Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:05 (GMT +7)
Linh thiêng hội xuân Côn Sơn
Thứ 4, 21/02/2024 | 12:51:20 [GMT +7] A A
Về hội xuân Côn Sơn (Hải Dương), du khách sẽ được đắm mình vào không khí linh thiêng của các nghi lễ, cảm nhận sự giao hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp của khu di tích Côn Sơn. Hội mùa xuân Côn Sơn có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức từ ngày 10 đến 23 tháng giêng.
Chùa Côn Sơn có tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, tức là ngôi chùa được trời ban phước lành.
Cuối thế kỷ XIII, Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo mang ý thức dân tộc, tự chủ đã dựng liêu Kỳ Lân cho các tăng ni tu hành. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang - ba vị tổ xác lập thiền phái này thường về đây tu hành, hoằng dương phật pháp. Đặc biệt đệ tam tổ Huyền Quang khi về trụ trì chùa Côn Sơn đã xây dựng Côn Sơn trở thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm. Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Trúc Lâm Đệ tam tổ viên tịch tại chùa Côn Sơn. Ngày viên tịch của Huyền Quang tôn giả trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn, sau đó thành ngày hội. Như vậy, hội mùa xuân chùa Côn Sơn bắt nguồn từ ngày giỗ Trúc Lâm Đệ tam tổ, có từ đầu thế kỷ XIV.
Hội xuân chùa Côn Sơn có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức từ ngày 10 đến 23 tháng giêng. Về hội, chúng ta sẽ được hòa mình vào không khí linh thiêng của các nghi lễ, cảm nhận được sự giao hòa giữa trời và đất để đắm mình với thiên nhiên tươi đẹp của khu di tích Côn Sơn.
Lễ rước nước diễn ra vào sáng ngày 16 tháng giêng là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội chùa Côn Sơn, biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc... Đồng thời biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng. Nghi lễ thu hút đông đảo nhân dân, phật tử tham gia. Đoàn rước từ chùa ra hồ Côn Sơn làm lễ xin nước với đầy đủ các nghi thức như: cáo thần, trì chú, đăng đàn cầu nước, an vị thuỷ bình. Sau một năm làm ăn thuận lợi, bước sang năm mới cả cộng đồng dân cư lại làm lễ rước tam vị Thánh tổ thiền phái Trúc lâm đi cầu nước cho sản xuất và đời sống dân sinh được đầy đủ thuận hoà. Trong năm mới, nhân dân, du khách thành kính rước Phật tổ để chiêm ngưỡng sự thịnh vượng, an lành của đất nước, sự thành đạt, đoàn kết của các lớp con cháu. Không khí lễ rước nước linh thiêng với cảm xúc vui mừng, hân hoan lan toả để cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ và mọi điều an lành. Sau đó đoàn rước nước về Tổ đường chùa Côn Sơn làm lễ an vị theo nghi thức truyền thống của Phật giáo.
Lễ khai hội tổ chức vào sáng 16 tháng giêng âm lịch, với ý nghĩa tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia, tuyên truyền quảng bá các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
Sau chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện lãnh đạo tỉnh đọc diễn văn tưởng niệm và khai hội. Trong không khí linh thiêng của ngày hội, chiếc lư hương lớn của chùa Côn Sơn tỏa hương trầm thơm ngát làm không khí thêm trang trọng, hồi trống chiêng khai hội rộn rã vang lên hòa vào đất trời. Không gian thiêng kết hợp không khí hội tưng bừng, trong tiếng trống chiêng, tiếng nhạc lưu thủy hành văn mọi người cùng thành kính dâng nén tâm hương trước Trời - Đất, Phật - Thánh, các bậc tiền nhân cùng niềm tin ước nguyện được linh ứng.
Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào sáng ngày 17 tháng giêng tại Trung Nhạc miếu. Đây là nghi lễ cổ truyền đặc sắc trong lễ hội Côn Sơn. Nếu ngày 16 tháng giêng nhân dân rước Thánh tổ đi cầu nước tượng trưng cho việc ra sông, biển cầu các vị thuỷ thần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, sản xuất nông nghiệp thuận lợi không bị lũ lụt, hạn hán, mùa màng bội thu thì lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Ngũ Nhạc là nơi trời đất giao hòa. 5 đỉnh núi trên Ngũ Nhạc phân bố đều ở 5 hướng, từ xa xưa các triều đại đã xây dựng 5 miếu thờ trời đất và các vị tiên thánh gọi là Ngũ Nhạc linh từ gồm:
Đông Nhạc - Thái Sơn: Hành Mộc, màu xanh, thờ thần Đông Nhạc Thiên Tề Đại Vương Nhân Thánh Đế Quân, quản việc cát hung họa phúc của nhân gian.
Nam Nhạc - Hoành Sơn: Hành Hỏa, màu đỏ, thờ thần Ty Thiên Chiêu Thánh Đế Quân, thống đốc các loài thủy tộc.
Tây Nhạc - Hoa Sơn: Hành Kim, màu trắng, thờ thần Kim Thiên Thuận Thánh Đế Quân, quản ngũ kim và họ nhà chim.
Bắc Nhạc - Hằng Sơn: Hành Thủy, màu đen, thờ thần An Thiên Nguyên Thánh Đế Quân, quản sông biển ao hồ, các loài thú rắn rết côn trùng.
Trung Nhạc - Tung Sơn: Hành Thổ, màu vàng, thờ thần Trung Thiên Sùng Thánh Đế Quân, quản về đất đai, cây cối, rừng núi, khe vực.
Lệ xưa, mỗi khi đất nước có ngoại xâm, giặc dã, bệnh dịch, hạn hán mất mùa… triều đình cử các quan về Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu đảo cho quốc thái dân an. Các triều đại mỗi khi vua đăng cơ lên ngôi đều về Ngũ Nhạc lễ trình kính cáo trời đất.
Ở thế kỷ XIV, quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn, tu bổ chùa, lập đàn Tinh Đẩu trên Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu cho vương triều trường tồn, quốc gia cường thịnh. Vì vậy người xưa ca ngợi:
Chí Linh vi chi địa, thực dĩ Côn Sơn chân linh,
Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú.
Nghĩa là:
Đất Chí Linh linh thiêng vì có Côn Sơn linh thiêng,
Côn Sơn linh thiêng vì có Ngũ Nhạc kỳ tú.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc là nghi lễ quan trọng của quốc gia. Chủ tế là đại diện chính quyền cùng đông đảo nhân dân, phật tử thập phương tham gia.
Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ diễn ra sau ngày lễ khai hội (ngày 16 tháng giêng) rước nước ở chùa Côn Sơn. Phẩm vật có lễ chay gồm 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); lễ mặn là cỗ tam sinh gồm: lợn, ngan, cá chép (tượng trưng cho tam phủ: Thiên, Địa, Thủy). 5 loại ngũ cốc dâng lễ ứng với ngũ hành gồm: thóc - hành thổ, ngô - hành kim, đậu - hành hỏa, lạc - hành mộc, vừng - hành thủy. Ngũ cốc dâng lễ là năm loài tinh túy nhất do trời đất sinh ra nuôi sống con người và vạn vật; là vật chất để tái tạo sinh sôi duy trì sự sống của thế gian. Vậy nên ngũ cốc dâng tế được chọn lọc kỹ lưỡng. Tối ngày 14 tháng giêng, dâng lên tổ đường chùa Côn Sơn làm lễ cầu xin Phật Tổ phù phép để thành Thần Ngũ Cốc. Ngày 16 tháng giêng dâng Thần Ngũ Cốc cáo yết lên Trung Nhạc miếu.
Ngày tế trời đất, vào giờ thìn (7h – 9h sáng), đoàn rước đi từ nghi môn Ngũ Nhạc lên Trung Nhạc miếu. Dẫn đầu đoàn là chủ tế cùng nhân dân, phật tử thập phương. Tại Trung Nhạc, đoàn pháp sư phụng hành các nghi lễ cúng tế. Chủ tế dâng hương, dâng sớ cầu xin trời đất phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Chủ lễ ban phát ngũ cốc cho nhân dân mang về làm giống. Đoàn hành lễ, dâng hương ở các miếu rồi hạ sơn xuống núi.
Đầu năm mới, trên non cao kỳ vĩ, trong tiếng nhã nhạc vang lừng, quang cảnh linh thiêng, tiết xuân ấm áp, lòng người dường như náo nức, tràn ngập niềm vui, tin tưởng vào một năm mới tốt lành và bình an.
Theo Báo Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()