa phương đã ban hành các văn bản yêu cầu DN tăng cường xét nghiệm cho NLÐ, nhưng không làm rõ các kịch bản y tế liên quan cho nên DN càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn, không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao. Thậm chí, tại Tiền Giang, ngay khi các DN đã đầu tư nhiều tỷ đồng để triển khai "ba tại chỗ" thì chính quyền tỉnh đã quyết định dừng áp dụng mô hình này từ ngày 5/8/2021 khiến DN rơi vào cảnh rất bị động, khó khăn.
Sản xuất phải thật an toàn
Theo các chuyên gia, mô hình "ba tại chỗ" đã được một số DN ở Bắc Giang, Bắc Ninh vận hành tương đối hiệu quả. Nhưng ở các tỉnh phía nam, thời điểm triển khai "ba tại chỗ" là sau khi dịch diễn biến trầm trọng tại TP Hồ Chí Minh và lan sang nhiều tỉnh, số ca mắc tăng nhanh, mức độ nguy hiểm và mầm dịch trong cộng đồng là cao hơn rất nhiều so với Bắc Giang và Bắc Ninh trước đây. Do đó, việc áp dụng mô hình "ba tại chỗ" chỉ nên thực hiện ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện "kiểm soát được".
Kèm với đó, cần một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ, quy trình giám sát nghiêm ngặt để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh. Ðiều này sẽ giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời, giúp DN có thể yên tâm vận hành và không bị rơi vào tình cảnh trở thành "ổ dịch" như đã xảy ra trong mấy ngày qua. Các địa phương yêu cầu DN thực hiện "ba tại chỗ" cần xây dựng, công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy "ba tại chỗ"; có tham khảo trước với DN để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó.
Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 902 DN thực hiện phương án "ba tại chỗ" với 10.236 NLÐ. Các DN đăng ký thực hiện "ba tại chỗ" đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được đăng ký hoạt động. Nhiều DN đã chủ động thuê các đơn vị, lực lượng y tế có chuyên môn hỗ trợ DN thực hiện kiểm tra sức khỏe NLÐ (cách ba ngày test một lần); xây dựng phương án "một cung đường hai điểm đến"; tổ chức cung cấp suất ăn khép kín cho NLÐ… Tuy nhiên, việc chậm thẩm định phương án "ba tại chỗ" khi DN tăng thêm số lượng công nhân đang khiến DN phải chi hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Do đó, các cơ quan chức năng cần có câu trả lời sớm nhất để DN không rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" như hiện nay. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðồng Nai Phan Huy Anh Vũ, cho biết, trong ngày 31/7, tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ổ dịch với số ca dương tính khá cao tại các DN thực hiện "ba tại chỗ". Do vậy, cần khẩn trương thực hiện tầm soát tất cả DN thực hiện "ba tại chỗ" để phát hiện, khống chế và xem xét việc có tiếp tục thực hiện phương án này nữa hay không. Trước mắt, đối với các DN có ca dương tính, lực lượng y tế sẽ hỗ trợ để khoanh vùng, truy vết, cách ly phù hợp; nhanh chóng đưa F0, F1 ra khỏi phạm vi công ty.
Bộ Công thương cũng nhìn nhận, việc áp dụng "ba tại chỗ" đang gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất. Nhất là DN ở phía nam với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư, Bộ Công thương khuyến nghị chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm "một cung đường, hai địa điểm", không nên yêu cầu áp dụng "ba tại chỗ". Trong đó, DN sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho NLÐ, cũng như cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra lây lan dịch bệnh. Quan trọng hơn, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để DN có kế hoạch về nhân sự, lao động, tài chính cho việc khôi phục hoạt động sau dịch. Thực tế hiện nay, vẫn chưa địa phương nào có lộ trình cụ thể để các DN từng bước hoạt động trở lại. Ðiều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí, vừa khiến DN không thể lên kế hoạch để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng nghìn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê như hiện nay. Bên cạnh đó, việc thiếu thống nhất trong quy định về giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho DN, có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Cụ thể, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như vải, linh kiện điện tử,… đang bị nhiều địa phương xác định không phải "hàng hóa thiết yếu", do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất của DN. Chưa kể, yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển liên tỉnh rất phức tạp, thiếu thống nhất đã làm phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa. Theo ước tính của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng nêu trên đã gây thiệt hại cho các DN vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.
Chủ tịch Vitas Vũ Ðức Giang kiến nghị: Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, giải pháp căn cơ là NLÐ và người dân phải được tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể. Nhà nước cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho NLÐ tại các DN (có thể cân nhắc trên cơ sở DN tự chịu chi phí) nhằm bảo đảm an toàn cũng như giúp DN sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất. Mặt khác, cần giành ưu tiên đặc biệt cho đội ngũ lái xe để bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như bảo đảm sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ðồng tình với quan điểm này, Bộ Công thương cho rằng, để thực hiện "mục tiêu kép", Bộ kiến nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, bổ sung mức ưu tiên cho đối tượng lao động trong ngành vận tải là đối tượng ưu tiên tương đương với lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất. Ðồng thời, sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là NLÐ, thân nhân NLÐ đang làm việc tại các DN trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin tương đương với người cung cấp dịch vụ thiết yếu nhằm bảo đảm an toàn cho NLÐ, góp phần giúp DN sớm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vắc-xin đối với các đối tượng nêu trên. Bộ Y tế cũng cần có trách nhiệm giám sát quá trình này, có chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()